Đưa OM đến Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ

Cập nhật, 10:15, Thứ Ba, 23/08/2016 (GMT+7)

Thời gian qua, các giống lúa OM của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất lúa trong vùng mà còn từng bước mở rộng phát triển ra một số tỉnh, thành, vùng miền trong cả nước.

Ở vụ hè thu 2016, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, xây dựng mô hình trình diễn và đánh giá các giống lúa phù hợp cho địa bàn tỉnh Bình Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ.

Đây là cơ sở để Viện Lúa ĐBSCL liên kết với ngành nông nghiệp các địa phương chuyển giao giống tốt và tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.

Tỉnh Bình Thuận sản xuất lúa tập trung tại một số huyện như: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tánh Linh và Đức Linh. Diện tích sản xuất lúa hằng năm của tỉnh khoảng 110.000ha, năng suất bình quân đạt từ 5,5 - 5,6 tấn/ha, sản lượng khoảng 660.000 tấn/năm.

Viện Lúa ĐBSCL chọn Bình Thuận là nơi trình diễn mô hình các giống lúa OM chất lượng cao bởi giống lúa OM đã được nông dân Bình Thuận đưa vào gieo trồng trong nhiều năm qua. Các giống lúa mang tên OM chiếm 31% diện tích như: OM 4900; OM 7347; OM 5451; OM 6976…

Còn lại phần lớn diện tích sử dụng các giống lúa ML48, ML202... Mặc dù có diện tích sản xuất lúa lớn, nhưng những năm qua, công tác giống lúa ở tỉnh Bình Thuận chưa đáp ứng cả về số lượng và chủng loại.

Cơ sở hạ tầng, hệ thống cung ứng giống lúa còn yếu, chỉ đáp ứng khoảng 33% nhu cầu giống lúa để phục vụ sản xuất trong tỉnh.

Mô hình trình diễn 2 giống lúa OM 4900 và OM 5451 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV
Mô hình trình diễn 2 giống lúa OM 4900 và OM 5451 tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Nhằm chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống đối với các giống lúa OM, Viện Lúa ĐBSCL chọn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận tổ chức mô hình trình diễn 2 giống lúa OM 4900 và OM 5451 trong vụ hè thu 2016.

Ông Nguyễn Như Mỹ, Trưởng trạm Khuyến Nông huyện Tánh Linh, cho biết: Tánh Linh là huyện miền núi nằm về phía Nam của tỉnh Bình Thuận, là một trong những vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh, tổng diện tích gieo trồng 24.900ha/năm.

Với sự hợp tác, giúp đỡ của Viện Lúa ĐBSCL đến nay 87% nông dân của huyện Tánh Linh sử dụng các giống lúa OM. Các giống lúa này rất thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai của Bình Thuận; tiềm năng năng suất đạt 7- 8 tấn/ha. Cá biệt có những vùng sản xuất đạt 9 tấn lúa khô/ha.

Đối với mô hình liên kết sản xuất 2 giống lúa OM 4900 và OM 5451 tại Hợp tác xã Sản xuất giống Gia An trong vụ hè thu vừa qua cho thấy, 2 giống lúa này rất phù hợp với nhu cầu thực tế của nông dân. Đây cũng là nguồn giống chủ lực trong cơ cấu giống của huyện Tánh Linh.

Khi thực hiện mô hình trình diễn, sản xuất lúa giống, Viện Lúa ĐBSCL đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho Hợp tác xã Sản xuất giống Gia An về kỹ thuật chăm sóc, cấy lúa, phương pháp khử lẫn đảm bảo theo quy trình sản xuất lúa giống. Khi thu hoạch, giống OM 4900 cho năng suất 7 tấn/ha và OM 5451 đạt 7,2 tấn/ha.

Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Việc tổ chức mô hình trình diễn nhằm giới thiệu giống lúa phù hợp để thay thế dần cho các giống lúa có chất lượng trung bình của địa phương và cung ứng nguồn giống lúa gốc chất lượng phục vụ sản xuất.

Mô hình cũng nhằm vận động nông dân giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán cũ từ 300-350kg giống/ha xuống còn 120kg giống/ha, góp phần giảm chi phí đầu vào và đảm bảo năng suất, chất lượng lúa.

Từ năm 2005 đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã hợp tác với tỉnh Bình Thuận để triển khai mô hình sản xuất lúa giống nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa hàng hóa và phát triển các giống lúa OM chất lượng cao tại địa bàn.

Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL cung cấp giống lúa gốc, siêu nguyên chủng để xây dựng mô hình thử nghiệm, khảo nghiệm; cung cấp hàng chục tấn lúa nguyên chủng, xác nhận để nhân giống và sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

Các giống lúa Viện đã cung cấp như: OM 4900; OM 6976; OM 7347; OM 4218; OM 6162; Jasmine 85… Theo ông Nguyễn Như Mỹ, Trưởng Trạm Khuyến nông Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, việc tổ chức mô hình liên kết sản xuất giống lúa giữa địa phương với Viện Lúa ĐBSCL góp phần giảm giá thành sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL khi cung ứng trên địa bàn tỉnh.

Trạm Khuyến nông Tánh Linh mong muốn Viện Lúa tiếp tục quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao những thành tựu mới, ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống lúa.

Đồng thời, kỳ vọng sẽ là trung tâm, cầu nối trong việc cung ứng giống lúa có nguồn gốc từ Viện lúa ĐBSCL cho tỉnh Bình Thuận và một phần nhu cầu giống lúa cho các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện Trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết: Viện thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa cho nông dân Tánh Linh, Bình Thuận nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác cung cấp giống lúa, góp phần thay đổi cơ cấu giống lúa đáp ứng nhu cầu cho toàn tỉnh.

Từ đó, hướng tới xây dựng Hợp tác xã sản xuất lúa giống chất lượng cao; đảm bảo quy trình, chất lượng, tiêu chuẩn và nhãn mác theo yêu cầu của Viện.

Với kết quả đạt được từ mô hình trình diễn, Viện Lúa ĐBSCL hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới để chuyển giao được nhiều tiến bộ kỹ thuật mới; các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân khu vực Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ.

Theo Cần Thơ Online