Mô hình kinh tế từ cỏ

Cập nhật, 09:41, Thứ Hai, 12/06/2017 (GMT+7)

Vừa tất bật chuẩn bị xuất bán 200 sản phẩm cho một khách hàng tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (52 tuổi, ngụ ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A- Hậu Giang) vừa tranh thủ kể: “Trong một dịp tình cờ, năm 2015 tôi lên Sài Gòn học nghề trồng cỏ “may mắn” và về đây mở cơ sở sản xuất khoảng 7 tháng qua. Bình quân mỗi tháng vợ chồng tôi có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí”.

Bà Oanh bên những mẫu sản phẩm “cỏ may mắn” của mình.
Bà Oanh bên những mẫu sản phẩm “cỏ may mắn” của mình.

Lý giải về cái tên “may mắn”, bà Oanh kể thêm: Do nhiều người đồn đoán, cỏ này sẽ đem lại sự may mắn bất ngờ nên đặt tên vậy thôi.

Thật ra đây là loại cỏ được ươm từ hạt thanh long qua các khâu “chế biến” độc quyền từ một cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh. Người “theo nghề” phải hết sức cần cù, khéo léo, tỉ mỉ có năng khiếu về nghệ thuật tạo hình, biết sáng tạo thì mới thành công.

Sau thời gian học nghề khoảng 18 tháng, bà Oanh mở cơ sở cung cấp cỏ “May mắn” tại nhà với nhiều kiểu dáng độc, lạ như: hình dạng 1 và 2 trái tim; 1- 2 quả cầu hình tròn; cây bon sai nhiều nụ hoa, hình thiên nga,…

Giá bán hiện nay dao động từ 90.000- 250.000 đ/sản phẩm tùy thuộc hình dạng, kích thước. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang, Bình Dương,...

Ông Trần Văn Thới (huyện Phú Quốc- Kiên Giang) thường xuyên mua bán tại cơ sở bà Oanh cho biết: “Đây là mặt hàng lạ với nhiều ưu điểm như: cỏ thật 100% có thời gian sinh sống kéo dài từ 9 tháng đến 1 năm nên rất được khách hàng ưa chuộng so với các loại hoa tươi dễ tàn phai sau thời gian ngắn; kiểu dáng gọn, đẹp, thanh lịch rất phù hợp cho việc trang trí tại các văn phòng làm việc cơ quan; bố trí ở các bàn thờ cúng hay làm quà tặng; giá cả chấp nhận được”.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ: “Khó nhất là ghép hạt trên nền sản phẩm phải khéo léo, đều tay và mất nhiều thời gian; kế đến là việc tạo dáng; cột chỉ; phơi mầm, vô chậu; cung cấp đủ độ ẩm; hạt giống phải đắp đều để khi nảy mầm đảm bảo cây phải phủ đều mặt khung...

Tất cả đều phải nhẹ nhàng vì chỉ sơ suất một chút là hư hỏng ngay. Vì vậy sản phẩm này còn được nhiều người gọi là cỏ “nhà giàu”.

Sau khi gieo hạt 3 ngày, cây nảy mầm và tiếp tục được trồng trong mát thêm khoảng 10 ngày, mỗi ngày đem phơi nắng sớm khoảng 1 giờ. Khi cây ra đủ 2 lá thì có thể bán được. Khi người sử dụng tưới nước theo đúng kỹ thuật, thì cây có thể sống hơn 12 tháng.

Theo bà Oanh, khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng khách đến đặt hàng rất lớn nhưng cơ sở của bà chưa thể đáp ứng vì nhân lực hiện nay chỉ có vợ chồng bà.

Nhiều lần bà thuê người làm tiếp công việc này nhưng bất thành do chưa đáp ứng nhu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm “quý phái” và khó tính này.

Vì vậy mỗi ngày hiện nay cơ sở bà chỉ sản xuất được từ 20- 30 sản phẩm dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Riêng các dịp lễ, tết như: Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, lễ Tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ (8/3),... vợ chồng bà phải làm cật lực đến 1- 2 giờ sáng nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đặt hàng.

Bà Oanh cho biết thêm: “Sắp tới, tôi sẽ thu nhận thêm người làm có tay nghề cao để phát triển quy mô sản xuất, chuẩn bị cho các dịp lễ, tết sắp đến.

Cạnh đó sẽ “truyền nghề” cho những ai yêu thích mô hình này- đặc biệt là các hộ khó khăn vì nghề này không yêu cầu có nhiều vốn, lại dễ tiêu thụ.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM