"Định vị" lại sản xuất nông nghiệp

Cập nhật, 07:35, Thứ Ba, 23/08/2016 (GMT+7)

Sau gần 3 năm thực hiện, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn “còn lắm khó khăn”. Trong khi sản xuất dự báo tiếp tục chịu tác động của biến đổi khí hậu, liên kết “4 nhà” lỏng lẻo, phát triển hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu… thì để “vực dậy” nông nghiệp, tăng trưởng ổn định xem ra còn lắm mối lo...

Trong tái cơ cấu nông nghiệp phải tính đến yếu tố hạn, mặn.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp phải tính đến yếu tố hạn, mặn.

Ngành nông nghiệp đang “tổng lực” khôi phục sản xuất sau hạn, mặn. Trước mắt, triển khai sản xuất lúa Thu Đông, chuyển dịch đưa màu xuống ruộng, trọng tâm là xúc tiến tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

Tái cơ cấu còn chậm

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đã tạo nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Có nhiều hoạt động hỗ trợ khôi phục vườn chuyên canh cây ăn trái và phát triển các vườn chuyên canh mới. Trong đó, các cây màu có hiệu quả kinh tế cao như: khoai lang tím Nhật, hành lá, mè, dưa hấu,... được duy trì khá tốt.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, việc giảm diện tích lúa kém hiệu quả và tăng diện tích rau màu chưa đạt kế hoạch tái cơ cấu, thủy sản vẫn chưa có tín hiệu lạc quan...

Do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn nên giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản chỉ đạt 9.443 tỷ đồng, giảm 3,89% so với cùng kỳ; trong đó ngành nông nghiệp giảm 4,06%, ngành thủy sản giảm 2,83%.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, ngành nông nghiệp đang hứng chịu thiệt hại “kép” từ hạn mặn. Cụ thể, năng suất lúa Đông Xuân đạt 6,3 tấn/ha, giảm 0,7 tấn/ha, sản lượng giảm 46.500 tấn; ước năng suất và sản lượng lúa Hè Thu giảm 10%; sản lượng cây lâu năm đạt 301.500 tấn, giảm 1,84%.

Cũng ảnh hưởng hạn mặn nên vụ lúa Hè Thu vừa qua có hàng ngàn hecta lúa ở huyện Vũng Liêm xuống giống trễ. Xáo trộn và “lỡ cỡ” lịch thời vụ đã kéo dài sang vụ Thu Đông này.

Trong khi ngành nông nghiệp khuyến cáo “bỏ vụ” để không ảnh hưởng lúa Đông Xuân thì nông dân cho biết “chẳng lẽ ở không” nên chuyển sang trồng khoai lang, hoa màu…

Cách làm tự phát dự báo dẫn đến nhiều hệ lụy, khó khăn ngành nông nghiệp sẽ còn kéo dài.

Trong khi đó, liên kết “4 nhà” được xem là khâu quan trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút nông dân tham gia nhưng hiện vẫn còn lỏng lẻo.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh hiện chỉ có 1 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh, rủi ro về môi trường, giá cả thị trường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đang thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Tập trung tháo gỡ

Giải pháp vực dậy nông nghiệp để giá trị sản xuất đến cuối năm đạt 2,5% theo chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, ông Nguyễn Minh Tho cho biết, sẽ quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu, trong đó chú trọng các giải pháp đưa cây màu xuống ruộng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp tổ chức đánh giá bổ sung lịch thời vụ cũng như cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện nay, đặc biệt là những ngành có thể đem lại thu hoạch cao như trồng cây lâu năm, cây màu, nuôi trồng thủy sản…

Tỉnh cũng tăng diện tích lúa Thu Đông ở những vùng phù hợp, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, bù lại sản lượng lúa Hè Thu bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng, nhất là các loại có hiệu quả kinh tế cao như khoai lang, bắp…; tổ chức chăm sóc tốt các vườn cây ăn trái ở những vùng không bị ảnh hưởng mặn như huyện Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ để tăng năng suất.

TS. Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho rằng cần phát triển cây màu hướng đa dạng, kết hợp chế biến sản phẩm mang tính cạnh tranh để phân rõ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thực tế sản xuất thời gian qua cũng cho thấy, hiện còn nhiều vùng sản xuất chuyển đổi chưa phù hợp nên cần xem xét lại quy hoạch. Bên cạnh, hiện nông dân còn gặp khó về vốn, khoa học kỹ thuật, thông tin, đầu ra nên rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, giai đoạn 2017- 2020, sẽ đề xuất điều chỉnh lại đề án, tùy điều kiện thực tế địa phương để có hướng phù hợp, không nhất thiết phải giảm lúa tăng màu.

Tái cơ cấu nông nghiệp không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà là cả một quá trình với sự nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền đến người dân.

Ths. Nguyễn Văn Liêm cho rằng, để tạo cú hích tái cơ cấu nông nghiệp, cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trong đó, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thực hiện mạnh mẽ hơn.

Không thể thiếu kinh tế hợp tác

TS. Lê Văn Bảnh- Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp- PTNT), cho rằng trong tái cơ cấu nông nghiệp thì hợp tác xã và tổ hợp tác chính là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.

Cho nên cần phải củng cố và phát triển các tổ chức này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đủ sức đảm đương vai trò của mình để góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Muốn vậy, cần quan tâm hỗ trợ kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa phục vụ cho việc đưa sản phẩm tham gia vào các kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại cho hợp tác xã hoặc tổ hợp tác sản xuất.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH