Khởi nghiệp- muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Cập nhật, 16:56, Thứ Năm, 18/02/2021 (GMT+7)

 

Các sản phẩm khởi nghiệp cần được quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế để phát triển hơn.
Các sản phẩm khởi nghiệp cần được quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế để phát triển hơn.

Đó không chỉ là đúc kết của những người khởi nghiệp thành công mà còn là bài học của đa số người khởi nghiệp sau nhiều lần “vấp ngã”. Thực tế cho thấy, các chủ dự án khởi nghiệp đang rất thiếu thông tin do thiếu sự chia sẻ và kết nối với nhau. Khởi nghiệp rất cần năng lực, sự dũng cảm, kiên trì nhưng cũng cần có kỹ năng, sự chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin để chúng ta có thể mạnh hơn, đi xa hơn.

Đi cùng nhau

Nhiều người khởi nghiệp ở Vĩnh Long cho rằng, còn thiếu không gian làm việc chung cho các start-up, trong khi đây lại là “mạch máu” kết nối vô cùng quan trọng để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc kết nối bắt đầu từ chính các sản phẩm khởi nghiệp địa phương để tìm ra những đặc trưng bản địa tốt nhất, từ đó lựa chọn sản phẩm tốt để cùng phát triển, như thế mới có thể tiết kiệm được nguồn lực và kênh phân phối.

Giỏ quà tết của CLB Đặc sản khởi nghiệp Vĩnh Long mới ra mắt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đã để lại ấn tượng tốt. Anh Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc (Long Hồ)- Chủ nhiệm CLB này- cho biết: “Ban đầu CLB đã đạt và vượt kế hoạch đề ra với hơn 1.000 giỏ quà tết có giá từ 300.000- 2 triệu đồng/giỏ”.

Giỏ quà tết đặc sản Vĩnh Long là một tập hợp nhiều sản phẩm khởi nghiệp, đặc sản: bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, rượu khoai lang, rượu sâm cúc, gạo thảo dược, mứt bưởi sấy, phở gấc, cơm sấy Nhật Quỳnh,… “Nếu không kết nối chia sẻ nguồn lực thì rất lãng phí. Mỗi người làm một dự án, ai tự lo thân người ấy thì khó chia sẻ và không tận dụng được nguồn lực”- anh Nguyễn Thanh Việt chia sẻ.

“Chúng ta không thể tiếp cận được thị trường nếu chúng ta không chia sẻ, kết nối thông tin với nhau”- chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Tân Bình- Bình Tân) ở Cơ sở Sản xuất thực phẩm Nguyễn Gia nói. Chị khởi nghiệp với 2 dòng sản phẩm chính là mứt vỏ bưởi và mứt trái hạnh. Sự khác biệt sản phẩm của chị Hà là độ tươi xanh và có độ tự nhiên cao. Là thành viên CLB Đặc sản khởi nghiệp Vĩnh Long, chị Hà bày tỏ: “Chúng tôi kết hợp hỗ trợ nhau và mong muốn có nhiều hơn sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, giới thiệu quảng bá sản phẩm của tỉnh càng vươn xa hơn”.

Định hướng phát triển sản phẩm của mình, chị Hà cho biết: “Tôi đang tiếp thu ý kiến khách hàng để thay đổi cải tiến sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn. Chủ lực là sản phẩm cây có múi, chủ yếu là cây bưởi chủ yếu bưởi Năm Roi Bình Minh. Sắp tới, sẽ đa dạng hóa sản phẩm từ bưởi Năm Roi, nước ép, rượu, …”.

Không ngừng sáng tạo, đổi mới

Sản phẩm khởi nghiệp thường có giá thành cao nhưng không vì thế mà giảm chất lượng để hạ giá thành và hạ giá bán sản phẩm. Song song đó, người khởi nghiệp cần tự làm mới sản phẩm của mình để tăng sức cạnh tranh và “sống được và sống khỏe” trong thị trường.

Chị Lê Ngọc Hiền- chủ Peace farm (phường Trường An- TP Vĩnh Long)- là người khởi nghiệp luôn đổi mới. Ngoài sản phẩm truyền thống là vườn dưa lưới cho khách tham quan, hái ăn tại chỗ và mua về, chị Hiền còn đa dạng hóa nông sản như dưa leo, cà chua socola,… và cà phê farm.

Quả bí ngô khổng lồ của Peace farm thu hút nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ đến tham quan.
Quả bí ngô khổng lồ của Peace farm thu hút nhiều gia đình đưa trẻ nhỏ đến tham quan.

Khai trương đúng dịp Tết Nguyên đán, Peace farm trở thành điểm đến của nhiều gia đình với không khí trong lành vừa có thể “check in” vừa có thể mua về những sản phẩm nông nghiệp sạch. Không chỉ có sản phẩm do mình sản xuất, chị Hiền còn liên kết lấy sản phẩm chất lượng từ Đà Lạt từ những người bạn khởi nghiệp. Đặc biệt, cà phê farm là không gian xanh gần gũi thiên nhiên và “không khói thuốc lá”.

Chị Hiền cười, cho rằng: “Tôi không ôm đồm cà phê đắt khách hơn, mà muốn xây dựng không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên. Tôi chấp nhận quán ít khách, không làm mất đi hình ảnh mô hình”. Điểm sáng của Peace farm là giải quyết lao động địa phương và truyền đam mê “tạo lửa” đến các bạn trẻ.

Bạn Nguyễn Thị Huỳnh Như- đang làm việc tại farm- cho biết: “Khi làm việc với chị Hiền, em học hỏi được nhiều thứ và đặc biệt là có thêm đam mê về nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng được những điều mình đã học”.

Nhiều góc “check in” đẹp từ farm đến khuôn viên cà phê của Peace farm.
Nhiều góc “check in” đẹp từ farm đến khuôn viên cà phê của Peace farm.

Khởi nghiệp phải đổi mới sáng tạo và không dung nạp những người giẫm chân tại chỗ. Về khách quan, dịch COVID- 19 hiện nay đang làm đau đầu những người khởi nghiệp. Anh Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Thời gian tới, sự kết nối mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho những người tham gia CLB thay đổi về bao bì, nhãn mác, chất lượng,.. Nâng chất lượng hơn nữa đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng”.

Thực tế, không ít dự án khởi nghiệp đang rất thiếu thông tin, do thiếu sự chia sẻ và kết nối với nhau. Khởi nghiệp rất cần năng lực, sự dũng cảm, kiên trì, nhưng cũng cần có kỹ năng, sự chia sẻ nguồn lực, kết nối thông tin để chúng ta có thể mạnh hơn, đi dài hơn, xa hơn.

Tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến 5 “chìa khóa” mà cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo cần chú ý: Sẵn sàng, thiết thực, cộng đồng, thích ứng và tự tin. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Cộng đồng khởi nghiệp đã thực sự sẵn sàng đón nhận thách thức và cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay chưa?

CLB Đặc sản khởi nghiệp Vĩnh Long trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Vĩnh Long mới thành lập hơn 1 tháng nay. Trước mắt có 15 thành viên tham gia và CLB sẽ chính thức công bố trong thời gian tới.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN