Nâng chất cuộc sống từ chuyển đổi cây trồng và phát triển làng nghề

Cập nhật, 12:07, Thứ Tư, 03/06/2020 (GMT+7)

Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2018, xã Tân Phú (Tam Bình) tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển làng nghề để nâng chất lượng cuộc sống và hướng tới xây dựng NTM nâng cao trong những năm tiếp theo.

Gắn bó với nghề đan lục bình giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Gắn bó với nghề đan lục bình giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Sống ổn với nghề đan lục bình

Đến làng nghề đan lục bình (ấp Phú Long), xe chúng tôi chạy bon bon trên tuyến đường vừa được nâng cấp, mở rộng cao ráo. Tại đây, nhiều hộ dân bắt đầu làm hàng rào và trồng hoa để làm đẹp cảnh quan. Chị Lê Thị Út Chính cũng chuẩn bị nâng mặt sân và xây hàng rào.

Chị Út Chính cho biết, con đường này trước đây là đường đan nhỏ xíu và khá thấp nên mùa lũ thì nước tràn vào. Vì vậy, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp lộ cao lên cả mét và mở rộng mặt lộ rộng khoảng 2m, hộ nào ở tuyến đường này cũng hiến đất làm đường và “làm tới đâu thì hiến tới đó”- chị Út Chính nói.

Hỏi về diện tích đất được hiến, chị Út Chính cười tươi: “Tính ra có bao nhiêu đâu, đường chỉ mở rộng ra một chút và chạy dài 10m trước nhà tui, cái được là bà con mình đi lại thoải mái, làm gì cũng thuận tiện”.

Tại làng nghề, nhiều hộ dân tận dụng 2 bên lề đường và khoảng sân trống trước nhà để phơi lục bình và các tấm thảm tròn, còn trong nhà thì vựa sẵn dây lục bình để “rảnh lúc nào thì đan lúc đó”.

Là người gắn bó với nghề cả chục năm, chị Út Chính cho biết: Lúc có việc thì chị đi làm (đóng thùng thanh long), công việc cũng không thường xuyên khoảng 10 ngày/tháng, ngày nào không đi làm hoặc rảnh lúc tối thì tranh thủ đan lục bình để kiếm thêm thu nhập.

“Từ khi có nghề đan lục bình, cuộc sống cũng đỡ hơn trước nên cứ… “đeo” hoài”- chị Út Chính nói. Để tiết kiệm chi phí, chị còn tự cắt lục bình phơi rồi đan để lãnh trọn giá 13.200 đ/tấm thảm và để đạt yêu cầu thì cán thảm ra càng mỏng càng tốt.

Từ nhiều năm nay, nghề đan lục bình được xem là thu nhập tăng thêm của chị Ung Thị Thùy Linh. Chị cũng là một trong những người đan thảm khá giỏi.

Chồng chị Linh làm phụ hồ. Hàng ngày, chị phải đưa rước 2 đứa con đi học, lo cơm nước cho cả nhà rồi cắt cỏ cho đàn dê 11 con, nên rảnh lúc nào chị đan lúc đó, song chủ yếu vẫn là làm vào ban đêm. Chị thường mua dây về đan (giá 16.000 đ/kg, đan được hơn 3 tấm thảm) vậy mà chị cũng đan được cả chục tấm thảm mỗi ngày.

Chị Phan Kim Loan- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú- cho biết: Làng nghề đan lục bình ấp Phú Long được thành lập vào tháng 12/2016 với 86 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho 166 lao động, chủ yếu là đan thảm tròn.

Ngoài ra, còn có 4 tổ đan khung, tạo việc làm cho trên 100 lao động. Hiện, hội đang phối hợp mở lớp dạy nghề đan lục bình cho 15 hội viên ở ấp Phú Yên. Qua đó, sẽ giúp cho chị em có thêm thu nhập, trang trải chi phí trong gia đình.

Giai đoạn 2015- 2020, xã Tân Phú đã thành lập 8 cơ sở sản xuất và 1 làng nghề, nâng đến nay toàn xã có 197 cơ sở và hộ kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 2.100 lao động. Đồng thời, mở 13 lớp dạy nghề cho 225 học viên, nâng tổng số lao động có chuyên môn kỹ thuật chiếm 66,7%, giới thiệu việc làm cho 2.722 lao động.

Khá hơn nhờ chuyển ruộng lên vườn

Qua vận động của địa phương về chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, cách nay hơn 3 năm, ông Nguyễn Văn Thuận (Chín Thuận, ở ấp Phú Thành) đã chuyển 3 công ruộng lên vườn trồng nhãn Ido và mãng cầu Thái.

Thấy hiệu quả, ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích còn lại, đến nay được 12 công, trong đó trồng xen thêm 250 gốc chanh không hạt, khoảng 40 gốc nhãn Thạch Kiệt.

Ngoài ra, ông Chín Thuận còn mướn hơn 2 công vườn (có trồng sẵn 55 gốc nhãn Ido) để chăm sóc và lấy huê lợi.

Ông Chín Thuận cho biết, ông không xử lý cho trái đồng loạt mà cho trái từng đợt, để không phụ thuộc giá cả vào 1 thời điểm. Ông Chín Thuận cho biết: “Quan trọng là phải biết kỹ thuật, cây nào cho lá già thì rải phân cho bung đọt, đủ 3 cơi thì làm trái… cây nhãn càng lớn sẽ cho trái càng nhiều và “cây trên 10 năm tuổi cho 200- 300kg trái là “siềng” luôn”.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, ông Chín Thuận có cuộc sống khấm khá hơn.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, ông Chín Thuận có cuộc sống khấm khá hơn.

Theo đồng chí Đổ Tiếng Dủng (tên khai sinh)- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú, thời gian qua, Đảng ủy xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp bền vững, phân vùng và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Hiện, mô hình trồng sầu riêng và nhãn Ido đang nổi lên, xã đã chọn xây dựng mô hình vườn mẫu ở nhà ông Tám Trung (diện tích 13 công); xây dựng mô hình trồng xoài tứ quý theo hướng VietGAP ở ấp Phú Thành (khoảng 8,5ha), xây dựng mô hình sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm ở ấp Phú Mỹ với 20,1ha có 41 hộ tham gia…

Giai đoạn 2015- 2020, cùng với việc kiên cố hóa cống đập, khép kín thủy lợi, xã đã vận động nhân dân chuyển ruộng lên vườn và cải tạo vườn tạp, nâng diện tích vườn toàn xã lên 234ha.

Trong đó, có 47,2ha diện tích ruộng lên vườn cho thu nhập từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân lên 45,73 triệu đồng/người/năm (2019) tăng gần 4,3 triệu đồng so thời điểm xã đạt chuẩn NTM (năm 2018).

“Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, để đến năm 2025 xã đạt NTM nâng cao; đồng thời nâng cấp hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, xây dựng cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp, xây dựng vườn mẫu ở mỗi ấp và phấn đấu xây 2 ấp Phú Yên- Phú Long đạt ấp NTM kiểu mẫu”- đồng chí Đổ Tiếng Dủng cho biết.

Đồng chí Đổ Tiếng Dủng- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú

Tân Phú là xã nông nghiệp nên trong thời gian tới sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế nông thôn với xây dựng NTM nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI