Điều hành chính sách tiền tệ- phải đặt trong tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ

Cập nhật, 16:35, Thứ Sáu, 17/11/2017 (GMT+7)

 

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (đơn vị Vĩnh Long) đã có câu hỏi chất vấn   liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng chất vấn, qua Báo cáo của Chính phủ cũng như của Ngân hàng nhà nước và thực tiễn cho thấy thì chính sách tiền tệ đang thực hiện nhiều mục tiêu, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện các chính sách xã hội.

Một số chuyên gia cho rằng một chính sách tiền tệ mà đa mục tiêu như vậy thì có thể sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đề nghị Thống đốc cho biết việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước như thế nào trong bối cảnh như vậy để đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn từ nay cho đến hết năm 2018 và những năm tiếp theo?

Một vấn đề nữa là chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên là một chương trình rất thiết thực, đã giúp cho hàng triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học.

Tuy nhiên, có nhiều học sinh, sinh viên mới ra trường, chưa tìm được việc làm chính thức ngay hoặc phải đi làm nhiều ngành nghề khác nhau, thu nhập ban đầu không đáng kể, còn thấp, chưa có đủ nguồn tích lũy để trả ngân hàng, do đó lại tạo thành một khoản nợ cho ngân hàng.

Đề nghị Thống đốc cho biết phương án tiếp tục thực hiện chủ trương này trong thời gian tới để có thể nâng cao hạn mức cho vay, đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng mà vẫn tạo thuận lợi cho Ngân hàng chính sách xã hội?

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, cho biết liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, các mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ Ngân hàng nhà nước thực hiện việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước.

Trước hết, phải tập trung vào việc ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống và hoạt động của các tổ chức tín dụng và góp phần phát triển kinh tế xã hội, đây là những mục tiêu xuyên suốt. Mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt chính là bảo đảm giá trị của đồng Việt Nam. 

Chính vì vậy, thời gian vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như trong công tác hoạch định và điều hành chính sách của mình cũng đã tập trung nỗ lực để kiểm soát được lạm phát, ổn định giá trị của đồng Việt Nam.

Theo chúng tôi đánh giá, trong thời gian vừa qua có nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu đó cùng một lúc khó thực hiện. Nhưng trên thực tế nhờ sự phối hợp, kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong điều hành chính sách vĩ mô thì chúng ta đã đạt được kết quả.

Đó là, kiểm soát được lạm pháp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được giá trị của đồng Việt Nam, tăng cường hơn an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn hỗ trợ góp phần phát triển kinh tế ở mức hợp lý.

Chúng tôi cho rằng công tác điều hành chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu phải đặt trong tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ với mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô và vẫn phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Thời gian tới đây, dựa trên những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác hoạch định và thực thi các chính sách điều hành của mình.

Về tín dụng học sinh, sinh viên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên, hiện nay có khoảng 3,5 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, với tổng dư nợ khoảng 15.600 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 10% tổng dư nợ của các khoản tín dụng chính sách. Doanh số cho vay từ trước đến nay đạt gần 60.000 tỷ.

Về đề xuất nâng mức cho vay, mức cho vay đối với học sinh, sinh viên kể từ khi thực hiện từ năm 2007 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh tăng mức cho vay.

Thời gian gần đây nhất là 15/6/2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên mức 1.500.000/tháng.

Đại biểu cho rằng, mức cho vay này chưa đáp ứng được đủ các nhu cầu về sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên.

Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu, xin ghi nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện của ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí những nguồn ngân sách nhất định cũng là quy mô khá lớn để cho học sinh, sinh viên vay, đây là cố gắng lớn của Chính phủ và bộ, ngành.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ xem xét việc nâng mức cho học sinh, sinh viên vay lên mức cao hơn, tùy theo điều kiện của ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Về việc kéo dài thời hạn trả nợ đối với học sinh, sinh viên, người vay là học sinh, sinh viên phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu trước khi học sinh, sinh0 viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học.

Như vậy, học sinh, sinh viên đã được ân hạn 1 năm kể từ khi kết thúc khóa học thì mới bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi tiền vay, thời hạn trả nợ bằng thời hạn phát tiền vay.

Có nghĩa học sinh, sinh viên nhận tiền vay 4 năm thì thời hạn trả nợ là 4 năm và tổng thời hạn cho vay là 9 năm vì tính thêm 1 năm ân hạn. Khi đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng nếu học sinh, sinh viên gặp khó khăn khách quan mà chưa trả được nợ thì được xem xét cho gia hạn nợ và thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời gian trả nợ.

Do đó, một học sinh, sinh viên học đại học 4 năm, khi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thì thời hạn trả nợ nếu tính cả thời hạn được cho gia hạn thì tối đa là 7 năm. Theo chúng tôi cũng là một thời gian tương đối dài cho học sinh, sinh viên khắc phục được vượt qua những khó khăn.  

TÂM THI (ghi)