Nâng tầm nông sản để vào "cao tốc" EVFTA

Cập nhật, 11:49, Thứ Ba, 11/08/2020 (GMT+7)

 

Sản phẩm nông sản chế biến sâu có giá trị gia tăng cao hiện vẫn là khâu yếu. Trong ảnh: Một số sản phẩm chế biến từ nông sản Vĩnh Long.
Sản phẩm nông sản chế biến sâu có giá trị gia tăng cao hiện vẫn là khâu yếu. Trong ảnh: Một số sản phẩm chế biến từ nông sản Vĩnh Long.

Có hiệu lực từ 1/8, Hiệp định EVFTA được ví như “con đường cao tốc” để sản phẩm Việt Nam, trong đó có nông sản vào thị trường rộng lớn EU, đòn bẩy thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng mặt hàng nông sản,... Vậy “đường dẫn” nào đưa nông sản Vĩnh Long tiếp cận với “cao tốc” này?

Cơ giới hóa từ sản xuất đến chế biến

Tại hội thảo đề tài về phát triển cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến sau thu hoạch của tỉnh Vĩnh Long gần đây, PGS. TS. Nguyễn Huy Bích (ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao Vĩnh Long có mức độ CGH cao hơn mức bình quân cả nước, đặc biệt ở một số khâu sản xuất lúa.

Tuy nhiên, mức độ CGH cây có múi, khoai lang, chăn nuôi heo, bò, cá của Vĩnh Long còn khá thấp, chưa toàn diện, đồng đều giữa các huyện- thị và trên các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, mức độ CGH trong chế biến sau thu hoạch, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao vẫn là khâu yếu.

Ông Đỗ Hoàng Trang- Chi cục phó Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp- PTNT)- cho biết đến nay việc ứng dụng CGH trong sản xuất lúa đã có những chuyển biến tích cực, nhất là khâu làm đất, bơm tưới, vận chuyển, thu hoạch, dụng cụ sạ, máy phun thuốc.

Tuy nhiên, CGH khâu phơi sấy, bảo quản hiện chỉ ở mức trung bình (50%). Riêng tỷ lệ sử dụng máy cấy chỉ khoảng 20%.

Tuy mức độ CGH sản xuất nông nghiệp của một số khâu đạt cao nhưng chưa toàn diện. Một số khâu có mức độ CGH thấp như cấy lúa, chăm sóc cây ăn trái, chế biến sau thu hoạch.

Các dây chuyền chế biến cũng chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khâu thao tác thủ công như ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại, đóng bao bì, khả năng truy xuất nguồn gốc thấp.

Tương tự, Vĩnh Long có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn nhưng trình độ, trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế cả về khâu nuôi, thu hoạch, chế biến và xử lý môi trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang- Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y), sản phẩm từ ngành chăn nuôi chưa được đầu tư sơ chế, chế biến tương xứng với tiềm năng, trong khi dư địa cho phân khúc này còn rất lớn. Hiện, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ sản phẩm từ ngành chăn nuôi. Nguyên nhân có thể do quy mô chăn nuôi còn manh mún, sản lượng chưa đủ lớn và đồng đều.

Thống kê năng lực chế biến nông sản của tỉnh cho thấy, trong tỉnh đã có một số doanh nghiệp lớn chế biến trái cây, nấm, bột gạo, khoai lang, sơ chế lúa gạo, cá tra,…

Các doanh nghiệp bước đầu sản xuất và cung ứng các sản phẩm chế biến nông- thủy sản. Tuy nhiên, sản phẩm hiện chủ yếu vẫn là trái cây tươi, gạo nguyên liệu, cá tra nguyên liệu.

Nâng tầm nông sản

Giải pháp đẩy mạnh CGH giúp nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng mặt hàng nông sản, PGS. TS. Nguyễn Huy Bích cho rằng cần tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các cụm ngành chế biến.

Tăng đầu tư cho khoa học- công nghệ, đào tạo đội ngũ khoa học- công nghệ và lao động phục vụ phát triển ngành cơ điện nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.

Tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư vào phát triển CGH nông nghiệp, chế tạo máy và chế biến nông sản trên cơ sở rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển CGH nông nghiệp cùng các nhóm giải pháp về vốn tín dụng, thương mại và thị trường.

Để phát triển CGH nông nghiệp đáp ứng nền nông nghiệp hiện đại, Vĩnh Long định hướng 10 năm tới, những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đều được CGH đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Muốn vậy- theo ông Đỗ Hoàng Trang- cần tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn.

Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc, phục vụ nông nghiệp, kết hợp nhập khẩu máy móc thiết bị tiên tiến, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.

Bên cạnh, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học- công nghệ về bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực cũng như đầu tư phát triển ngành cơ khí.

Đối với nông sản xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn đáp ứng điều kiện để xuất khẩu chính ngạch.

Do đó, cần có nhiều chương trình truyền thông, giới thiệu, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và tổ chức sản xuất.

Các cơ quan xúc tiến thương mại nông sản tiếp tục quan tâm giới thiệu, quảng bá nông sản, nhất là các sản phẩm lúa gạo, khoai lang, cây có múi, nhãn, xoài, chôm chôm,… giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư- nhất là lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, năng lực quản trị và tài chính còn hạn chế nên chưa tham gia sâu vào các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản, thiếu doanh nghiệp mạnh đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản.

Bên cạnh, sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành được liên kết sản xuất- tiêu thụ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tuy được chú trọng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu- nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều. Việc sản xuất còn nặng về số lượng, ít chú trọng đến chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn trái chủ lực.

Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu của tỉnh còn đơn điệu, ít mặt hàng xuất khẩu mới có đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô. Thị trường xuất khẩu chưa thật sự vững chắc, ổn định đối với một số mặt hàng thế mạnh của tỉnh như gạo, trái cây,…

Bài, ảnh: THÀNH LONG