Ăn trái, chơi trái "độc"

Cập nhật, 11:19, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Những sự độc, lạ, ly kỳ dễ thu hút người ta. Hiện nay, trái cây không chỉ để ăn mà còn để trưng bày hay để “chơi” và điều đó kích thích sự sáng tạo của nông dân để cho ra nhiều loại trái cây độc đáo, lạ lẫm và bắt mắt, từ kiểu dáng đến màu sắc...

Trái bưởi Năm Roi in hình bản đồ Việt Nam.
Trái bưởi Năm Roi in hình bản đồ Việt Nam.

Một số trái cây chúng tôi muốn nói là nhãn tím, vú sữa tím than, bưởi Năm Roi tạo hình bản đồ Việt Nam đang có mặt ở một số nhà vườn ở Sóc Trăng, Hậu Giang, TP Cần Thơ.

Trái cây “biến tấu” màu sắc, dáng hình

Năm nay là năm đầu tiên ông Võ Trung Thành- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, Châu Thành- Hậu Giang) tạo hình bưởi Năm Roi với hình bản đồ Việt Nam (có cả những điểm tượng trưng cho quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

“Đây là cách thể hiện tinh thần yêu nước, khẳng định chủ quyền nước ta, trong đó có chủ quyền biển đảo quê hương với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”- ông Thành chia sẻ. Theo ông Thành, năm nay có khoảng 800 trái bưởi được ông tạo hình bản đồ Việt Nam như thế. Dự kiến khoảng 80% trong số đó đạt yêu cầu ra thị trường.

Ông Võ Trung Thành bên loại trái cây quen thuộc nhưng có “biến tấu” với hình dáng mới nhất để cho ra thị trường tết năm nay.
Ông Võ Trung Thành bên loại trái cây quen thuộc nhưng có “biến tấu” với hình dáng mới nhất để cho ra thị trường tết năm nay.

Gần đây, giới nhà vườn xôn xao vì giống nhãn tím ở tỉnh Sóc Trăng. Đó là giống nhãn phát tích từ nhà vườn ông Trần Văn Huy (Bảy Huy). “Cớ sự” có giống nhãn tím bắt mắt, thu hút nhiều người là do... tình cờ. Hơn chục năm trước, tình cờ ông Bảy Huy thấy cây nhãn long vườn nhà ra một nhánh nhãn lá màu tím. Nhánh nhãn này trổ bông màu tím và đậu trái vỏ cũng màu tím.

Bất ngờ trước sự lạ lẫm, ông Bảy Huy chiết cành nhãn này gây trồng. Qua quá trình tự gầy dựng và “im hơi lặng tiếng” khoảng 4 năm, giống nhãn tím của ông Bảy Huy mới có mặt trên thị trường, sau khi ông đem trái cây này tham gia một hội chợ trái cây đại diện cho vùng cồn Phong Nẫm thuộc huyện Kế Sách.

Tính đến nay, chủ nhân giống nhãn tím cung cấp hàng trăm nhánh nhãn giống ra thị trường với giá rất cao, đến 1 triệu đồng/nhánh. Có thời điểm, giá mỗi ký nhãn tím tới 100.000đ nhưng vẫn thu hút rất nhiều người mua do sự độc, lạ.

Loại nhãn tím thời gian qua “sốt” giá bán trái lẫn cây giống.
Loại nhãn tím thời gian qua “sốt” giá bán trái lẫn cây giống.

Còn người dân phường Long Tuyền (quận Bình Thủy- TP Cần Thơ) và khách gần xa hay gọi là vườn vú sữa của ông Nguyễn Văn Khương là vú sữa Bảy Khương, vú sữa tím than. Đơn giản trái vú sữa vườn nhà ông khi chín có màu tím than. Ông Bảy Khương kể, chừng 25 năm trước, vườn nhà ông mọc cây vú sữa, ông cứ để vậy chăm sóc. Khi cây cho trái, vú sữa còn non màu xanh bình thường, nhưng khi chín toàn thân trái chuyển sang màu tím than lạ mắt.

Ông Bảy Huy bên giống nhãn tím phát xuất từ vườn nhãn long gia đình mình.
Ông Bảy Huy bên giống nhãn tím phát xuất từ vườn nhãn long gia đình mình.

Theo ông Bảy Khương, đặc biệt loại trái này là vỏ màu tím đậm, mỏng và bóng, thịt trái có độ cứng hơn một số loại vú sữa khác, để lâu được và dễ vận chuyển đi xa. Chính vì thế, nên người tiêu dùng ngày càng biết nhiều, lựa chọn loại trái này nhiều hơn để ăn, làm quà, do đó giá cả cũng cao hơn các loại vú sữa khác. Vào mùa, giá vú sữa tím than thương lái mua tại vườn 35.000- 40.000 đ/kg. Vú sữa tím than trái to, tầm 3 trái đạt 1kg.

Cung, cầu và giá trị thực

Bưởi Năm Roi tạo hình hồ lô, hình bàn tay Phật; dưa hấu tạo hình thỏi vàng, ôtô; nhãn tím hay vú sữa tím vô tình được “thiên tạo” các sắc màu, mùi vị khác với thông thường đôi chút, đã tạo tiếng vang trên thị trường. Loại hàng “độc, lạ” này thường được “làm” để ra rộ vào dịp tết, thỏa mãn nhu cầu tặng, biếu nhau chưng tết.

Ông Bảy Khương bên vườn vú sữa tím than của mình.
Ông Bảy Khương bên vườn vú sữa tím than của mình.

Việc này đã phần nào biểu thị cho sức sáng tạo, làm mới mình của những nông dân. Nhu cầu thị trường, đời sống, thị hiếu đã “bắt” những nông dân bên vườn cây của mình biết tính toán, biết làm mới hơn, làm khác đi một chút để tạo ra sản phẩm độc, lạ.

Đến nay, từ khoảng 150 gốc vú sữa tím than thì ông Bảy Khương đã nhân lên 1,2ha. Nhiều người dân cũng tìm đến nhà ông mua cây giống về trồng. Ngành chức năng địa phương đã lựa chọn, hướng dẫn cải tạo thành điểm du lịch sinh thái hứa hẹn cho du khách gần xa...

Những mùa tết qua, ông Võ Trung Thành cũng đã tạo hình thành công trên trái bưởi với hình hồ lô, thỏi vàng, bàn tay Phật, bưởi hồ lô in chữ Phước, Lộc, Thọ, Tài,... cung cấp thị trường Tết Nguyên đán và rất được ưa chuộng. Bàn tay nông dân đã “thiết kế” lại có chủ đích để nâng trái cây lên một tầm khác hơn.

Nói gì thì nói, có cầu ắt có cung, trái cây độc, lạ và ngày thêm độc lạ hơn về tên và ý nghĩa nó mang lại, sẽ vẫn thu hút người tiêu dùng, người chuộng cái mới. Nó góp phần kích thích tư duy sáng tạo, tìm tòi đổi mới của nhà vườn. Nó giúp tạo lập và phát triển kinh tế nông nghiệp, góp vào muôn vẻ cái ăn, sự chơi với trái cây độc, lạ.  

BÀI, ẢNH: TƯỜNG VÂN