Để làm giàu bền vững với khoai lang

Kỳ cuối: Thúc đẩy liên kết, tiêu thụ nông sản

Cập nhật, 08:43, Thứ Ba, 18/05/2021 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Khi tôi lớn lên đã thấy… khoai ngoài rẫy

>> Kỳ 2: "Lên đời" nhờ khoai với củ

>> Kỳ 3: Những mùa khoai đầy trăn trở

Không riêng khoai lang, sản xuất tự phát, tiêu thụ phụ thuộc lớn vào một thị trường (chủ yếu là thị trường Trung Quốc) dẫn đến thiếu bền vững là “vấn đề chung” của nông sản Việt Nam hiện nay. Do đó, lời giải cho khoai lang phần nào cũng là giải pháp cho nông sản trên hành trình chiếm lĩnh sân nhà, vươn ra biển lớn.

Sản xuất khoai đạt chuẩn sản phẩm sạch, hữu cơ để thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ- nâng cao giá trị.
Sản xuất khoai đạt chuẩn sản phẩm sạch, hữu cơ để thu hút doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ- nâng cao giá trị.

Cần cánh đồng lớn, doanh nghiệp dẫn đầu

HTX Nông nghiệp- Dịch vụ Thành Đông (xã Thành Lợi) hiện có 12ha trồng khoai lang theo chuẩn VietGAP, ông Ngô Văn Tua- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp- Dịch vụ Thành Đông (xã Thành Lợi- Bình Tân) cho biết, hiện có những doanh nghiệp cần số lượng lớn để xuất khẩu chính ngạch hoặc tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, chỉ riêng HTX chưa “đủ lực” đáp ứng đủ số lượng họ cần. Do đó, cần liên minh các HTX như cánh đồng lớn để sản xuất đảm bảo sản lượng và cần có doanh nghiệp đầu đàn để lo vấn đề tiêu thụ trong nước, ra nước ngoài. Điều này, cần có Nhà nước làm “nhạc trưởng” để các HTX ngồi lại với nhau, đưa hoạt động đi vào nề nếp.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, trong hướng tới, huyện sẽ làm công tác giống đảm bảo các giống khoai ổn định, chất lượng. Bên cạnh, sẽ chuyển đổi dần từ sản xuất thông thường sang nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn sản xuất và tiêu dùng hướng tới xuất khẩu. Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư chế biến khoai lang, thực hiện liên kết sản xuất rãi vụ, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Hướng đến vừa xuất tiểu ngạch vừa xuất khẩu chính ngạch, thì người trồng phải đổi mới tư duy canh tác, quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng đến nâng cao chất lượng củ khoai.

“Huyện đang làm những việc nhỏ để hình thành những cái lớn hơn”- theo ông Nguyễn Văn Tập nói và thông tin thêm: cụ thể, đang thử nghiệm 1ha mô hình nhà lưới hở nhằm hạn chế côn trùng, giảm chi phí sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu- đọt khoai ăn được mà củ cũng an toàn. Đồng thời, sẽ tập trung cho công tác giống đối với cây khoai lang. Trong đó, thực hiện đề tài cấy mô trên khoai lang và làm giống từ củ khoai (khoảng 50ha để phục vụ cho 1.000ha)…

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, giai đoạn 2021- 2025, khoai lang vẫn được xác định là 1 trong 3 cây chủ lực của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, huyện Bình Tân vẫn tiếp tục là vùng trồng khoai lang chủ yếu của tỉnh. Theo đó, cần quản lý quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tạo thành chuỗi đầu tư- sản xuất- chế biến- tiêu thụ để tránh bị ép giá. Bên cạnh, củng cố và phát huy các tổ hợp tác, HTX đóng vai trò chủ đạo, tránh sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đồng thời, sản xuất phải đạt chuẩn sản phẩm sạch, hữu cơ.

Chuyên nghiệp hóa nông nghiệp

Thực hiện đề tài cấp tỉnh “nghiên cứu chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang tỉnh Vĩnh Long”, nhóm nghiên cứu do NGND. PGS. TS. Hồ Thanh Phong là chủ nhiệm đã đề xuất xây dựng chiến lược tập trung để thiết kế thành công, duy trì hiệu quả mô hình hoạt động của chuỗi cung ứng khoai lang cho tỉnh. Cụ thể, cần doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ, hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn cho liên kết dọc và mô hình HTX cho liên kết ngang, nông dân góp ruộng đất, doanh nghiệp đầu tư giống, kỹ thuật từ đầu vào đến thu hoạch đầu ra, tạo thành một chuỗi sản xuất được quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh, xây dựng mạng lưới thu mua khoai lang trên toàn vùng với trung tâm thu mua và sơ chế trong tỉnh. Khoai lang sau khi được thu mua và sơ chế tại các trung tâm sẽ được tập trung về một trung tâm logistics lớn, nơi mà sản phẩm sẽ được phân luồng để chế biến, đóng gói và bao bì. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh, kho hàng, trung tâm sơ chế và hệ thống vận tải gồm đường bộ và đường thủy nội địa là rất cần thiết. Thương lái cũng nên được tổ chức và đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ logistics cho khoai lang, không còn giữ vai trò bán buôn như hiện nay.

Cùng với đó, cần phải có tổ chức hay doanh nghiệp điều hành toàn bộ chuỗi cung ứng khoai lang, giúp điều tiết, liên kết và phối hợp nhịp nhàng để các công đoạn được liên hoàn, không bị gián đoạn, đảm bảo sản phẩm từ lúc thu hoạch đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất, giá rẻ nhất. Đồng thời, nên áp dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi cung ứng khoai lang để vận hành hiệu quả hơn, thông tin thông suốt hơn trong toàn chuỗi.

Để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản đặc trưng của tỉnh như: khoai lang Bình Tân, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh), cam sành Tam Bình theo hướng bền vững, Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT Trương Thành Dãnh nói: tỉnh quy hoạch vùng trồng sản phẩm nông nghiệp. Do biến đổi khí hậu có những vùng xâm nhập mặn phải quy hoạch vùng sản xuất giống. Cùng với đó, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, lấy giá trị sản phẩm làm trung tâm. Đồng thời, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: đầu tư- sản xuất- chế biến- tiêu thụ sẽ nâng được giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan, “chuyên nghiệp hoá” nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết và giúp đỡ người nông dân phát triển bền vững hơn, hạn chế rủi ro thị trường. Theo đó, cần có lộ trình thực hiện. Cụ thể, người nông dân phải trang bị kỹ năng thương mại, công nghệ, kỹ thuật sinh học, chứ không chỉ đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ huấn luyện, tập huấn, đào tạo cho bà con nông dân trong giai đoạn mới. Nhà nước cũng sẽ có những giải pháp để xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, “hệ sinh thái ngành hàng”; kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công- nông nghiệp”. Bên cạnh đó, “dữ liệu cung- cầu nông sản” sẽ được thu thập và minh bạch tiến tới hình thành các “sàn giao dịch nông sản” dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hoá.

Hướng đến hình thành cánh đồng mẫu lớn cho vùng khoai.
Hướng đến hình thành cánh đồng mẫu lớn cho vùng khoai.

Theo GS. TS. Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần phải có những định hướng: chỗ nào trồng cây gì, nuôi con gì để nông dân, doanh nghiệp biết và làm theo định hướng đó. Nhà nước cũng sẽ giúp để lập thành chuỗi sản xuất. Và đặc biệt là cần phải có đội ngũ các nhà doanh nghiệp được đào tạo, được Nhà nước ủng hộ, ưu đãi để họ có thể gắn với những vùng sản xuất này. Đồng thời, họ có cơ hội tiếp cận với các thị trường trong nước, nhất là thị trường nước ngoài để chuỗi này có thể từ sản xuất cho tới chế biến, cho tới thị trường trong nước và ngoài nước. Như vậy thì nông dân sẽ không có lo gì về vấn đề phải tiêu thụ, các doanh nghiệp cũng có nguyên liệu tốt để sản xuất. Từ đó, lợi tức của người nông dân và doanh nghiệp tăng lên, đóng góp cho kinh tế địa phương.

GS. TS. Võ Tòng Xuân: Dứt khoát cần nghĩ tới hiện nay làm sao giúp đỡ cho bà con nông dân giàu lên, giúp đỡ cho các doanh nghiệp để chuỗi đó phát triển tốt.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI