Cá tra Việt áp thuế khủng- "Cửa nào" vào thị trường Mỹ?

Cập nhật, 12:23, Thứ Năm, 05/04/2018 (GMT+7)

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015- 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Vậy con cá tra của Việt Nam liệu có còn “cửa” nào và sẽ làm gì để tiếp tục vào thị trường Mỹ là câu hỏi lớn thu hút sự quan tâm của nông dân lẫn doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu những ngày này.

Người nuôi cá lẫn doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra tại ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá do phía Mỹ áp đặt. Trong ảnh: Nuôi cá tra tại Vĩnh Long.
Người nuôi cá lẫn doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra tại ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá do phía Mỹ áp đặt. Trong ảnh: Nuôi cá tra tại Vĩnh Long.

Cá tra vào Mỹ cầm chắc thua lỗ

Trước việc phía Mỹ áp mức thuế CBPG đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, trò chuyện với Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Võ Văn Phong- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) than thở: Đợt áp thuế CBPG cá tra của Việt Nam vào Mỹ lần này (POR 13) là bất thường.

Nó vượt xa dự đoán của doanh nghiệp chúng tôi. Agifish bị áp mức thuế CBPG là 3,87 USD/kg. Với mức thuế áp như thế này thì sản phẩm cá tra của Việt Nam không thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mức thuế CBPG gần ngang bằng giá xuất khẩu của công ty chúng tôi vào thị trường này.

Với mức thuế này, sản phẩm cá tra của công ty cũng như các doanh nghiệp khác của Việt Nam vào thị trường Mỹ phải bán với giá khoảng 8 USD/kg trở lên mới có lời. Song, với mức giá này thì người tiêu dùng Mỹ khó có thể chấp nhận.

Ông Phạm Anh Tuấn- Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản- khẳng định: Đây là mức thuế vô lý đối với các doanh nghiệp và ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam.

Bởi thực tế lâu nay, các doanh nghiệp của Việt Nam chưa bao giờ bán phá giá sản phẩm cá tra vào thị trường Mỹ hay bất cứ thị trường nào.

Lý giải về giá thành sản xuất cá tra của Việt Nam luôn thấp hơn với các sản phẩm cá da trơn khác của các nước khác theo ông Phạm Anh Tuấn là do giá nhân công ở Việt Nam thấp, đặc biệt do nguồn nước ở ĐBSCL rất thuận lợi, năng suất nuôi cá cao.

Ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam- bức xúc: Với mức thuế CBPG do phía Mỹ đưa ra ở lần xem xét hành chính lần thứ 13 này, con cá tra của Việt Nam cùng một lúc phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” vừa chịu mức thuế CBPG rất cao lại cộng thêm những quy định khắt khe từ Đạo luật Nông trại của Mỹ (FamBill). Xem ra “cánh cửa” vào thị trường Mỹ đối với sản phẩm cá tra Việt Nam tạm thời khép lại.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký- cho biết trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện CBPG thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua.

Hiệp hội nhận thấy kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật CBPG thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ.

Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang cân nhắc, xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Giải pháp nào để ứng phó?

Sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ khó có thể vào thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục. Trong ảnh: Sản xuất chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ khó có thể vào thị trường Mỹ khi bị áp thuế chống bán phá giá cao kỷ lục. Trong ảnh: Sản xuất chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Võ Văn Phong, để ứng phó với tình trạng bị áp thuế CBPG sản phẩm cá tra tại thị trường Mỹ, ngay từ năm 2012, Agifish đã có định hướng chuyển đổi tìm thị trường khác, đồng thời tăng chế biến sâu sản phẩm cá tra để gia tăng giá trị phục vụ thị trường nội địa lẫn tiêu thụ tại thị trường Châu Á.

Đặc biệt từ năm 2016, 2017, Agifish đã chuyển hướng sang xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Hiện Agifish đang củng cố hồ sơ, thủ tục lẫn thuê luật sư để chuẩn bị đợt POR 14 cho các năm 2016- 2017.

“Công ty chúng tôi chuẩn bị kỹ càng hồ sơ cho đợt xem xét hành chính lần thứ 14 để khẳng định với phía Mỹ rằng doanh nghiệp chúng tôi không bán phá giá, giá bán cá của công ty tại Mỹ là đúng thực tế sản xuất chế biến cá tra của công ty tại Việt Nam”- ông Võ Văn Phong khẳng định.

Ông Phạm Anh Tuấn cho hay: Phản ứng của Việt Nam là nên đưa vụ việc này ra Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Thứ hai, là nên chuẩn bị cho các lần xem xét hành chính tiếp theo của Mỹ bởi mỗi năm phía Mỹ sẽ xem xét hành chính về việc có quyết định áp thuế CBPG, mức thuế CBPG.

Vì vậy, cả phía cơ quan quản lý của nước ta lẫn doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải chuẩn bị kỹ. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện là bị đơn bắt buộc phải xem lại cách chuẩn bị hồ sơ.

Bởi nếu các doanh nghiệp thuộc diện bị đơn bắt buộc nếu lơ là, chủ quan sẽ không chỉ gây ảnh hưởng cho chính doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp cùng chung ngành hàng.

Ngược lại nếu chỉ giao phó cho các doanh nghiệp thuộc diện bị đơn mà thiếu sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp khác lẫn hiệp hội và cơ quan chức năng thì ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến cá tra sẽ gặp bất lợi.

Đồng thời, giải pháp tiếp theo là doanh nghiệp phải tăng cường mở thêm các thị trường mới.

Trước việc Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế CBPG đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam một cách phi lý, bất công, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng cần phải đấu tranh phù hợp với phía Mỹ để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và ngành cá tra Việt Nam cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ.

Đồng thời, để chuẩn bị cho lần xem xét hành chính tiếp theo (POR 14), các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng hồ sơ đầy đủ để chứng minh cho phía Mỹ thấy việc áp thuế CBPG cá tra của Việt Nam là phi lý, bất công.

Cùng với đó, các doanh nghiệp và người nuôi cá cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi, chế biến hơn nữa để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tăng cường công tác xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra: Hong Kong (Trung Quốc), ASEAN, Trung Đông.

Chúng ta tìm các thị trường khác để đề phòng trường hợp sản phẩm cá tra không vào được thị trường Mỹ do tiếp tục thuế CBPG bị áp ở mức cao.

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI