DU LỊCH ĐBSCL- "mảnh đất hoang" chờ khai phá

Cập nhật, 06:30, Thứ Bảy, 28/10/2017 (GMT+7)

Tại hội nghị đầu tư vào ĐBSCL vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng tiềm năng phát triển hạ tầng du lịch của vùng còn rất lớn và còn là “mảnh đất hoang” cần được khai phá.

Tiềm năng về du lịch ở ĐBSCL là rất lớn, cần được đầu tư hơn nữa.Ảnh: VINH HIỂN
Tiềm năng về du lịch ở ĐBSCL là rất lớn, cần được đầu tư hơn nữa.Ảnh: VINH HIỂN

“Lãnh địa” đầu tư du lịch hấp dẫn

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, bên cạnh việc hình thành vùng đồng bằng rộng lớn với hơn 40.000km2, ĐBSCL còn có bờ biển Đông và biển Tây dài khoảng 500km, có dãy Thất sơn ở An Giang, có đảo, có rừng ngập mặn, có vùng đất ngập nước, có đường biên giới với Campuchia hơn 200km….

Điều đó tạo cho vùng ĐBSCL những tài nguyên và địa lý thuận lợi, với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách.

Chẳng hạn, du lịch tâm linh Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm thuộc vùng Thất sơn huyền bí, rừng tràm Trà Sư, di chỉ văn hóa Óc Eo ở An Giang; rừng ngập mặn U Minh, mũi Cà Mau; biển đảo Phú Quốc, Nam Du, Hà Tiên ở Kiên Giang;

chợ nổi, bến Ninh Kiều với miệt vườn đô thị Cần Thơ; vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười thuộc Đồng Tháp- Long An; cụm cồn, cù lao với vườn cây ăn trái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long; những lễ hội văn hóa độc đáo mang tính đặc thù như: đua bò Bảy Núi, Ok Om Bok, đua ghe ngo, đờn ca tài tử,…

Cùng với đó, nguồn ẩm thực phong phú, đặc trưng góp phần làm cho sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL tạo nét riêng cuốn hút du khách.

Dù vậy, ông Phạm Thế Triều- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL- cho rằng dịch vụ du lịch vùng ĐBSCL còn là mảnh đất hoang cần được các nhà đầu tư khai phá để phát triển và làm giàu.

Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL là rất lớn nhưng còn thiếu hụt về cơ sở dịch vụ phục vụ vui chơi, giải trí và cơ sở lưu trú.

Du lịch Phú Quốc thu hút du khách với những sản phẩm mới lạ.
Du lịch Phú Quốc thu hút du khách với những sản phẩm mới lạ.

Theo đánh giá của ông Phạm Thế Triều, trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% cả về lượng khách, lưu trú và doanh thu nhưng vẫn xếp thấp nhất nước, do thiếu dịch vụ phục vụ theo nhu cầu và thị hiếu du khách.

Riêng năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 8,5 triệu lượt khách lưu trú (có 900.000 khách quốc tế), doanh thu 15.000 tỷ đồng.

Đến nay, du lịch đã được hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL đưa vào chiến lược phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hạ tầng du lịch rất yếu, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn dịch vụ cung ứng.

Chính vì thế, TS Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ nhấn mạnh: “ĐBSCL còn nhiều dư địa cho phát triển du lịch. Khu vực này được đánh giá là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn”.

Những yếu tố thuận lợi

Theo TS. Võ Hùng Dũng, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng năm 2016 đạt hơn 675.000 tỷ đồng, chiếm 19,15% cả nước.

Chính phủ đã phê duyệt tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, đến năm 2020, lượng khách du lịch của vùng đạt 34 triệt lượt, doanh thu 25.000 tỷ đồng; đến năm 2030 lượt khách đạt 52 triệu lượt, doanh thu 111.000 tỷ đồng.

Sông nước miệt vườn là một thế mạnh của du lịch ĐBSCL nhưng chưa được đầu tư, khai thác một cách hiệu quả. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Sông nước miệt vườn là một thế mạnh của du lịch ĐBSCL nhưng chưa được đầu tư, khai thác một cách hiệu quả. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Trong khi đó, theo TS. Võ Hùng Dũng, Chính phủ thông báo dành nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD cho ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020 để thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Bên cạnh, các dự án giao thông sắp hoàn thành cầu như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ sắp triển khai, tuyến đường ven biển…

Sự gia tăng liên tục sức mua bình quân 14-15%/năm giai đoạn 2010- 2015 cao hơn nhiều bình quân cả nước, sự cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… là những nhân tố cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng mời gọi đầu tư của vùng ĐBSCL.

Hơn nữa, theo TS. Võ Hùng Dũng, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông và chất lượng nguồn nhân lực… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng đang được các tỉnh ĐBSCL ra sức khắc phục.

Như TP Cần Thơ quyết định xây dựng trung tâm logistic 240ha và cảng biển cho tàu 1.000 tấn vào ĐBSCL, các trường khu vực đang đào tạo khoảng 19.000 sinh viên.

Trong khi đó, qua khảo sát gần đây, ĐBSCL cũng là “mảnh đất” mà nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin mong muốn đầu tư cơ sở dịch vụ, sản xuất; ĐBSCL là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, đáng chú ý là khách du lịch Trung Quốc không chỉ đến du lịch mà còn tìm cơ hội kinh doanh tại đây.

Hơn nữa, sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” góp phần thúc đẩy các thế mạnh khác của vùng tăng trưởng mạnh mẽ, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như tạo sự chuyển hướng trong cấu trúc phát triển kinh tế sang du lịch, dịch vụ nhiều hơn.

Theo ông Phạm Thế Triều, hiện ĐBSCL mới chỉ có 60 khách sạn từ 3- 5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ.

So với quy hoạch, cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí thiếu rất trầm trọng, chưa có điểm dừng chân lớn, chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch.

TRẦN PHƯỚC