Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

Cập nhật, 13:31, Thứ Năm, 07/09/2017 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tỉnh ủy Vĩnh Long xây dựng Chương trình hành động số 16 nhằm thực hiện nghị quyết này.

Tỉnh phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN vừa và nhỏ.
Tỉnh phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN vừa và nhỏ.

Sức cạnh tranh của KTTN còn hạn chế

Trong những năm qua, nhất là sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”, KTTN trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi, ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Theo thống kê, bình quân hàng năm có khoảng 250 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.576 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 16.170 tỷ đồng và 44.564 hộ kinh doanh.

Trong những năm gần đây, DN tư nhân và hộ kinh doanh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng tăng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hiện, lực lượng này chiếm khoảng 50% GRDP, trong đó DN tư nhân chiếm 12,21%, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Phát triển KTTN góp phân nâng cao năng suất lao động trên địa bàn tỉnh là một trong những động lực quan trọng để huy động vốn đầu tư phát triển của toàn xã hội.

Đến nay, DN tư nhân và hộ kinh doanh đóng góp khoảng 30% tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, trong đó vốn của tổ chức, DN chiếm 17,6%.

Song song đó, các hội, hiệp hội đại diện và bảo vệ quyền lợi của DN được quan tâm, tạo điều kiện hình thành và hoạt động.

Tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong DN tư nhân được chú ý, nhiều DN có tổ chức đảng, công đoàn và đoàn thanh niên, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi ích hợp pháp của DN và người lao động.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của khu vực KTTN đa số là hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; vốn đầu tư ít, vốn đăng ký bình quân một DN 2,85 tỷ đồng nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp.

Trình độ công nghệ và tay nghề của công nhân chưa cao; máy móc, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường.

Năng lực quản trị của nhiều DN còn yếu, chưa quan tâm xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh dài hạn; thiếu liên kết với nhau và liên kết với các thành phần kinh tế khác.

Phần lớn hộ kinh doanh, DN tư nhân thiếu vốn sản xuất kinh doanh, khó đáp ứng các điều kiện để vay vốn, nhất là vay vốn ưu đãi và vốn trung, dài hạn của ngân hàng thương mại.

Sức canh tranh, khả năng thích ứng, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế và tuân thủ các quy định của pháp luật còn hạn chế, dẫn đến nhiều DN tư nhân phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

Tạo mọi điều kiện để KTTN phát triển

Khuyến khích và tạo môi trường điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN.
Khuyến khích và tạo môi trường điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN.

Theo chương trình hành động của Tỉnh ủy về “phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương.

Mục tiêu mà tỉnh đề ra là phát triển KTTN lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tạo điều kiện thuận lợi để KTTN đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh trên cơ sở đáp ứng chuẩn mực quản trị và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đóng góp ngày càng lớn trong GRDP trên địa bàn tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là phát triển nhiều DN có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, theo đó phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 4.200 DN hoạt động; năm 2030, có trên 7.500 DN hoạt động, trong đó DN tư nhân và hộ kinh doanh chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư và khoảng 50 - 60% GRDP trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, tỉnh tập trung tuyên truyền trong hệ thống chính trị, cộng đồng DN, người dân về chủ trương này.

Song song đó, sẽ phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo mọi điều kiện để giải phóng sức sản xuất trong dân, khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển KTTN.

Ngoài ra, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, trong đó thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo mô hình DN khi đủ điều kiện.

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ cả trong và ngoài nước.

Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao.

Mong rằng, với những mục tiêu và giải pháp căn cơ trên, trong thời gian tới đây KTTN của tỉnh sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016- 2025, phấn đấu mỗi năm có khoảng 300 DN mới, để đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 4.200 DN hoạt động; đến năm 2025, có trên 5.700 DN hoạt động. Giai đoạn 2026- 2030, mỗi năm có khoảng 360 DN mới, để đến năm 2030, có trên 7.500 DN hoạt động, trong đó có DN quy mô lớn. Đến năm 2030, DN tư nhân và hộ kinh doanh chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư và khoảng 50- 60% GRDP trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2016- 2020, năng suất lao động xã hội (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân hàng năm 7,5%. Bình quân hàng năm có khoảng 25- 30% DN trên địa bàn tỉnh có hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Bài, ảnh: BÙI THANH