Phát triển nông nghiệp không nên theo lối cũ, mà phải là nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật, 16:11, Thứ Sáu, 09/06/2017 (GMT+7)

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đại biểu đề nghị cần đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Đại biểu đề nghị cần đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Trong phiên thảo luận, đại biểu đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 khi ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát và kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Theo đó, cần sửa đổi cơ chế, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng; có giải pháp ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở các vùng khó khăn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư trong dân vào sản xuất kinh doanh… 

Theo nhiều đại biểu, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, cần được tập trung phát triển, nhưng không phải là theo lối cũ, mà phải là nông nghiệp công nghệ cao.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh- ảnh: DƯƠNG THU
Cần đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp, quy hoạch, phát triển nông sản thế mạnh- ảnh: DƯƠNG THU

Cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hỗ trợ khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả dự báo thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư...

Ngoài ra, đại biểu còn nhận định hiện nay sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống nhỏ, lẻ, manh mún; nông sản tiêu thụ khó khăn, do đó đề nghị cần doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp; có cơ chế phát triển ngành chế biến nông sản, có như vậy mới giải quyết căn cơ tình trạng được mùa mất giá.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là thời gian qua những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư, đặc biệt là các công trình để đối phó với tình trạng này.

Tin, ảnh: TÂM- THI