Thực phẩm bẩn: mạnh tay loại trừ

Cập nhật, 10:04, Thứ Sáu, 16/09/2016 (GMT+7)

Chỉ vì lợi nhuận, họ bất chấp sức khỏe người tiêu dùng: nhổ lông vịt trong tích tắc bằng hóa chất hay “ủ” hàng tấn lòng đen, tim, ruột, mỡ nội tạng động vật ngả màu và bốc mùi hôi thối,… để chế biến thành những món “khoái khẩu”.

Thế nhưng khi bị phát hiện, không ít người biện minh “tẩy lông bằng nhựa thông cho tiết kiệm thời gian” hoặc “mua nội tạng thối về cho cá ăn”.

Rửa nội tạng động vật thối, tẩy lông gia cầm bằng hóa chất

Câu chuyện an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn “sốt xình xịch” khi mà gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp bắt quả tang những vụ giết mổ, vận chuyển gia cầm, nội tạng động vật bẩn, hôi thối. Nhiều người đã phải thốt lên rằng “sao mà ác với nhau như vậy?”, “sao mà tự đầu độc dân mình như vậy?”

Nồi nhựa thông dùng để tẩy lông gà, vịt.
Nồi nhựa thông dùng để tẩy lông gà, vịt.

Mới đây, ngành chức năng đã bắt quả tang một trường hợp giết mổ gia cầm tại xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) đã dùng hóa chất để làm sạch lông. Khu vực giết mổ đặt dưới nền đan ẩm thấp ngay cạnh chuồng heo, nước làm vịt được “pha chế” thêm nhựa thông để dễ dàng làm sạch lông.

Sau khi cắt tiết, gia cầm sẽ được nhúng vào dung dịch nhựa thông, sau đó, chỉ cần lột lớp màng đen bao phủ bên ngoài là gia cầm sẽ sạch trơn lông, nhìn bắt mắt. Thao tác này chỉ mất vài phút nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao.

Vịt “trắng tươi” sau khi được tẩy lông bằng nhựa thông.
Vịt “trắng tươi” sau khi được tẩy lông bằng nhựa thông.

Cơ sở này cũng bị người dân xung quanh phản ứng lâu nay là mùi hôi bốc lên rất khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở và vận động vào lò giết mổ tập trung nhưng chủ cơ sở này vẫn chưa chấp hành.

Không chỉ vậy, nhiều người tiêu dùng xem nội tạng động vật là món khoái khẩu thì nay không khỏi sốc… toàn tập khi có nhiều vụ, nhiều thông tin về hàng tấn nội tạng động vật đã bị thối được tẩy rửa hóa chất rồi đem bán lại với giá cao ngất ngưởng, gấp cả chục lần so với giá nhập vào.

Cụ thể, như vụ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, môi trường và ma túy (Công an Vũng Liêm) bắt quả tang Võ Văn Tuấn (xã Hiếu Phụng) đang nhận 158kg nội tạng bò đã ngả màu và bốc mùi hôi thối gồm lòng đen, tim, ruột từ xe khách

Kiểm tra tiếp trong nhà của Tuấn, lực lượng còn phát hiện thêm 5 tủ đông chứa đầy nội tạng bò có trọng lượng trên 1,2 tấn. Tuấn khai nhận đã hành nghề mua bán thịt và nội tạng bò trong thời gian dài.

Số nội tạng trên có nguồn gốc ở Vũng Tàu được Tuấn mua về “để dành nấu cho cá ăn”. Tuy nhiên, trên thực tế điều tra của công an cho thấy, nội tạng thối sau khi tập kết ở nhà Tuấn sẽ được ngâm, tẩy bằng hóa chất cho bắt mắt rồi mang đến Trà Vinh tiêu thụ.

Gia cầm được giết mổ mất vệ sinh, nội tạng hôi thối được thu gom rồi “hô biến” thành thực phẩm sạch,… mới nghe qua thôi đã “ớn lạnh”.

“Con đường đi” của các loại thực phẩm cũng mất vệ sinh không kém, khiến người tiêu dùng tẩy chay và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến những người sản xuất kinh doanh chân chính.

Phạm Hữu Nghĩa (SN 1978, ngụ ấp An Trung, xã Trung Thành) bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 300kg mỡ heo đã ngả màu, đựng trong các bao phân, giỏ xách tạm bợ. Nghĩa cho biết vẫn thường xuyên vận chuyển thực phẩm bằng cách này. Mỡ heo thì được thu gom từ các lò giết mổ ở Bến Tre để mang về Vũng Liêm chế biến… lạp xưởng, chả.

Cẩn thận khi mua

Trước hàng loạt thông tin thực phẩm bẩn bị phanh phui, người tiêu dùng càng lo lắng, hoang mang hơn. Nhất là hàng loạt vụ việc nội tạng thối bị phát hiện ở Vũng Liêm- nơi được xem là nguồn cung cấp thịt động vật khá “được tin tưởng".

Anh Nguyễn Văn Hưng (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm) nói: “Ruột, gan, tim heo, bò là món ruột của tui, vậy mà nghe nhiều thông tin thấy ớn quá. Mua nội tạng thối giá 5.000- 6.000 đ/kg, rồi tẩm ướp hóa chất xong bán 60.000- 70.000 đ/kg. Cả tháng nay tui không dám ăn nữa”.

Ông Đoàn Quốc Thụy- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết:

Người tiêu dùng cần phải nhận thức rằng các thành phần dinh dưỡng của bộ phận nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người ăn khi nó tuyệt đối an toàn, bởi nếu không có nguồn gốc thì có thể là của con vật mang bệnh hoặc mầm bệnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng.

Ông Nguyễn Quang Phụng- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết thêm: Động vật không rõ nguồn gốc, chế biến không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ nhiễm vi sinh, chưa kể đến sẽ tạo ra nhiều độc tố trong quá trình lên men, thối rửa.

Thực phẩm chế biến không chín sẽ gây viêm nhiễm đường tiêu hóa gây nôn ói, tiêu chảy... Đồng thời, khả năng nhiễm độc cao, gây viêm nhiễm cấp tính đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến đường dây thần kinh.

Người tiêu dùng cần mua thực phẩm ở nơi có nguồn gốc rõ ràng, uy tín.
Người tiêu dùng cần mua thực phẩm ở nơi có nguồn gốc rõ ràng, uy tín.

Ông Nguyễn Quang Phụng khuyến cáo, người tiêu dùng nên tìm mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua thực phẩm ươn, hôi, đổi màu (không còn màu đỏ mà chuyển màu tím, đen). Đặc biệt chú ý đến mùi thực phẩm khi mua.

Song, bên cạnh việc kêu gọi người tiêu dùng phải thông thái, tự chủ động trang bị kiến thức cho mình trước rừng thực phẩm bẩn, thì ngành chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

bởi có rất nhiều vụ việc chỉ được phanh phui khi được ngành chức năng bất ngờ kiểm tra. Đồng thời, cần có chế tài xử lý mạnh hơn, đủ sức răn đe mới có thể hạn chế được tình trạng “sai- phạt- lại sai- lại phạt...”.

 

Nhựa thông là chất được Bộ Y tế cấm sử dụng vào khâu chế biến thực phẩm. Trong thành phần nhựa thông có đến 70% là chất colofan, chủ yếu để dùng trong công nghiệp chế biến xà phòng, làm keo trong và công nghiệp chế tạo vi mạch điện tử hoặc chất đốt. Nếu dùng thực phẩm có tẩm ướp nhựa thông sẽ vô cùng độc hại, nguy cơ gây ra các chứng bệnh nan y.

Bài, ảnh: TRUNG NGUYÊN