Nhà nông tìm hiểu

Chống tác hại của mặn cho lúa

Cập nhật, 05:59, Thứ Ba, 29/12/2020 (GMT+7)

Bạn Nhà nông cho hỏi mặn gây hại cho cây trồng như thế nào? Cách chống tác hại của mặn cho lúa thì phải làm sao?

Đặng Quốc Thành (Trung Thành Tây- Vũng Liêm)

Anh Thành mến! Mặn làm cây trồng không hút được nước, dinh dưỡng và gây ngộ độc. Cây lúa cũng chịu ảnh hưởng rất lớn khi nhiễm mặn. Đề phòng tác hại của mặn gây ra cho lúa, anh cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác ngay từ đầu vụ.

Theo đó, anh cần cày hoặc xới đất ngay sau khi thu hoạch lúa để cắt mao dẫn phèn, phân hủy rơm rạ, hạn chế sâu bệnh, có thời gian cày ải phơi đất. Trước khi xuống giống khoảng 2 tuần, anh cần bón vôi đều khắp ruộng để đuổi mặn, hạ phèn. Bón từ 30- 50kg loại đá vôi nung cho 1.000m2.

Sau khi bón vôi, anh cần đưa nước vào ngâm ruộng tối thiểu 2 tuần để độc chất mặn và phèn đi ra dung dịch đất, sau đó xả bỏ nước ruộng cạn đến đáy rãnh phèn vì ở thời điểm này độc chất mặn, phèn trong dung dịch đất rất cao.

Đánh nhiều rãnh phèn trong ruộng rộng 20cm, sâu 20cm, các rãnh cách nhau khoảng 6m. Để tăng sức chống chịu của hạt giống, anh có thể bổ sung chất điều hòa sinh trưởng thực vật Brassinolide lúc ngâm ủ giống.

Nếu đất canh tác không được bằng phẳng, anh nên áp dụng kỹ thuật sạ nước để hạn chế tác hại của nắng nóng gây luộc giống hay quéo mộng. Sạ nước khác với sạ ngầm, để áp dụng thành công phải làm đúng kỹ thuật từ cách ủ giống, làm đất và giữ mực nước ruộng lúc sạ.

Đối với kỹ thuật bón phân, đất chua nên bón lót phân lân như phân đầu trâu mặn phèn. Đất có vùi nhiều rơm rạ nên phun vi khuẩn phân hủy rơm rạ.

Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước, mặn xâm nhập sâu, thời tiết nắng nóng, anh cần tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo của địa phương và ngành nông nghiệp về thời điểm xuống giống để cây lúa phát triển được tốt nhất.

Đặc biệt, anh có thể sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn khá như: OM 11735, OM 429, OM 9577, OM 5451, OM 2517, OM 6162, OM 9921, OM 6677, GKG 1.

BẠN NHÀ NÔNG