Kinh tế Vĩnh Long kỳ vọng bứt phá

Cập nhật, 21:36, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Công ty CP Nhựa Sao Việt (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) là doanh nghiệp sản xuất linh kiện lắp ráp xe buýt bằng vật liệu composit. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, 100% sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn trong hệ thống công nghiệp toàn cầu của Anh quốc.
Công ty CP Nhựa Sao Việt (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) là doanh nghiệp sản xuất linh kiện lắp ráp xe buýt bằng vật liệu composit. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, 100% sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu đạt các tiêu chuẩn trong hệ thống công nghiệp toàn cầu của Anh quốc.

Tác động kép của hạn mặn và dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng mọi mặt đời sống, kinh tế của người dân. Kinh tế- xã hội của tỉnh năm 2020 cơ bản ổn định, cùng với định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long thứ XI và dự báo những nhân tố phát triển mới, chính là nền tảng giúp cho nền kinh tế kỳ vọng bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá cao các cấp, các ngành đã tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế- xã hội, nên sản xuất kinh doanh năm 2020 đang trên đà phục hồi, kinh tế vẫn tăng trưởng, xã hội dần thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2020 đi ngược với xu hướng chuyển dịch hàng năm, trong khi khu vực II và khu vực III bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, thì khu vực I (nông- lâm- thủy sản) tăng 2,58%. Điều này cho thấy nông nghiệp vẫn giữ vai trò “trụ đỡ” quan trọng trong nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi sang hướng chất lượng và gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Trong khi đó, những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các công trình, các dự án đầu tư và đặc biệt là quyết liệt trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công đã giúp tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khá. Hơn nữa, theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đã thích nghi với trạng thái bình thường mới, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Nhiều dự án mới đi vào hoạt động đã tạo tín hiệu lạc quan, năng lực tăng thêm mới cho ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung. 

Năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, thích ứng nhanh với trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Khách hàng tham quan showroom Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) Vĩnh Long.
Năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, thích ứng nhanh với trạng thái bình thường mới. Trong ảnh: Khách hàng tham quan showroom Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) Vĩnh Long.

Thực tế, trong tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm tính toán, tìm lối đi riêng giúp hoạt động ổn định, đảm bảo cho việc làm của người lao động. Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết: “Công ty Phước Thành IV đã lập quỹ dự phòng tích lũy hơn 20 năm, tạo nguồn tài chính tương đối ổn định góp phần duy trì việc làm, ổn định hoạt động… Tôi cho rằng, khi vượt qua khó khăn, phát huy được những thế mạnh thì doanh nghiệp sẽ trụ vững và đi nhanh hơn; thích ứng được thì kháng thể doanh nghiệp sẽ mạnh hơn”.

Cùng với sự chủ động, thích ứng nhanh của doanh nghiệp, Vĩnh Long đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội và khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi chuyển hướng sản xuất, kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm và tăng cường thương mại điện tử; tập trung giải quyết các hồ sơ, thủ tục đầu tư, xuất nhập cảnh; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...

Những nhân tố tạo bứt phá

Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn 2016- 2020, các cơ chế, chính sách được lập mới, điều chỉnh đã góp phần giúp năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện. Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2016- 2019 được xếp vào nhóm 10 tỉnh- thành đứng đầu cả nước, trong đó năm 2019 lần đầu tiên được xếp hạng 3/63 tỉnh- thành. Cùng với số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng về quy mô, ngành nghề đa dạng hơn; giai đoạn 2016- 2020 nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội ước đạt 65.614 tỷ đồng, tăng bình quân 6,0 %/năm, theo cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch tăng dần vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước...

Cùng với những ưu thế nội tại được tỉnh đánh giá là: các tiềm năng, lợi thế về địa lý, vùng nguyên liệu, liên kết vùng đang được tỉnh tích cực khai thác, phát huy. Nông nghiệp đang có những bước chuyển biến vững chắc theo chiều sâu và gia tăng giá trị. Hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, các khu- cụm- tuyến công nghiệp tiếp tục được quan tâm, ưu tiên đầu tư hoàn thiện, mở rộng theo quy hoạch, đặc biệt là tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Những thành công trong thu hút đầu tư các dự án cuối giai đoạn 2016- 2020, sự hình thành các khu công nghiệp mới sẽ tạo nhiều năng lực tăng thêm cho kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025. 

Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần sang hướng chất lượng và gia tăng giá trị.
Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần sang hướng chất lượng và gia tăng giá trị.

Vĩnh Long cũng nhận diện các yếu tố khác như cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng, hàng loạt hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn như CPTPP, EVFTA hay AEC... sẽ đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh, bổ sung động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn; đồng thời, tạo thêm cơ hội đa dạng hóa quan hệ hợp tác, giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đặc biệt là việc kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch COVID-19 đã và đang giúp đất nước nâng cao vị thế và trở thành tâm điểm của dòng vốn đầu tư.

Hơn nữa, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020), Vĩnh Long đã đạt được mục tiêu là tỉnh khá khu vực ĐBSCL. Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhận định: “Khi Vĩnh Long phấn đấu từ trình độ phát triển trung bình khá lên trình độ khá đồng nghĩa với việc 3 yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường cũng bước sang một cấp độ mới. Đó là, kinh tế đang từng bước được hiện đại hóa, hội nhập và tăng trưởng bền vững hơn; đời sống, thu nhập của người dân cải thiện nhiều và khá hơn so với bình quân khu vực; tài nguyên được quản lý, khai thác hợp lý, môi trường sống được đảm bảo”.

Hay nói cách khác, nỗ lực đạt mục tiêu này cho thấy sự phát triển của tỉnh dần mang tính toàn diện, bền vững hơn. Dù vậy, để phát huy thế mạnh và khơi thông những tiềm lực trong lương lai, Vĩnh Long cần có định hướng, quyết sách đủ mạnh đưa nền kinh tế của tỉnh tăng tốc bứt phá trong tương lai.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI thống nhất một số nhiệm vụ và giải pháp tạo “bệ phóng ” về kinh tế, như: chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững. Tận dụng cơ hội, điều kiện, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng quy mô, tạo chuyển biến nhanh trong phát triển công nghiệp. Phát triển hệ thống cung ứng sản phẩm, dịch vụ hiện đại; gắn lưu thông với sản xuất, chế biến, tạo động lực thúc đẩy thương mại- dịch vụ phát triển...

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC