Xây dựng thương hiệu lúa gạo từ cánh đồng lớn

Cập nhật, 16:58, Thứ Ba, 02/06/2015 (GMT+7)

Tại hội nghị “Cánh đồng lớn” (CĐL) do BCĐ Tây Nam Bộ, Tổng hội Nông nghiệp- PTNT tổ chức tại Cần Thơ mới đây, nhiều bất cập trong quá trình xây dựng CĐL đã được chỉ ra để đi đến thống nhất, đây là mô hình phù hợp để tiếp tục nhân rộng, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Đầu ra hạt lúa vẫn là “bài toán” trong xây dựng CĐL.
Đầu ra hạt lúa vẫn là “bài toán” trong xây dựng CĐL.

“Bán lúa tươi tại ruộng là điều rất tệ”

Theo Cục Trồng trọt, mô hình cánh đồng mẫu lớn (nay là CĐL) được Bộ Nông nghiệp- PTNT phát động từ năm 2011 tại Cần Thơ đã mở hướng đi mới, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo chuyển biến trong sản xuất lúa gạo. Từ 8.000ha vụ Hè Thu 2011, đến vụ Đông Xuân 2014- 2015 này đạt khoảng 200.000ha. Năng suất đạt thấp nhất 5 tấn/ha và cao nhất 7,23 tấn/ha, lợi nhuận từ 15- 26 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

Toàn vùng có 101 doanh nghiệp tham gia ký kết bao tiêu cho CĐL. 88 hợp tác xã và 551 tổ hợp tác đại diện cho nông dân ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho hơn 77.400ha. Song, thực tế doanh nghiệp thu mua chỉ đạt 42.600ha, chiếm 55%.

PGS.TS Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu chậm vào cuộc, trong khi CĐL là vùng nguyên liệu chủ yếu để xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã chưa có nhà kho, hệ thống sấy… “Hiện nông dân gần như bán lúa tươi tại ruộng. Đây là điều rất tệ, vì bán tại ruộng dễ bị ép giá. Chính vì vậy có thể gọi CĐL hiện chỉ trong quá trình hơn phôi thai một tí”- PGS.TS Phạm Văn Dư nhận định.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty CP BVTV An Giang), việc triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vừa qua cho thấy hầu hết doanh nghiệp chỉ mua gạo chứ không mua lúa. Mối liên kết còn lỏng lẻo nên xảy ra tình trạng “bẻ kèo”, doanh nghiệp kéo dài thời gian thu mua. Sở dĩ doanh nghiệp tham gia CĐL còn chậm là do nguồn lực Nhà nước đầu tư chưa đủ mạnh. “Mục tiêu đến năm 2018, công ty mở rộng CĐL lên 340.500ha, chiếm 9% diện tích gieo trồng lúa ĐBSCL và hoàn thành cụm 12 nhà máy chế biến. Hiện công ty đã có chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tuy đã nộp hồ sơ đầy đủ nhưng các tỉnh vẫn chưa cho phép chuyển đất lúa để xây dựng. Do chưa có quyền sử dụng đất nên công ty không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để tiếp tục xây thêm nhà máy mới”- PGS.TS Dương Văn Chín nêu bất cập.

Từ CĐL tiến tới xây dựng thương hiệu gạo

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế CĐL, PGS.TS Dương Văn Chín cho biết, để nâng cao chất lượng hạt gạo, hiện công ty đã xây dựng được thương hiệu cho 2 loại gạo là “Hạt ngọc trời” và “VB Rice” xuất khẩu sang hơn 30 nước trên thế giới. “Nhu cầu cạnh tranh thế giới về mặt hàng gạo rất lớn, đặc biệt là chất lượng nên việc xây dựng thương hiệu là hết sức cần thiết. Và nếu chúng ta không làm sẽ mất thế cạnh tranh. Thành quả bước đầu từ mô hình CĐL, công ty tiếp tục sản xuất, tạo dựng thương hiệu nhiều loại gạo thời gian tới”- PGS.TS Dương Văn Chín nói.

Một góc nhà máy tiêu thụ lúa trong CĐL của Công ty CP BVTV An Giang, tại Vĩnh Bình.
Một góc nhà máy tiêu thụ lúa trong CĐL của Công ty CP BVTV An Giang, tại Vĩnh Bình.

TS Nguyễn Trí Ngọc- Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp- PTNT Việt Nam cho rằng, việc chưa có thương hiệu lớn, mà chủ yếu xuất khẩu thô hoặc phải thông qua thương hiệu của nước khác là do chất lượng các mặt hàng nông sản còn quá kém, việc kiểm soát chất lượng cũng như kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu... Để giải quyết, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đưa ra lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo có quy mô diện tích từ 5.000- 30.000ha ở ĐBSCL. Khi vùng nguyên liệu được hình thành, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo trên cơ sở sản xuất theo VietGAP hoàn chỉnh và khép kín từ khâu sản xuất, thu hoạch, tồn trữ, bảo quản, chế biến, bán sản phẩm đạt giá trị cao nhất và phân phối lợi nhuận hợp lý, hài hòa.

PGS.TS Phạm Văn Dư cho rằng, mục tiêu cụ thể của CĐL thời gian tới là mỗi địa phương phải xây dựng cho được cánh đồng sản xuất từ 1- 2 giống. “Nếu sản xuất nhiều giống thương lái mua trộn tùm lum giống thì không thể làm thương hiệu lúa gạo được. Mà người làm thương hiệu chính là doanh nghiệp, bởi trên cơ sở vùng nguyên liệu xây dựng doanh nghiệp mới nắm được nhu cầu thị trường cần gạo gì, sản lượng bao nhiêu và chất lượng ra sao”. Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Dư, sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới sẽ khốc liệt, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chiến lược xuất khẩu và xây dựng thương hiệu lúa gạo. Hiện Myanmar sản xuất 2 vụ lúa/năm và Campuchia đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống thủy lợi canh tác lúa, khi đó sản lượng của 2 nước này sẽ vượt qua Việt Nam. Nếu không làm CĐL thì không xây dựng được thương hiệu lúa gạo.

Để đầu tư CĐL có hiệu quả, ông Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Kinh tế (BCĐ Tây Nam Bộ) cho rằng, cần phải lộ trình, từng bước, từ thấp đến cao, không theo phong trào mà phải tính toàn dựa vào thực lực, nội tại từng doanh nghiệp để có bước đi thích hợp. “Mô hình CĐL là phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã có hiện tượng phong trào CĐL, nhiều nơi thực hiện nhưng đầu ra thì chưa có địa chỉ cụ thể. Thất bại của các tập đoàn, hợp tác xã hay kinh tế trang trại còn là một bài học đáng suy ngẫm cho CĐL ngày nay và ngày mai”- ThS Trần Hữu Hiệp lưu ý.

Nhận định khâu cơ giới hóa trong CĐL hiện còn yếu kém, ông Trần Hữu Hiệp cho rằng: “Nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo kiểu “bán rượu bắt mua mồi”. Nhà nước hỗ trợ nông dân mua cơ giới phục vụ sản xuất nhưng bắt buộc phải nội địa 60% thì làm sao dân chịu. Mà dân không chịu là sẽ không đầu tư, điều này làm cơ giới trong CĐL tiếp tục hạn chế”.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH