Blog thị trường

Miền Tây khó khởi nghiệp?

Cập nhật, 10:32, Thứ Sáu, 19/01/2018 (GMT+7)

Câu hỏi này được đặt ra tại cuộc thi khởi nghiệp quy mô cấp vùng ĐBSCL, thu hút được 53 hồ sơ dự thi, do chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tại Cần Thơ tổ chức lần đầu, nhưng không tìm ra được dự án khả thi để trao giải nhất.

Trong năm 2016, ĐBSCL khởi sắc các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp qua các chương trình đào tạo, sự xuất hiện của các vườn ươm, mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL cũng được hình thành.

Đặc biệt, Mekong Startup 2017 do VCCI Cần Thơ tổ chức quy mô vùng với 100 ý tưởng, nhưng số lượng dự án khởi nghiệp (startup) có thể thương mại hóa sản phẩm hay triển khai thành công trong thực tế rất ít ỏi.

Theo đánh giá của lãnh đạo VCCI, có một số nguyên nhân. Quan trọng nhất vẫn là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp còn thiếu chất xám, tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong ý tưởng, đề án còn thấp, sản phẩm thiếu “thực chất”, phần lớn các ý tưởng, dự án chỉ là những giải pháp kinh doanh đơn thuần, hay sao chép đâu đó.

Tiếp theo, do tâm lý “được thiên nhiên ưu đãi” đã trở thành thói quen khiến cho người dân có tâm lý ngại khó, sợ thất bại và trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ở khía cạnh khác là sự chưa hoàn thiện của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay, sự ràng buộc về chính sách, quy định pháp luật khiến cho các địa phương dù muốn cũng không dám “xé rào” để hỗ trợ cho các startup.

Chính vì vậy, các chuyên gia thấy rằng, để hoạt động khởi nghiệp ở ĐBSCL phát triển có chiều sâu, các tổ chức được giao trách nhiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương cần liên kết nhau trong hoạt động nhằm giúp người dân, giới trẻ có tư duy tích cực và nhận thức đúng về khởi nghiệp nông nghiệp ở thời kỳ mới.

Đó là sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới trong phương thức sản xuất kinh doanh.

Bido2_40.com