Phát triển "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật, 05:41, Thứ Tư, 29/11/2017 (GMT+7)

Vĩnh Long được đánh giá là còn rất nhiều “dư địa” phát triển du lịch. Là điểm giữa ĐBSCL, tiệm cận các thành phố lớn, có 2 dòng sông lớn chảy qua tạo hệ thống sông ngòi chằng chịt cùng với nền văn hóa sông nước miệt vườn, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng… 

Làm sao để ngành “công nghiệp không khói” được khai thác đúng mức, trở thành một ngành kinh tế nhiều tiềm năng?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu giới thiệu đặc sản của Vĩnh Long tại gian hàng quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu giới thiệu đặc sản của Vĩnh Long tại gian hàng quảng bá hình ảnh tỉnh Vĩnh Long.

“Dư địa” phát triển du lịch rất lớn

Có tốc độ tăng trưởng hàng năm rất cao, Khu du lịch Vinh Sang là điểm đến yêu thích của du khách khi tới Vĩnh Long.

Ngoài các sản phẩm độc đáo, Vinh Sang còn liên kết 4 điểm tát cá và 20 điểm vườn, giúp doanh nghiệp có thêm sản phẩm du lịch và các nhà vườn có thêm lợi nhuận khi bán được dịch vụ, sản phẩm tại chỗ.

Theo ông Lê Hoàng Vinh- Giám đốc Công ty Vinh Sang: “Khách nội địa tới Vĩnh Long đều muốn đi vườn, tát mương bắt cá. 90% lượng khách của Vinh Sang là khách nội địa, nên việc liên kết nhà vườn khai thác du lịch là nhu cầu rất lớn”.

Ngoài các điểm du lịch được đầu tư bài bản, “đón khách vô vườn” còn giúp tăng hiệu quả kinh tế cho nhà vườn. Những sản phẩm du lịch như trái cây “bao bụng” theo mùa rất được khách ưa thích.

Chủ vườn Nguyễn Văn Trình (ở ấp An Thới, An Bình- Long Hồ) cho biết có 10 công vườn trồng chôm chôm, nhãn, ổi. Chú Trình làm du lịch bán được trái cây tại chỗ giá cao, còn tạo được nhiều việc làm cho gia đình, làng xóm…

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho rằng: “Vĩnh Long còn dư địa rất lớn cho phát triển du lịch”.

Ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh bước đầu xác định một số thế mạnh và đã tập trung đầu tư, như phát triển du lịch sinh thái 4 xã cù lao huyện Long Hồ tỉnh đã xây dựng hệ thống giao thông tốt hơn, quy hoạch vườn cây ăn trái đa dạng, cho trái đều trong năm.

Tỉnh cũng đang xây dựng nguồn tư liệu kỹ càng cho các điểm đến, để kể với du khách câu chuyện về văn hóa, lịch sử cuốn hút, hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, ông Trần Minh Triết- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, thương hiệu du lịch sông nước miệt vườn của Vĩnh Long đã được khẳng định.

Hệ thống sông ngòi gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vườn cây ăn trái, di tích văn hóa lịch sử cách mạng, danh nhân nổi tiếng, môi trường du lịch an toàn… là những yếu tố thu hút du khách.

Trên nền tảng đó, Vĩnh Long phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân, khai thác một số sản phẩm đậm đà bản sắc văn hóa như hát bội, đờn ca tài tử,…

Vĩnh Long phát triển 2 tuyến du lịch quốc tế và nội địa song song. Trong năm 2016, tỉnh đã thu hút hơn 1 triệu lượt du khách và dự báo tăng trưởng cao hơn khoảng 10% trong năm 2017.

Tát mương bắt cá là sản phẩm du lịch thu hút của Khu du lịch Vinh Sang.
Tát mương bắt cá là sản phẩm du lịch thu hút của Khu du lịch Vinh Sang.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Song, ông Trần Minh Triết cũng cho rằng, đến nay doanh thu của ngành du lịch đóng góp cho ngân sách vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 1% GDP.

Du lịch Vĩnh Long đang thiếu nhà đầu tư lớn, đầu tư khách sạn hạng sao để thu hút đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao.

Chúng ta có loại hình du lịch homestay, phát triển du lịch cộng đồng rất tốt nhưng chưa thu hút được nhiều khách có mức chi tiêu cao.

Đầu tháng 11/2015, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển du lịch giai đoạn 2015- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết 01 đặt mục tiêu đưa du lịch Vĩnh Long thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Trong khi đó, theo ông Trần Minh Triết, du lịch vốn là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành nghề. Du lịch muốn phát triển thì phải có sự cộng hưởng của các lĩnh vực khác như công nghiệp, nông nghiệp, các làng nghề… 

Nhưng hiện nay, ngành du lịch đang phải “tự bơi” để tạo ra sản phẩm bán cho du khách.

Hơn nữa, hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng nhu cầu, cụ thể là 2 tuyến du lịch đường thủy là kinh Mương Lộ, Cái Muối mùa khô thì nước cạn, mùa nước lại vướng cầu.

Đường vào Khu di tích cách mạng Cái Ngang rất nhỏ, khó đưa khách tới và chưa nối kết với Khu di tích GS.VS Trần Đại Nghĩa. Chưa liên kết các làng nghề, sản phẩm đặc trưng... để tạo điều kiện phát triển du lịch tổng hợp.

Chính vì thế, ông Trần Minh Triết cho rằng, muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phải có bước đột phá.

Vĩnh Long cần có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, có chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, nâng chất lượng các điểm nhà vườn... Bởi, du lịch phát triển sẽ kéo các lĩnh vực khác phát triển theo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Vinh cho biết doanh nghiệp du lịch phấn khởi vì thông qua Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nhiều chương trình hành động, hỗ trợ và đã xác định hướng đi cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, hạn chế hiện nay là các doanh nghiệp làm du lịch còn mạnh ai nấy làm. Do đó, rất cần sự hợp tác, liên kết hỗ trợ cho nhau.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Vĩnh Long rất khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch

Sau Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình hành động và ngành du lịch đã tổ chức 2 cuộc hội thảo bàn về đề án phát triển du lịch của tỉnh.

Tỉnh rất quan tâm đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng du lịch. Cụ thể, đang xây dựng bến tàu du lịch tại Phường 9 (TP Vĩnh Long), kêu gọi đầu tư khách sạn 4-5 sao… “Công nghiệp không khói” là định hướng lâu dài của tỉnh, từng bước thay đổi cơ cấu tăng trưởng kinh tế sang hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch dần chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Cùng với hướng lựa chọn nhà đầu tư, từ chối những dự án gây ô nhiễm.

Vĩnh Long còn dư địa rất lớn cho phát triển du lịch, tỉnh rất khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch. Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành, Vĩnh Long cũng đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp đầu tư du lịch.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC