Biến đổi khí hậu làm gia tăng sâu bệnh, giảm năng suất lúa

Cập nhật, 08:57, Thứ Năm, 17/12/2020 (GMT+7)

Theo PGS.TS Dương Văn Khảm- Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Trong đó, biến đổi khí hậu làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loại và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại thiên địch. Sự gia tăng nhiệt độ giúp côn trùng rút ngắn thời gian sinh trưởng, gia tăng mức sinh nở và mật độ.

Rầy nâu hại lúa có thể mãnh liệt hơn và nhiều dòng sâu bệnh kháng thuốc có cơ hội bộc phát hơn. Trong khi đó, dịch rầy thường xảy ra vào mùa hè nhưng trong tương lai có thể xảy ra vào các mùa khác. Nạn cào cào, châu chấu có thể cũng trở nên trầm trọng hơn.

Không chỉ vậy, gia tăng nhiệt độ làm rút ngắn thời gian sinh dưỡng, lúa mất nhiều chất bột hơn. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất lúa Đông Xuân có thể giảm 495 kg/ha vào năm 2030 và 681 kg/ha vào năm 2050. Nếu diễn biến khí hậu diễn ra theo đúng kịch bản thì sản lượng vụ lúa Đông Xuân có nguy cơ giảm khoảng 755.600 tấn vào năm 2030 và 1.039.500 tấn vào năm 2050.

Do đó, cần tính toán đến khả năng thích nghi của ngành nông nghiệp, các giống lúa mới có khả năng chịu lụt, mặn, nắng nóng sẽ phần nào giảm nhẹ tổn thất về đất trồng, năng suất và sản lượng.

THẢO NGUYÊN