Bảo hộ 23 giống lúa mang thương hiệu OM

Cập nhật, 11:42, Thứ Bảy, 20/08/2016 (GMT+7)

 Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực vào năm 2006 đến nay, Viện Lúa đã được bảo hộ 23 giống lúa mang thương hiệu OM.

 Viện Lúa ĐBSCL trình diễn các giống lúa mang thương hiệu OM do Viện chọn tạo.
Viện Lúa ĐBSCL trình diễn các giống lúa mang thương hiệu OM do Viện chọn tạo.

Đồng thời, Viện đã chuyển nhượng bản quyền tác giả hoặc quyền khai thác độc quyền cho những công ty, doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (trong phạm vi cả nước) và Công ty Giống cây trồng Trung ương (phạm vi duyên hải Miền Trung và phía Bắc).

Viện thực hiện liên kết khai thác tác quyền thông qua việc ký hợp đồng trả tiền tác quyền 200 đồng/kg giống lúa bán ra đối với một số công ty như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam, Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Hoàng-Tây Nguyên, Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty cổ phần Tập đoàn Điện Bàn...

Từ năm 2011-2016, Viện Lúa ĐBSCL có 10 giống lúa đã được chuyển nhượng bản quyền để khai thác độc quyền và khai thác tác quyền. Trong đó có 3 giống lúa OM 7347, OM 10373 và OM 173 vừa được chuyển nhượng độc quyền trong năm 2016.

2 giống lúa OM 341 và OM 373 dự kiến sẽ ký kết chuyển giao trong năm 2016 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố để khai thác độc quyền. Việc áp dụng quyền sở hữu trí tuệ giúp Viện Lúa tăng nguồn thu, phục vụ tái nghiên cứu, đầu tư cho đào tạo, đầu tư trang thiết bị, phòng nghiên cứu và tăng thu nhập cho cán bộ nghiên cứu.

Viện Lúa ĐBSCL cũng từng bước xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp, các địa phương nhằm thu hút thêm nhiều đối tác trong công tác chuyển nhượng quyền bảo hộ các giống lúa chọn tạo từ Viện. Từ đó, giúp nông dân được tiếp cận và hưởng lợi từ các giống lúa có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Theo Cần Thơ Online