Các quy định SPS trong khuôn khổ hiệp định CPTPP và EVFTA

Nhiều cơ hội và thách thức cho nông sản

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 20/09/2019 (GMT+7)

Theo nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là mở ra cơ hội tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, cây ăn trái chủ lực của tỉnh, song cũng đầy rẫy thách thức và rủi ro.

Nông dân cần nâng cao nhận thức sản xuất trước các quy định SPS.
Nông dân cần nâng cao nhận thức sản xuất trước các quy định SPS.

Tiềm năng xuất khẩu cao nhưng còn nhiều hạn chế

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho hay: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thế giới, Việt Nam xác định xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường là xu hướng tất yếu.

Theo đó, Vĩnh Long với lợi thế nguồn nước ngọt quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh chủ động sản xuất nông sản, với nhiều chủng loại cây ăn trái như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm,...

Thời gian qua, diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn và GAP đã được nhà vườn quan tâm, đồng thời, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, diện tích đạt chứng nhận VietGAP tăng qua các năm thông qua các dự án.

Theo đó, nhiều chủng loại cây ăn trái đã xâm nhập vào các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao là tín hiệu đáng mừng cho trái cây Việt Nam nói chung và của Vĩnh Long nói riêng.

Được sản phẩm chôm chôm có tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì được hơn 1 tháng nay, ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) cho biết: Nhờ thực hiện theo các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao ý thức cho các thành viên nên hiện chôm chôm Bình Hòa Phước đã xuất sang được một số nước Châu Âu như Hà Lan, Pháp, Nga,...

Có thể thấy rằng, các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ tạo áp lực cần thiết chuyển đổi phương thức từ hệ thống quản lý, cơ cấu kinh tế tới liên kết chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm qua xuất khẩu nông sản có tín hiệu tích cực, trong đó, hàng rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu 12,2 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu nhóm các sản phẩm này chưa phát huy được tiềm năng sản xuất nông sản của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, nguyên nhân là do sức cạnh tranh một số sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định, chưa hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tuy được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Không chỉ vậy, việc tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa phân tán, chất lượng không đồng đều, sản xuất còn nặng về số lượng, ít chú trọng đến chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn trái chủ lực.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân cũng cho hay rằng: Tuy đã xuất ngoại song, số lượng xuất khẩu còn hạn chế. Với các quy định SPS, đây vừa xem là cơ hội vừa là thách thức cho hợp tác xã.

Rào cản hay bước đệm tham gia sân chơi lớn?

Được đánh giá trước đây từng là thị trường dễ tính song thời gian gần đây thị trường Trung Quốc cũng đã có những động thái quyết liệt, những quy định gắt gao đối với nông sản Việt Nam.

Th.S Vũ Thị Hải Yến- Văn phòng SPS Việt Nam (phụ trách thị trường Trung Quốc), cho biết: Hiện nay nông sản Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức về quy định kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.

Trong đó, trước mắt chính là các quy định về TBS, SPS và yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quy định xuất xứ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý thương mại biên mậu bằng các quy định về kiểm dịch, bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp... hạn chế một lượng tương đối nông sản Việt Nam vào thị trường này.

Đó là chưa kể, trong hoạt động song phương, doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chủ động về chiến lược, kế hoạch, hướng đi bền vững lâu dài đối với thị trường Trung Quốc, chủ quan trong việc thực hiện các chính sách theo thông báo của Trung Quốc dẫn đến bị động và thích ứng chậm với sự thay đổi của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng các quy định SPS trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) trước tiên sẽ là thách thức không nhỏ.

Tuy nhiên, để gia nhập sân chơi lớn bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định này. Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho hay:

Hướng tới, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, hợp tác xã sẽ tăng cường liên kết, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, hướng dẫn các thành viên hợp tác xã học hỏi và vận dụng các quy chuẩn vào sản xuất, cụ thể như truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất, mã số vùng trồng,...

Bên cạnh những thách thức, thì theo các chuyên gia, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường xuất khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.

Theo đó, doanh nghiệp lẫn người sản xuất cần thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra khâu an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao vị thế nông sản, các mặt hàng trái cây của Việt Nam trên thị trường, trong đó đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của thị trường Trung Quốc, Th.S Vũ Thị Hải Yến khuyến nghị:

Để đáp ứng các yêu cầu từ phía Trung Quốc, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa, quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ, triệt để trong quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì nhãn mác sản phẩm.

Đồng thời, cần cập nhật thường xuyên các cảnh báo về SPS trong chuỗi sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho các doanh nghiệp các ứng phó khi xuất hiện thêm các rào cản mới trong thương mại song phương.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để thay đổi tư duy và điều hướng trong sản xuất nông nghiệp an toàn, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện SPS, nông dân phải nâng cao sản xuất nông sản chất lượng, chú trọng vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, sản xuất.

TS. Lê Thanh Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam- nhận định rằng: Tuân thủ các quy định SPS sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời có lợi cho người tiêu dùng vì sản phẩm được kiểm soát dịch bệnh, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Bài, ảnh: TRÀ MY