Giao dịch thương mại điện tử: Để bắt kịp thị hiếu, thêm thị trường

Cập nhật, 07:16, Thứ Sáu, 05/06/2020 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động của DN.

Bởi đây không chỉ là kênh quảng bá thông tin và tiếp cận thị trường với chi phí thấp, giúp tăng doanh thu mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều DN chủ động tham gia các kênh TMĐT, kể cả các hộ kinh doanh, cơ sở nhỏ lẻ.

Sàn giao dịch thương mại điện tử Sở Công thương Vĩnh Long thu hút hơn 200 đơn vị tham gia.
Sàn giao dịch thương mại điện tử Sở Công thương Vĩnh Long thu hút hơn 200 đơn vị tham gia.

Kênh kết nối thị trường hiệu quả

Theo Sở Công thương, trong những năm qua, các giao dịch được thực hiện thông qua TMĐT đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, TMĐT còn giúp các DN và người tiêu dùng tiếp cận được thông tin thị trường, giúp DN giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất giúp thanh toán nhanh gọn.

Hiểu được điều này nhiều cơ sở, DN, lẫn các hộ kinh doanh cá thể cũng đã nhanh chóng thay đổi, tự cải thiện chính mình, chủ động tham gia các kênh bán hàng online, sàn giao dịch thương mại để bắt kịp xu thế, đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Trong đó, sàn giao dịch TMĐT Sở Công thương Vĩnh Long được xem là một địa chỉ tin cậy để các DN gửi gắm niềm tin. Qua gần 4 năm, đã có trên 200 hộ kinh doanh, cơ sở, DN tham gia sàn giao dịch với hơn 700 sản phẩm. Bình quân có 40- 50 DN tham gia hàng năm. Riêng từ đầu năm đến nay, có khoảng 20 DN tham gia.

Là một trong những đơn vị tham gia nhận được nhiều đơn đặt hàng thông qua sàn giao dịch, anh Nguyễn Tường Nam- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hoa Sao (Phường 2- TP Vĩnh Long)- cho hay: Bên cạnh bán hàng qua trang web riêng của công ty, thì sàn giao dịch TMĐT Sở Công thương cũng là một kênh quảng bá sản phẩm hữu hiệu, giúp DN tìm thêm thị trường tiêu thụ.

Nhờ đó, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nhất là các mặt hàng đặc sản, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Là hình thức giao dịch thương mại mua sắm qua internet, lợi ích lớn nhất mà TMĐT đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch.

Thông qua phương tiện điện tử, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, dễ dàng mở rộng thị trường kinh doanh.

Đây không chỉ là nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, cung cấp các thông tin hữu ích về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mà còn giúp tăng cường sự liên doanh, liên kết, kết nối giao thương giữa DN với DN, DN với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Sân chơi của cả “cá lớn” lẫn “cá bé”

Theo Sở Công thương, sàn giao dịch TMĐT không chỉ thu hút các DN có tiếng trong tỉnh tham gia mà còn có cả các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở nhỏ nhiệt tình tham gia.

Qua đó, cho thấy bước tiến quan trọng của các cơ sở trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Và dĩ nhiên, các cơ sở, hộ kinh doanh này có sản phẩm phải tuân theo quy định về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Vừa mới lên sàn giao dịch được vài tháng, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và mua bán Tuấn Linh (ấp Phú Thành, xã Tân Phú- Tam Bình)- cho hay: Trước đây, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở các chợ truyền thống, vài tháng nay mới tập tành tham gia sàn giao dịch và cũng nhận được một số đơn hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều người mua nói nhờ có sàn giao dịch mà đặt hàng dễ hơn. Giờ mỗi tháng, sản phẩm cung cấp ra thị trường từ 45- 50 tấn.

“Tuy đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu của tỉnh nhưng chợ mạng chưa biết nhiều về sản phẩm của tôi. Lúc đầu cũng không rành bán hàng online hay qua mạng, còn chưa biết đăng facebook bán hàng như thế nào, nhưng nhờ Sở Công thương hỗ trợ, rồi mày mò học hỏi thêm từ từ. Mình phải thay đổi, nâng cấp mình để bắt kịp theo xu hướng tiêu dùng hiện nay. Bước đầu tiếp cận thị trường “chợ mạng” còn chậm, nhưng cũng đã đạt được nhiều tín hiệu khả quan”- chị Linh thiệt tình nói.

Chính vì để bắt kịp xu thế tiêu dùng hiện nay, có thể thấy, không ít cơ sở, DN đã từ từ thoát khỏi tư tưởng “mình làm mình biết”, hay “bán tới đâu hay tới đó” mà dần vươn ra thị trường ngoài huyện, ngoài tỉnh.

Cũng chuẩn bị tham gia vào sàn giao dịch, chị Nguyễn Thị Thanh Loan- hộ kinh doanh sản xuất kim chi Kor Thanh Loan (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân), cho hay: “Sống ở Hàn Quốc hơn 15 năm, vừa trở lại Vĩnh Long được gần 1 năm nên tôi muốn đem văn hóa ẩm thực Hàn Quốc về quê, trong đó có món kim chi truyền thống. Do còn là món ăn khá mới lạ ở nông thôn nên tôi cũng tích cực quảng bá qua các kênh từ chợ truyền thống đến chợ online. Dù bước đầu tiếp cận thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng với sự kiên trì, làm ra sản phẩm chất lượng thì người tiêu dùng sẽ đón nhận”.

Bên cạnh tham gia các kênh online, kênh offline cũng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm cải thiện.
Bên cạnh tham gia các kênh online, kênh offline cũng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm cải thiện.

“TMĐT sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng đối với các DN với tốc độ tăng trưởng thị trường nhanh và ổn định kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Để thu hút khách mua hàng trực tuyến, TMĐT sẽ là kênh quảng bá sản phẩm để khách hàng nhận được chất lượng sản phẩm như đã được quảng cáo và cần thiết kế trang web, ứng dụng mua sắm dễ sử dụng”- anh Nguyễn Tường Nam cho hay.

Tuy nhiên, cũng không ít DN nhận định rằng, khi tham gia các kênh TMĐT, vẫn còn có rất nhiều thách thức đặt ra: về nhân lực, chiến lược marketing, thời gian, chi phí xây dựng trang web riêng, chế độ chăm sóc khách hàng, giao hàng,…

Đó là chưa kể hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường internet. Do đó, bên cạnh việc người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, thì DN cần chủ động đề ra những chiến lược thích hợp để vượt qua những thách thức khó khăn của TMĐT để TMĐT thật sự phát huy hết ưu thế cạnh tranh.

Bài, ảnh: THẢO LY