Đưa "chất xám" vào khởi nghiệp nông nghiệp

Cập nhật, 07:14, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

TS. Trần Thanh Thy thực hiện cấy giống trên vật chủ.
TS. Trần Thanh Thy thực hiện cấy giống trên vật chủ.

Thời gian qua, không ít trí thức “đổ chất xám” vào khởi nghiệp nông nghiệp. Hành trình ấy giúp họ khám phá bản thân, chinh phục thử thách và góp phần tạo ra những giá trị hữu ích cho cộng đồng.

Chinh phục “vùng đất khó”

Sau nhiều năm nỗ lực, TS. Trần Thanh Thy- chủ Cơ sở sản xuất Nấm dược liệu đông trùng hạ thảo- T.Thy ở phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) đã thành công với công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo với quy trình hoàn toàn hữu cơ và bổ sung thêm SBG (ngũ cốc đã qua sử dụng hay còn gọi là bả bia).

TS. Trần Thanh Thy cho biết, “cơ duyên” đến với đông trùng hạ thảo do “nắm bắt sản phẩm đang “hot” và phù hợp chuyên môn”: “Năm 2013, thấy một người bạn làm ra đông trùng hạ thảo “tròn trịa”, tôi rất mê nên học cách làm. Lúc đầu rất khó vì nấm này không phải ở xứ mình. Khi đã tìm ra được cơ chất thì lại gặp khó về các thông số kỹ thuật. Đến giữa năm 2015, tôi làm được “tròn trịa” quy trình. Và, khi đã có sản phẩm thì tìm cách cho năng suất cao để làm quy mô công nghiệp…”

Từng đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2019, theo TS. Trần Thanh Thy, việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo trên bả bia được chị và cộng sự xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo quy mô công nghiệp, sản xuất quy trình khép kín từ kỹ thuật sản xuất giống, công nghệ và xây dựng phòng nuôi trồng quả thể. “Giá trị của đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trên cơ chất SBG đạt hàm lượng dược liệu cao đã được chứng minh mang đến giá trị cốt lõi là tăng cường sức khỏe cho con người”- TS. Trần Thanh Thy nói. 

Hiện chị đã sản xuất thương mại đông trùng hạ thảo hàm lượng dược liệu cao từ cơ chất được bổ sung SBG tại cơ sở. Theo đó, sản xuất khép kín từ khâu giống đến thương phẩm và chuyển giao công nghệ là chủ yếu. Các sản phẩm như nấm tươi, nấm sấy khô, rượu, mật ong ngâm đông trùng hạ thảo, cao (chiết suất đông trùng hạ thảo) luôn có tại cơ sở. Còn các sản phẩm khác như nước uống đông trùng hạ thảo, mặt nạ đông trùng hạ thảo… làm theo đơn đặt hàng. TS. Trần Thanh Thy cho biết thêm, thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm khá ổn định. Tuy nhiên, chị mong muốn đẩy mạnh một số sản phẩm nổi trội ra thị trường như nước đóng lon, bia… đông trùng hạ thảo. Muốn vậy, cần có hệ thống thiết bị, nhân sự… nên cơ sở sản xuất của chị cần có nhà đầu tư.

Một số sản phẩm đông trùng hạ thảo Cơ sở sản xuất Nấm dược liệu đông trùng hạ thảo- T.Thy

Một số sản phẩm đông trùng hạ thảo Cơ sở sản xuất Nấm dược liệu đông trùng hạ thảo- T.Thy

 

Nâng cao giá trị nông sản địa phương

Quê ở huyện Tam Bình, ThS. Nguyễn Thanh Việt- Trưởng Khoa Kinh tế và Luật (Trường CĐ Vĩnh Long) cho biết, anh “có tình cảm với củ khoai từ ngày ba má cho đi theo ghe chèo mua khoai về bán”. Ngày đó, trong nhà thường có món khoai lang như khoai luộc, khoai kho, khoai nấu canh, ăn cùng mắm sống, có cả chè và khoai làm bánh ít… Sau này, khi đã là giảng viên, trong lần đi công tác ở Bình Tân, anh nói chuyện với nông dân trồng khoai thì nghe than “khoai trúng mùa nhưng giá rẻ bèo, chắc chú bỏ đồng”. Anh chợt nghĩ: sao không lấy khoai lang làm bánh?

Vậy là, anh Việt bắt tay vào làm bột bánh canh từ khoai với mong muốn ban đầu là “tạo hiệu ứng để nhiều người cùng làm bánh khoai, góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân”. Cuối năm 2018, anh tham dự cuộc thi Dự án khởi nghiệp ĐBSCL và đạt giải nhì với ý tưởng kinh doanh ăn uống kết hợp hướng dẫn thực hiện các sản phẩm thủ công. Anh cho biết, đã đem đến hội thi tô bánh canh ngũ sắc từ khoai lang và một số loại bánh khoai gói trong lá.

Từ kết quả đó, anh càng “chắc ăn” có thể làm được nhiều dòng bánh từ khoai lang nên bắt đầu hành trình “làm bánh khoai”, chủ yếu tận dụng nguồn khoai lang tím củ lớn mà thương lái không mua và tiến hành các bước thành lập công ty. Tháng 7/2019, Công ty TNHH 1TV Bánh Nhựt Ngọc đi vào hoạt động, tung ra thị trường bánh hạnh phúc, bánh mì khoai lang trứng muối, bánh cookie và bánh trung thu khoai lang. Năm 2019, dự án Bộ sản phẩm bánh từ nguyên liệu khoai lang của Nguyễn Thanh Việt đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công ty tiếp tục cho ra thị trường sản phẩm bánh phồng khoai lang (sau thời gian nghiên cứu, hoàn thiện trong hơn 6 tháng), bánh quy khoai lang. Dự án bánh phồng khoai lang của anh cũng liên tiếp nằm trong top 30 dự án cả nước vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2019 và 2020.

Củ khoai lam lũ ngoài đồng qua chế biến đã thành các loại bánh ngon và bắt mắt- sẵn sàng góp mặt tại các buổi tiệc sang trọng và còn đủ điều kiện xuất khẩu. Anh Nguyễn Thanh Việt cho biết, hiện công ty cho ra thị trường khoảng 12 tấn sản phẩm bánh/tháng. Dự kiến năm 2021, sẽ có thêm sản phẩm mới là hủ tiếu khoai lang và mở xưởng thứ hai ở huyện Bình Tân. Đồng thời, đưa “chất xám” vào việc đầu tư hệ thống thiết bị sao cho rút ngắn thời gian làm bánh, giảm chi phí và tạo ra nhiều loại bánh trên cùng một dây chuyền…

Nhớ lại những ngày đầu mày mò “liên tục bỏ bánh, đổi công thức. Rồi thiết kế bao bì, nhãn mác, đưa sản phẩm ra thị trường cũng gian nan”, anh Việt chia sẻ “khao khát mang lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng và góp phần xây dựng quê hương, nên kiên trì với đam mê, vượt qua thử thách và đôi khi còn liều lĩnh nữa…”

Cũng nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương, vừa qua, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có dự án khởi nghiệp liên quan đến trái chôm chôm Vĩnh Long. Đó là làm mứt sệt và mứt sợi.  Nhóm nghiên cứu còn hướng đến các sản phẩm đa dạng như chôm chôm đóng hộp, rượu chôm chôm, trích xuất màu từ vỏ chôm chôm, phân vi sinh từ phụ phẩm chế biến chôm chôm…

Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung khẳng định: Tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Do đó, ai còn sức khỏe, có khả năng… thì ra khởi nghiệp!

Nhiệt huyết khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là yêu nước

Đối thoại với thanh niên khởi nghiệp tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, sự sáng tạo của 100 triệu người dân Việt Nam, của chính tiềm năng trong mỗi con người chúng ta ở trong nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài. “Chúng ta hãy cùng ươm mầm ước mơ và hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo không giới hạn của mình”- Thủ tướng nói.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

 

 

  • 2. Nuoi cay: 
  • 3. San pham ĐTHT: 
  • 4. Phong nam: TS. Trần Thanh Thy trao đổi về kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo với học viên.
  • 6. Anh Viet 2: Anh Nguyễn Thanh Việt tại cửa hàng Mr Khoai lang (Phường 8- TP Vĩnh Long) bán bánh khoai và một số sản phẩm đặc trưng.
  • 7. Bo san pham banh 2: Bộ sản phẩm bánh từ khoai lang của anh Nguyễn Thanh Việt.