Blog thị trường

Chất lượng nông sản- cần tạo lòng tin

Cập nhật, 15:31, Thứ Sáu, 17/11/2017 (GMT+7)

Có một thực tế khiến các nhà sản xuất cảm thấy “nản” khi bắt tay vào nâng chất sản phẩm là giá cả bị cào bằng. Ví dụ, người sản xuất lúa không phân thuốc hóa học, trồng rau, trái cây theo tiêu chuẩn an toàn, GAP… nhưng đem ra chợ bán giá cũng không cao hơn là mấy.

Đó là nghịch lý khó chấp nhận. Bởi người làm ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thì cần phải bán được giá cao để bù đắp chi phí đầu tư lớn mà năng suất thấp. Lợi nhuận cao mới khuyến khích nông dân quan tâm chất lượng, thay đổi tập quán sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nhưng vì sao người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao nhưng lại không chịu mua với giá cao? Có rất nhiều khách hàng quan tâm chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình nhưng cũng có người luôn muốn mua hàng giá rẻ.

Sức khỏe là quan trọng nhất, nên ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm mua rau, thịt, cá tại các điểm bán uy tín, siêu thị có đóng gói, xuất xứ rõ ràng. Họ sẵn sàng mua với giá cao hơn để gia đình có bữa ăn ngon lành, cũng là mua sự yên tâm.

Tuy nhiên, thị trường đã từng chứng kiến nhiều điểm bán hàng khi có lượng khách hàng nhất định, thì lại “lơ” chất lượng, thậm chí trà trộn hàng trôi nổi. Người tiêu dùng giảm lòng tin, mà những người sản xuất mong muốn hướng tới hàng hóa chất lượng, an toàn cũng bị tổn thương.

Khuyến khích giảm số để nâng chất là giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững, đem lại lợi ích cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các khâu.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, nhà quản lý cần xem lại khâu nào đang yếu và thiếu phải chấn chỉnh ngay. Vì muốn người tiêu dùng công nhận đó là sản phẩm có chất lượng, an toàn, thì phải cho họ lòng tin.

Bido2_40.com