Đánh cược với lúa gà- được hay mất?

Cập nhật, 07:44, Thứ Ba, 02/02/2016 (GMT+7)
Thu hoạch lúa ở xã Trà Côn.
Thu hoạch lúa ở xã Trà Côn.

Tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng thuận lợi, nông dân hiện dễ dàng nắm bắt được thị trường cũng như các khuyến cáo từ phía ngành nông nghiệp. Nhưng trên thực tế một vấn đề khó với người trồng lúa là làm theo khuyến cáo hay theo thương lái?

Nỗi lo cũ trong năm mới

Ghi nhận tình hình thu hoạch lúa ở một số xã của huyện Trà Ôn, cũng như mọi năm, vụ lúa năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được mùa, bà con phấn khởi. Bình quân, mỗi công (tầm lớn) đạt 35 giạ/công (Jasmine, OM4900, OM5451,...); IR50404 đạt 38 giạ/công, lúa ML202 đạt 42 giạ/công,....

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ nông nghiệp, cùng với niềm vui được mùa vẫn là nỗi lo thị trường đầu ra. Theo cán bộ công chức nông nghiệp xã Trà Côn Trần Văn Một, lúa cũng như các loại nông sản khác, chuyện giá cả “nhảy múa” theo thị trường là chuyện rất đỗi bình thường.

Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người chưa hiểu là từ khoảng 2 năm gần đây là mức độ chênh lệch giữa các loại giống lúa. Đặc biệt là sự lên ngôi bất ngờ của 2 giống lúa mà Bộ Nông nghiệp khuyến cáo nên hạn chế đó là IR50404 và Ma Lâm 202 (ML202, hay lúa gà).

Theo đó, nếu như năm 2013 về trước, lúa chất lượng cao như (Jasmine 85, OM5451, OM4900,…) cao hơn lúa IR50404 từ 700- 1.000 đ/kg. Năm 2014, giá lúa giảm đồng loạt, nhưng lúa IR50404 lại được giữ mức cao, tức độ chênh lệch này giảm còn 300- 400 đ/kg. Bất ngờ, trong vụ này gần vào vụ thu hoạch sớm, thương lái hỏi mua lúa IR50404 với giá 5.000 đ/kg, khi vào vụ giá giảm chỉ còn 4.700- 4.800 đ/kg.

Còn “lúa OM5451 năm nay không cao. Giá 5.000 đ/kg lúc đầu vụ và khi thu hoạch giá thị trường còn 4.850- 4.900 đ/kg”- chú Ba Lai ở ấp Gia Kiết (Tân Mỹ) cho biết. Tại ấp Tường Nhơn (xã Nhơn Bình) bà con nông dân cũng thất vọng khi lúa OM4900 khó bán, chỉ mua bằng giá IR50404 với giá 4.800- 4.900 đ/kg.

Như vậy, so với lúa IR50404 thì các loại giống OM khi vào thu hoạch cũng chỉ hơn 50 - 100 đ/kg, thậm chí là không chênh lệch vào lúc đầu vụ.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây là “lúa gà” bất ngờ được thương lái ưa chuộng, hỏi mua với giá khá cao. Giá lúa này “nhảy” bằng với các loại giống chất lượng cao (5.000 đ/kg), thậm chí có cao hơn và lên tới 5.200- 5.400 đ/kg.

Chính vì sự lên cao bất thường của lúa ML202 và IR50404 trong 2 năm qua đã khiến người trồng lúa đắn đo. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp địa phương gặp khó khi khuyến cáo bà con trồng loại giống lúa chất lượng cao.

Tại sao nông dân bỏ ngoài tai những khuyến cáo?

Qua tìm hiểu, ở các nơi bà con làm “lúa gà”, phần lớn người nông dân đã hiểu và chấp nhận sự rủi ro khi làm lúa này.

Theo chân nông dân ở ấp Bang Chang (Trà Côn), một số nông dân ở đây đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân và chuẩn bị giống cho vụ tiếp theo. Chú Út vừa thu hoạch 5 công lúa gà, nói: “Vụ đầu tiên nên không cần phân thuốc gì nhiều mà lúa trúng. Không biết các vụ sau có được trúng mùa như vậy không?”

Nhưng một điều quan trọng hơn là chú Út lo lắng là: “Tôi làm lúa này y như đánh bài. Nếu cược số lớn, sạ nhiều mà thương lái õng ẹo thì chết lớn”. “Lúc lúa gần chín là ăn ngủ không được luôn. Vì sợ thương lái họ chê hoặc khó bán thì mình mệt mỏi. Vì theo như khuyến cáo của một số thông tin đại chúng và bên cán bộ nông nghiệp xã thì chỉ lúa này không xuất khẩu, chỉ sản xuất nội địa”- chú Út bày tỏ.

Chú Út nói thêm: “Không lo sao được. Vì bình thường giống OM hay IR50404 được đồng ý mua và đặt tiền cọc nhưng vẫn bị lái bỏ của chạy lấy người khi giá lúa giảm mạnh. Đằng này, chịu đánh cược với giống lúa này và tin tưởng vào thương lái thì xem như rủi ro lớn cỡ nào?” Dù biết đánh cược như vậy nhưng sau khi được giá cao, trúng mùa thì chú Út lại “chơi đánh bài tiếp”. Lần này “không chỉ vài hộ làm mà hầu như rất nhiều người sẽ làm vì ai cũng tới nhà tui xin đổi giống”- chú Út nói.

Chỉ tay vào bao lúa chất đống trước nhà, chú Nguyễn Văn Hồng cùng ấp cho biết: “Lúa OM5451 vừa thu hoạch mà có 34 giạ/công. Trong khi IR50404 của ruộng gần đó làm 38 giạ. Còn lúa gà được tới 42 giạ lận đó. Nên tui mới đổi giống của thằng Út trong xóm. Tính vụ tới này sẽ sạ lúa gà”.

Người dân ở ấp Bang Chang và nhiều nơi khác đã đổi giống lúa gà chuẩn bị sạ trong vụ tới.
Người dân ở ấp Bang Chang và nhiều nơi khác đã đổi giống lúa gà chuẩn bị sạ trong vụ tới.

Bác nông dân Đặng Nhu Triều tại ấp Vĩnh Thành (Vĩnh Xuân) vừa thu hoạch 20 công lúa cho biết: “Trước đây, tui thấy người dân bên Cầu Kè (Trà Vinh) làm trúng mùa, dễ làm, thương lái không kén nên tui hỏi thăm rồi sạ thử vài công. Hiện nay là vụ thứ 3, hầu như tất cả người dân trong khu đều sạ loại này”.

Theo chú Triều, giống lúa này ở Trà Vinh làm rất nhiều, thương lái cũng từ Trà Vinh, Bến Tre lên mua. Mỗi khi làm chúng tôi đều họp bà con lại để đủ cho thương lái mua trong các chuyến. Và, “Thường đầu vụ là điện thoại trước để hỏi thì thương lái nói cứ làm, họ mua hết”- chú Lê Văn Long nhà kế bên cho biết. Chú Long nói thêm: “Thương lái nói đủ ghe thì dễ mua, nên khi thương lái đồng ý thì tui vẫn làm đại”.

Chưa thống kê cụ thể, nhưng thăm dò một số địa phương chúng tôi đến như Nhơn Bình, Trà Côn, Vĩnh Xuân,… thì hiện nay lúa gà đang được bà con rất quan tâm, mua giống và chuẩn bị gieo sạ trong vụ tới. Phần lớn họ đều biết đây là một sự mạo hiểm mà họ vẫn làm liều.

Ông Trần Văn Một than thở: “Theo thăm dò ở các ấp báo lên là vụ tới lúa này sẽ tăng rất cao. Dù có nói đến họ gật gù, đồng ý nhưng cuối cùng nhiều người ngâm giống lúa gà, sạ tiếp mình cũng bó tay”.

Từ lâu, khuyến cáo của ngành nông nghiệp là người dân nên sử dụng lúa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hạn chế giống như IR50404, ML202 để giảm rủi ro.

Tuy nhiên, hiện với mức giá sốt bất ngờ như trên thì nông dân dù biết rõ “lúa gà” có chất lượng gạo thấp, chỉ tiêu thụ nội địa,… nhưng khó cản được họ. Vì nếu chỉ dừng ở mức khuyến cáo mà không có những giải pháp cụ thể, đảm bảo đầu ra ổn định thì người trồng lúa gà kể cả chất lượng cao hay IR50404 đều canh cánh nỗi lo mỗi khi lúa vàng đồng.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN