SẢN XUẤT RAU AN TOÀN:

Lỗ hổng từ khâu xúc tiến thương mại!

Cập nhật, 07:00, Thứ Ba, 31/07/2012 (GMT+7)

Sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất từ làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, RAT chỉ được bán với giá tương đương với “rau thường”. Điều này khiến nhiều nông dân chán nản không muốn tiếp tục thực hiện.

Ngành nông nghiệp nhận định, yếu kém sản xuất RAT hiện nay là ở khâu xúc tiến thương mại.


Ruộng RAT của ông Đặng Văn Hùng vẫn chịu cảnh bán giá tương đương rau sản xuất thường.

Rau an toàn, giá không an toàn

Xã Phước Hậu (Long Hồ) là một trong những vùng chuyên canh rau lớn và là địa phương đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai sản xuất rau theo hướng an toàn. Với lợi thế nằm sát cạnh chợ Vĩnh Long, Hợp tác xã RAT Phước Hậu từng được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn RAT chủ lực cho các chợ, siêu thị. Thế nhưng bao nỗi vui mừng, tự hào đang “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân, do ít hợp đồng nên để tiêu thụ hết sản lượng RAT hàng ngày, buộc người trồng phải bán như… rau sản xuất bình thường.

Xã viên Đặng Thanh Hùng (ấp Phước Hanh B) có 2 công rau, cho biết, hiện mỗi ngày chỉ bán được vài ký cho hợp tác xã, giá cao hơn thị trường chút ít, còn lại phải bán giá thị trường. “Tôi nghe nói trồng RAT bán dễ, giá cao, nông dân được lợi, nên đăng ký, dù biết là làm không hề dễ. Vậy mà bây giờ RAT chỉ bán đồng giá với các loại rau khác.”- ông Hùng bức xúc.

Ông Trần Văn Hiền- Chủ nhiệm Hợp tác xã RAT Phước Hậu thừa nhận: Không thể nhân rộng mô hình do giá rau ở mức thấp, nông dân không mặn mà tham gia. Toàn xã có khoảng 85ha đất trồng rau màu nhưng hiện chỉ có hơn 15ha được bà con trồng theo quy trình RAT. Bình quân mỗi năm các xã viên sản xuất khoảng 750 tấn rau các loại, nhưng chỉ có khoảng 1/3 là được bán vào Metro Cần Thơ, còn lại phải bán với giá như rau thường.

Hợp tác xã RAT Thành Lợi (Bình Tân) cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Sau thời gian mở rộng diện tích lên đến trên 50ha thì đến năm 2012 này, diện tích trồng rau màu (chủ yếu đậu bắp xanh) của hợp tác xã chỉ còn khoảng 10ha. Nguyên nhân chính là do cây khoai lang liên tục có giá cao nên xã viên đã chuyển sang trồng. Xã viên không còn sản xuất theo đơn đặt hàng mà chủ yếu quay lại trồng tự phát. Số xã viên lần lượt xin rút hợp tác xã ngày một nhiều. Năm 2006 là 24 xã viên thì hiện chỉ còn 18 xã viên.

Nông dân cần trợ lực

Sản xuất RAT nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng không chỉ là vấn đề tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay mà còn góp phần nâng cao tính cạnh tranh, vào các thị trường khó tính nhằm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực tế thì các chương trình xúc tiến thương mại cho rau sạch vẫn chưa được triển khai đúng như tính chất của nó và thông tin liên quan đến tiêu thụ RAT vẫn còn mờ nhạt.


Xã viên các hợp tác xã không mặn mà cách sản xuất RAT.

Ông Trần Văn Hiền cho rằng: Thị trường RAT tại Vĩnh Long đang trong tình trạng rất… trớ trêu. RAT sản xuất ra nhiều chưa biết bán ở đâu, có lúc ế thừa; trong khi nhu cầu sử dụng RAT của người dân lại cao, nhưng không biết mua ở đâu. Để rau của hợp tác xã có thể vào được Siêu thị Metro Cần Thơ, theo ông Hiền, các xã viên đã góp vốn trên 80 triệu đồng xây dựng một nhà máy chế biến đạt chuẩn như: kho lạnh, máy xử lý ozon, nhà sơ chế, đóng gói bao bì,… Từ trồng đến xử lý theo quy trình RAT, mỗi ký rau chi phí tăng thêm khoảng 15%, trong khi nhu cầu của siêu thị chỉ vài chục ký/ngày nên gần như không có lời. Còn thị trường tiêu thụ tại Vĩnh Long, ông Hiền trả lời thẳng thắn: “Vài lần đi chào hàng tại các siêu thị, nhà hàng nhưng khi có đợt kiểm tra an toàn thực phẩm họ mới lấy hàng, khi qua đợt là ngưng liền”.

Có một thực tế là từ “vùng rốn rau” xã Phước Hậu đến chợ Vĩnh Long chỉ cách nhau vài kilômet nhưng giá cả lại chênh lệch khá lớn. Hôm chúng tôi đến, ông Đặng Thanh Hùng vừa cắt bán gần chục ký rau thơm cho thương lái với giá chỉ 7.000 đ/kg nhưng qua tìm hiểu tại các sạp rau ở chợ Vĩnh Long giá lên tới 20.000đ. Nhiều thương lái giải thích do chi phí tăng và qua nhiều trung gian nên giá rau đẩy lên cao. “Để trực tiếp cung ứng RAT đến tay người tiêu dùng với giá rẻ hơn, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Ban Quản lý chợ Vĩnh Long được bố trí một địa điểm bán RAT nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết”- ông Hiền bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long từng cho biết: Sản xuất RAT là nhu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, hạn chế nhất trong khâu sản xuất RAT ở Vĩnh Long là khâu xúc tiến thương mại; nhất là ý thức người dân chọn RAT để sử dụng. “Để khôi phục và phát triển trở lại các mô hình sản xuất RAT, chúng tôi đã giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện các đề tài nhằm phát động các mô hình sản xuất RAT. Đồng thời liên kết, tiêu thụ rộng rãi để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng khi sử dụng”- ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG