Một nông dân điều trị thành công bệnh chổi rồng trên nhãn

Cập nhật, 09:12, Thứ Năm, 23/08/2012 (GMT+7)

Giữa lúc “cơn bão chổi rồng” đang hoành hành khắp các vườn nhãn ở ĐBSCL, làm nhiều nhà vườn hộ nông dân phải điêu đứng, đốn nhãn… làm củi, lại nghe thông tin có vườn nhãn vẫn “mạnh khỏe” và cho trái rất sai. Chúng tôi đã vào tận nơi gặp trực tiếp chủ nhân và “mục sở thị” vườn nhãn.


Chú Tám Phấn bên vườn nhãn không bị chổi rồng.

Đó là chú Nguyễn Văn Phấn (Tám Phấn) ở ấp Phước Ngươn A (xã Long Phước- Long Hồ). Chú đang cùng một số nhân công mé bỏ bớt một số cành, để lượng phân tập trung trong giai đoạn nuôi trái. Không tin được, vườn nhãn đơm đầy trái như mâm xôi, tuyệt nhiên không tìm thấy đọt chổi rồng nào trên vườn nhãn của chú. Trong khi, hàng chục công nhãn kề bên thì bị quéo đọt xác xơ, gần như không có một trái… làm thuốc. Ngay 2 công nhãn của chú Sáu là anh ruột của chú Tám Phấn cũng bị trắng tay vì nạn chổi rồng.

Dưới vườn nhãn đơm trái xum xuê, chú Tám Phấn cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, như nhiều vườn nhãn khác, 4 công nhãn trên 10 năm tuổi của gia đình tui cũng xuất hiện chổi rồng. Tuy ban đầu xuất hiện lác đác nhưng cũng gây thất thu đáng kể. “Thời gian này, hễ nghe đâu có cách phòng trị, hay những buổi tập huấn về phòng chống chổi rồng của Trung tâm Khuyến nông hay Phòng Nông nghiệp huyện là tui tìm đến học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng trên vườn nhãn nhà mình”. Tuy nhiên, do “tai nghe mà mắt chưa thấy”, vả lại không có thuốc đặc trị nên qua mấy mùa áp dụng phòng trị cũng không mang lại kết quả mong muốn. Tức mình, chú Tám Phấn ra đại lý vật tư nông nghiệp mua cùng lúc nhiều loại phân, thuốc bảo vệ thực vật và làm theo cách riêng của mình. Ban đầu, chú Tám sử dụng phân bón vào gốc (chủ yếu phân urê) nhằm kích thích nhãn nhú đọt non. Sau đó, chú sử dụng 3 loại thuốc đặc trị sâu trộn lẫn vào nhau, cứ vài ngày phun xịt một lần nhằm bảo vệ chồi tránh nhện lông nhung tấn công. Liều lượng phân bón cũng như thuốc phun xịt sâu phải tăng theo tuổi thọ của vườn nhãn. “Như vườn của tui vụ này đã sử dụng phân, thuốc (chủ yếu thuốc trừ sâu- PV) tăng gấp 2- 3 lần so với những vụ trước.”- chú Tám Phấn nói. Theo chú, vườn nhãn của người anh cùng nằm liền kề, cũng xịt thuốc nhưng vẫn bị nhiễm bệnh là do xịt theo liều lượng quá thấp nên không ăn nhằm gì. Ứng phó với bệnh này, phải chấp nhận tăng lượng thuốc lên thật mạnh; đặc biệt là xịt phân kích thích để đọt non nhú nhanh, khi vừa được khoảng 1 phân là xịt tiếp, rồi giai đoạn lá lụa, tất cả không dưới 4 lần để chồi non vượt qua giai đoạn dễ bị tấn công.


Cắt bỏ bớt cành, tập trung lượng phân giai đoạn nuôi trái.

Đến khi lá nhãn già, khả năng tấn công của nhện lông nhung hạn chế, chú Tám bắt đầu mua một số loại thuốc xử lý trái bón trực tiếp vào gốc, liên tục tưới nước khoảng 3 ngày cho thuốc thấm. Tuy nhiên: “Đừng quên phun xịt sâu thường xuyên. Vì thời điểm này nhện lông nhung có thể đeo theo bông nhãn, nếu lơ là nhãn không ra trái mà sẽ xuất hiện chổi rồng tua tủa”. Bên cạnh việc theo dõi sát quản lý chồi non, các nhà vườn cần chú ý tạo độ ẩm cho cây để tăng tính đề kháng. Thường xuyên chặt bỏ những nhánh nhãn già nhằm tạo sự thông thoáng và hạn chế nhện ẩn núp…

Nhìn 4 công nhãn đang cho trái, chú Tám Phấn ước tính năng suất vụ này đạt khoảng 8 tấn. “Mặc dù không được như ban đầu, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, giúp gia đình an tâm vì có được nguồn thu nhập trở lại”- chú Tám Phấn bộc bạch. Chú Tám cho biết thêm, ở gần đó anh Mười Lăm cũng có trên 2 công nhãn được xử lý trị bệnh chổi rồng thành công như mình. Như vậy, bước đầu có thể nói bệnh chổi rồng cũng có thể điều trị được, nếu như làm đúng cách mà không cần thuốc đặc trị.

Bài, ảnh: Q.THUẦN- N.HOÀNG