Dập dịch chổi rồng trên nhãn- đã đến giai đoạn nước rút

Cập nhật, 15:48, Thứ Ba, 28/08/2012 (GMT+7)

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, đến nay các huyện Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân đã nhận được thuốc phòng trị bệnh chổi rồng cho gần 3.350ha nhãn bệnh. Ngành nông nghiệp và các nhà khoa học cho rằng, để đảm bảo tiến độ phòng trị bệnh chổi rồng được nhanh chóng và đồng loạt thì trước mắt phải giải quyết không ít vấn đề...

Sự chung tay của toàn xã hội sẽ góp phần cho công tác dập dịch chổi rồng nhanh chóng và hiệu quả.

Cần tập trung lực lượng

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thiếu lực lượng đang là trở ngại lớn làm chậm tiến độ phòng trị bệnh chổi rồng thời gian qua. Hầu như các huyện chỉ giao cho ngành nông nghiệp mà lực lượng nông nghiệp thì quá ít nên rất khó có thể đảm đương hết các khâu phát tiền, phát thuốc cũng như thẩm định diện tích có đúng như nông dân kê khai hay không.

Ông Hồ Văn Chiến- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam nhận xét: Khâu tuyên truyền hiện vẫn chưa thông suốt ở các cấp, tỉnh thì có chỉ đạo tốt nhưng xuống huyện thì lúng túng, phải huy động lực lượng từ cơ quan nào, kinh phí hỗ trợ ra sao…? “UBND tỉnh nên có công văn yêu cầu các địa phương huy động lực lượng hỗ trợ ngành nông nghiệp để tham gia phát thuốc, phát tiền, thẩm định diện tích, theo dõi và kiểm tra xem người dân có phun thuốc đúng khuyến cáo hay không”- ông Chiến nêu ý kiến.

Ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu phải đẩy mạnh khâu tuyên truyền để người dân hiểu rõ nhiệm vụ và lợi ích để họ tích cực tham gia: “Các địa phương phải xác định đây là loại dịch bệnh gây ảnh hưởng đến giá trị kinh tế và đời sống nhân dân nên công tác dập dịch chổi rồng phải nhanh chóng và đồng loạt, phải huy động cả hệ thống chính trị, kinh phí hỗ trợ cho BCĐ và lực lượng tham gia dập dịch lấy từ nguồn kinh phí dự phòng của huyện, nếu vượt quá 100 triệu thì sớm báo cho tỉnh để có phương án hỗ trợ kịp thời.” Ngoài ra, ông cũng chỉ đạo khâu phát thuốc và tiền thì không phát tại xã mà giao cho các tổ nhân dân tự quản quản lý và phát cho từng hộ.

Dập dịch phải né lũ

Ông Hồ Văn Chiến cho rằng: Từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm lũ về nên dập dịch chổi rồng phải cố gắng hoàn thành trước thời gian trên mới đảm bảo được tiến độ và hiệu quả.” Khi cắt cành, tạo tán, bón phân thì cây sẽ ra rễ mới mà gặp lũ thì rễ sẽ bị thối, đọt héo và cây sẽ chết. Tốt nhất là cuối tháng 8 hoặc trễ thì trong tháng 9/2012 phải kết thúc dập dịch là tốt nhất”- ông Chiến khuyến cáo.

Ông Phan Anh Vũ chỉ đạo: Để né lũ, đến cuối tháng 8, Sở Nông nghiệp và PTNT phải rà soát lại tiến độ cấp phát thuốc và tiền hỗ trợ tại các địa phương, sau đó đồng loạt ra quân dập dịch dứt điểm trong tháng 9”.

Ông Thái Thành Triều- Trưởng Phòng Kỹ thuật thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Hầu hết diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh đã trên 10 năm tuổi, đã bón rất nhiều loại phân bón hóa học (mỗi cây bón 7-8 kg phân/vụ), do đó cùng với việc sử dụng thuốc diệt nhện lông nhung phải bón thêm phân, giúp cây bổ sung chất dinh dưỡng mới có hiệu quả và nhà vườn phải chăm sóc tận tình, theo dõi sát sao mới trị dứt bệnh được.

Ông Hồ Văn Chiến cho rằng, nên có 2 phương án dập dịch. Đối với những vườn có diện tích lớn thì phát thuốc, phát tiền một lần nhưng phải yêu cầu họ làm cam kết trong bao nhiêu ngày phải làm xong diện tích của mình, sau đó ngành nông nghiệp đến kiểm tra. Đối với vườn nhỏ nên lập đội cắt tỉa, phun xịt gồm những nhà vườn có kinh nghiệm. Riêng khâu phun thuốc, chỉ phun đủ 6 lần gồm 3 loại thuốc ở những vườn lớn, còn vườn nhỏ chỉ cần phun 1 loại thuốc là được. “Chỉ nên cắt bỏ phần nào bị bệnh, sau đó phun vệ sinh lần đầu, khi tược non ra dài khoảng 2- 3cm (cơi 1) thì phun lần 2, khoảng 5- 6cm (cơi 2) thì phun lần 3, ra cơi 3 thì phun thêm lần 4, khi ra hoa phun lần 5; 7 ngày sau phun lần 6, như thế mới có hiệu quả”- ông Hồ Văn Chiến khuyến cáo.

“Xem chiến dịch ra quân dập dịch chổi rồng lần này như đợt ra quân thí điểm, rút kinh nghiệm để có hướng chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả hơn trong phòng trị các loại sâu bệnh như: sâu đục trái bưởi, sâu đục khoai lang… đang hoành hành rất nguy hiểm hiện nay.” (ông Hồ Văn Chiến- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam).


Bài, ảnh: Trung Hưng