Đưa làng nghề gắn sản xuất với cụm- tuyến công nghiệp

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 25/07/2019 (GMT+7)

Vĩnh Long có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với những giá trị văn hóa đặc sắc kết tinh trong mỗi sản phẩm. Song, để những giá trị văn hóa vô giá ấy trường tồn và lan tỏa cần có chiến lược phát huy giá trị.

Làng gạch- gốm ở kinh Thầy Cai (Mang Thít) không còn thời hoàng kim.Ảnh: VINH HIỂN
Làng gạch- gốm ở kinh Thầy Cai (Mang Thít) không còn thời hoàng kim.Ảnh: VINH HIỂN

Làng nghề truyền thống mai một

Tính đến cuối năm 2018, Vĩnh Long có khoảng 80 làng nghề có nghề và làng nghề, giải quyết việc làm cho gần 50 ngàn lao động. Mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở các ngành nghề đạt khoảng 35 triệu đồng.

Là tỉnh có làng nghề đa dạng với nhóm nghề tiêu biểu như: bánh tráng cù lao Mây (Trà Ôn), tàu hủ ky (Bình Minh); thảm lục bình (Tam Bình),... những năm qua Vĩnh Long đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, từng bước xây dựng thương hiệu riêng.

Các làng nghề cũng đã và đang góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch và ít nhiều tăng thêm chất lượng các “tour” và điểm du lịch. Một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, tên tuổi riêng và được nhiều nơi biết đến sản phẩm của mình.

Song, không ít những làng nghề đang dần mai một do gặp khó khăn đầu ra sản phẩm, bởi mẫu mã chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhất là với những đơn hàng yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian giao hàng thì đa phần làng nghề không thể đáp ứng.

Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), nổi tiếng gần 20 năm nay, người làm ước ao đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

“Chúng tôi với không tới”- đó là chia sẻ của ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Làng nghề Tàu hủ ky Mỹ Hòa- trong một lần được đại diện Siêu thị Saigon Co.op thông tin về thủ tục, hồ sơ để doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đưa sản phẩm vào siêu thị.

Theo ông, khi mới hình thành, tàu hủ ky tươi sản xuất bằng thủ công, nay đã được đầu tư máy móc, cải tiến dây chuyền để có sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, cái khó là thời gian bảo quản tàu hủ ky tươi ngắn- chỉ khoảng 10 ngày, trong khi sản lượng cũng không ổn định.

Làng nghề truyền thống góp phần giải quyết tốt lao động nông thôn. Trong ảnh: Làng nghề trồng lác ở Vũng Liêm.
Làng nghề truyền thống góp phần giải quyết tốt lao động nông thôn. Trong ảnh: Làng nghề trồng lác ở Vũng Liêm.

Trong khi đó, từ loại hoang dại, cây lác ở xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, hiệu quả 3- 4 lần so với cây lúa.

Thay vì chỉ bán sản phẩm thô, gần đây người trồng sử dụng dệt chiếu để nâng cao giá trị. Tuy nhiên, đầu ra vẫn khá bấp bênh, diện tích trồng cũng giảm do thiếu lao động. Trong khi, các sản phẩm từ lác cũng còn ít.

Hướng tới cụm công nghiệp làng nghề

Dọc theo Đường tỉnh 902, đoạn thuộc huyện Mang Thít, làng nghề gạch ngói tồn tại hơn trăm năm không còn nhộn nhịp như ngày nào.

Giữ và phát triển kinh tế làng nghề góp phần tạo sự đa dạng thành phần của nền kinh tế. Ảnh: HOÀNG MINH
Giữ và phát triển kinh tế làng nghề góp phần tạo sự đa dạng thành phần của nền kinh tế. Ảnh: HOÀNG MINH

Theo một doanh nghiệp, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, nhiều chủ lò phải “nghẹt thở” giải quyết khâu đầu vào. Một viên đất mê lúc trước chạy ra 4 viên gạch, nay chỉ còn 2 viên rưỡi, giá trấu thì từ 200đ nay đến 1.000 đ/kg.

Mỗi ký trấu đốt được 2 viên rưỡi gạch ống, 2 viên gạch tàu. Nếu 1 viên gạch tàu bán giá 2.800đ thì còn cầm cự được, còn gạch ống bán giá 600đ “coi như lỗ thấu xương”.

Nói về nguyên nhân, ông Bùi Hữu Mai- Giám đốc Công ty TNHH Mười Mai- từng chia sẻ, do chủ yếu lao động nhàn rỗi, sản xuất hộ gia đình nên chẳng ai quan tâm đến nghiên cứu công nghệ, thị trường.

Giá trị “trời cho” gạch gốm Vĩnh Long là tài nguyên đất sét dẻo, mịn... không nơi nào có được. Thế nhưng, cái “tử huyệt” của làng nghề chính là những chiếc lò riêng lẻ không tận dụng nhiệt của lò này sang lò kia liên hoàn.

Khi giá trấu 200 đ/kg thì nhiên liệu tạo viên gạch chỉ 70đ. Nhưng trấu lên 1.200đ thì phải đốt 500đ tiền trấu mới ra được viên gạch, trong khi giá bán chỉ 600 đ/viên, chưa kể tiền trả công, mua đất,… Coi như đứt vốn.

Trong khi, ở Tây Ninh, Bình Dương đang cải tiến công nghệ Haffman đốt nhiên liệu liên hoàn, 1 ký trấu đốt được 7 viên gạch.

Cạnh tranh, gạch miền Ðông tràn xuống Vĩnh Long giết làng nghề. Mặc dù, tỉnh có nhiều biện pháp hỗ trợ khôi phục nhưng do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên làng nghề hồi phục rất chậm.

Có thế nói, làng nghề là “khu công nghiệp thu nhỏ”. Giữ và phát triển kinh tế làng nghề cũng là giữ lại sản phẩm truyền thống, giữ được sự đa dạng thành phần của nền kinh tế.

Hiện nay, nhiều làng nghề nông thôn gắn sản xuất với các cụm- tuyến công nghiệp địa phương nhằm mở rộng liên kết sản xuất theo hợp đồng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm làng nghề.

Song, thực tế cũng cho thấy, phần lớn sản phẩm làng nghề nhìn chung mẫu mã đơn điệu, cóp nhặt và tính thẩm mỹ chưa cao, chưa tinh.

Việc cần làm hiện nay là nên tập hợp, đánh giá chính xác tiềm năng các làng nghề hiện có, làng nào có thể phát triển được, làng nào mất đi nhưng có thể khôi phục?

Điều này, trong định hướng khôi phục và phát triển làng nghề, tỉnh xác định khá rõ là không thực hiện theo “phong trào” mà gắn với khai thác nguồn nguyên liệu, nhân lực địa phương và phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Bên cạnh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ, các làng nghề cùng chính sách vay ưu đãi mua thiết bị, móc móc. Đẩy mạnh thêm các tuyến tham quan du lịch đến các làng nghề, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.

Trong quy hoạch cụm công nghiệp, tới đây sẽ chú trọng phát triển cụm công nghiệp làng nghề, tập trung quy mô nhỏ. Mục tiêu chủ yếu là phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất của làng nghề, xã nghề tại địa phương mở rộng mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 95 làng nghề, tạo việc làm cho 65.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của làng nghề chiếm tỷ trọng 20- 25%; lao động nông thôn tham gia ngành nghề chiếm 18%, từng bước mỗi làng một nghề.

HOÀNG MINH