Lỏng lẻo quản lý giống lúa

Cập nhật, 15:21, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Theo Cục Trồng trọt, nếu trong năm 2012 ở ĐBSCL chỉ có 271 cơ sở sản xuất kinh doanh giống lúa, thì đến năm 2014 đã tăng lên 1.362 cơ sở. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5/13 tỉnh nắm được số cơ sở sản xuất giống, với khoảng 700 cơ sở, số còn lại đang hoạt động trôi nổi, không quản lý được chất lượng.

Tại hội nghị “Giao ban sản xuất trồng trọt các tỉnh Nam Bộ” tại Vĩnh Long mới đây, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu khâu giống không được quản lý tốt thì rất khó nâng cao chất lượng hạt lúa, và lâu dài không thể tái cơ cấu theo chuỗi giá trị.

Khâu giống cần được quản lý tốt để nâng cao chất lượng hạt lúa.
Khâu giống cần được quản lý tốt để nâng cao chất lượng hạt lúa.

Xuất hiện giống lúa nguyên chủng giả

Đánh giá tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu vừa qua, theo PGS.TS Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT) có 2 vấn đề đang lo ngại ở ĐBSCL hiện nay là tình trạng sử dụng giống có chất lượng trung bình như IR 50404, OM 576 vẫn ở mức cao, chiếm 24,7%, mặc dù ngay đầu vụ đã được cảnh báo các giống này sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ. Mặt khác, khâu sản xuất kinh doanh giống lúa thời gian qua vẫn chưa được quản lý chặt chẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Nếu năm 2012, ĐBSCL chỉ có 271 cơ sở sản xuất kinh doanh giống lúa, thì đến năm 2014 đã tăng lên 1.362 cơ sở. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5/13 tỉnh là Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu nắm được số cơ sở vừa sản xuất, kinh doanh giống. Chỉ 6/13 tỉnh công bố được khối lượng giống lúa cấp nguyên chủng, song cũng không cung cấp được chủng loại giống được sản xuất; 9/13 tỉnh cung cấp được số liệu sản xuất giống lúa cấp xác nhận nhưng xa vời với số thực tế theo tính toán của cơ quan chuyên môn. “Đã xuất hiện cơ sản xuất giống nguyên chủng giả, không có giấy phép. Tôi đề nghị cần tăng cường kiểm tra, nắm số lượng cơ sở và có biện pháp xử lý. Tất nhiên làm giống nhiều có lợi cho sản xuất nhưng làm nhiều mà làm ẩu thì không được. Nếu khâu giống mà làm không được thì đừng nói chuyện tái cơ cấu ngành hàng, nâng cao giá trị”- PGS.TS Phạm Văn Dư nói.

Theo TS Trần Ngọc Thạch- Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, trong tổng số 61 cơ sở kinh doanh lúa giống mà viện nắm được, thì chỉ có 9 đơn vị đến viện hợp tác thực thi bản quyền và nguồn giống đúng chất lượng về sản xuất kinh doanh. Các đơn vị còn lại sản xuất đại trà, chất lượng thả nổi. Bên cạnh, hiện giống khảo nghiệm cũng có vấn đề, khi đưa đến các đơn vị thì bị giữ lại làm nguồn giống đầu dòng đưa vào sản xuất. “Đây là việc rất nguy hại. Minh chứng là việc chất lượng giống OM của viện hiện có 3- 4 nguồn, An Giang khác, Vĩnh Long khác, nguyên nhân do bất cập khâu cấp chứng chỉ ở giai đoạn giống siêu nguyên dẫn đến”- TS Trần Ngọc Thạch cho biết thêm.

Cần quản lý chặt khâu giống

Theo quy định thì việc mua bán hạt giống được Nhà nước quản lý khá chặt. Cụ thể, cơ sở kinh doanh giống phải có giấy phép của Sở Nông nghiệp- PTNT cho phép sản xuất cung ứng giống, đủ điều kiện kinh doanh theo Pháp lệnh Giống cây trồng. Giống đưa ra thị trường là giống xác nhận, đảm bảo 5 chỉ tiêu gồm độ ẩm, tỷ lệ lẫn tạp, nảy mầm, độ thuần… Tuy nhiên, thực tế không ít cơ sở lấy các loại giống lúa “dòng 2” sau khi sản xuất từ giống lúa xác nhận tiếp tục bán cho nông dân gieo sạ vụ tiếp theo mà không trực tiếp đến viện lúa tìm giống chất lượng để sản xuất kinh doanh.

Nông dân cần làm đất bằng phẳng, sạ hàng để giảm lượng giống.
Nông dân cần làm đất bằng phẳng, sạ hàng để giảm lượng giống.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, giai đoạn 2011- 2015, Viện Lúa ĐBSCL được giao 2 nhiệm vụ quản lý, sản xuất thực hiện giống lúa xuất khẩu. Trong năm 2014, viện đã được cấp 6,4 tỷ, triển khai ở 6 đơn vị: Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với các nội dung từ giống gốc sản xuất giống siêu nguyên chủng và tổ chức mô hình siêu nguyên chủng và tập huấn cho nông dân. Tuy nhiên, hiện có khoảng 50% lượng giống gốc và giống siêu nguyên chủng không tiêu thụ được. “Đây là sự lãng phí rất lớn. Nông dân vẫn còn có thói quen lấy lúa thịt làm giống, trong khi các cơ sở vẫn lấy giống từ những ruộng lúa sử dụng giống xác nhận vụ trước để tiếp tục kinh doanh”- TS Trần Ngọc Thạch nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, nông dân ĐBSCL vẫn chưa có thói quen gieo sạ hàng để giảm lượng giống, trong khi với giá giống nguyên chủng mà viện lúa chuyển giao trung bình 40.000 đ/kg hiện là khá cao nên nhiều người dân càng ngán ngại sử dụng. “Ở Đồng bằng sông Hồng, theo tôi nắm được hiện 100% nông dân sử dụng giống chất lượng để sản xuất. Trong khi giá giống lúa siêu nguyên chủng họ bán cho nông dân chỉ 25.000- 30.000 đ/kg, thì ĐBSCL lên tới 40.000đ. Trung bình mỗi héc ta, ở Đồng bằng sông Hồng chỉ 30kg giống, nhưng năng suất không thua so ở ĐBSCL sử dụng đến 50kg”- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh so sánh, đồng thời cho rằng đó là bất cập khâu quản lý giống lúa mà nguyên nhân do một số cơ quan nghiên cứu và quản lý giống chưa làm bài bản.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Viện Lúa ĐBSCL trước mắt phải tập trung hoàn thiện những giống đang có giá trị, tổ chức lại và xây dựng toàn diện hệ thống sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất trong thời gian tới. Về phía Cục Trồng trọt cần thường xuyên tiến hành thanh- kiểm tra, khảo kiểm nghiệm chất lượng giống lúa, đặt ra các tiêu chí để đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh giống, công bố những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đảm bảo chất lượng để tạo môi trường công bằng trong kinh doanh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long khẳng định, đã có báo cáo đầy đủ vấn đề này gửi Cục Trồng trọt trước thời điểm diễn ra hội nghị. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 36 cơ sở sản xuất giống, 120 cơ sở kinh doanh giống. Riêng việc sử dụng giống nguyên chủng, Trung tâm Giống Vĩnh Long đều sử dụng nguồn giống từ Viện Lúa ĐBSCL.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, hiện trên địa bàn một số tỉnh có nhiều công ty sản xuất và kinh doanh giống chung bán tại nhiều tỉnh thành- ĐBSCL nhưng việc kiểm định thì còn khá lỏng lẻo. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT thành lập đoàn kiểm tra, chứ giao cho từng tỉnh quản lý như thời qua sẽ không hiệu quả. 

Theo Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống và Sản phẩm cây trồng Nam Bộ, khối lượng giống lúa siêu nguyên chủng được sản xuất ở ĐBSCL năm 2014 đạt 458 tấn. Với số lượng siêu nguyên chủng này có thể sản xuất hàng chục ngàn tấn giống nguyên chủng và hàng triệu tấn giống cấp xác nhận. Thế nhưng, con số đó vẫn chưa thể hiện trong hoạt động quản lý và chỉ đạo của các địa phương về quản lý giống lúa năm 2014 tại ĐBSCL.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH