Vĩnh Long tạo đột phá trong phát triển công nghiệp

Cập nhật, 05:15, Thứ Năm, 07/09/2017 (GMT+7)

Đứng trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Vĩnh Long đã và đang tập trung mọi nguồn lực phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp (CN) theo hướng hiện đại ở khu vực ĐBSCL.

Trong quy hoạch phát triển CN- tiểu thủ CN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Sở Công thương công bố, cho thấy sẽ phát triển CN với nhịp độ cao, trở thành động lực cho phát triển kinh tế.

Nhiều khu- tuyến công nghiệp được đầu tư nhà máy xử lý nước thải.
Nhiều khu- tuyến công nghiệp được đầu tư nhà máy xử lý nước thải.

Phát triển công nghiệp hướng hiện đại

Ông Lâm Thanh Vũ- Trưởng Phòng Quản lý CN (Sở Công thương) cho biết, theo định hướng đến năm 2030 tỉnh sẽ phát triển thêm 14 cụm công nghiệp, quy mô mỗi cụm tối đa 75ha.

Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp đầu tư vào cụm CN được nhiều chính sách ưu đãi.

Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm CN được miễn tiền thuê đất 7 năm; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm CN được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Đối với cụm CN làng nghề, nghị định cũng nêu rõ: dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ đối với cụm CN và của pháp luật liên quan. Trường hợp nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ thì áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất.

Ông Lâm Thanh Vũ cho biết: Bên cạnh một số ngành CN chế biến từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu các ngành nông nghiệp và thủy sản, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nông thôn, dựa vào điều kiện, lợi thế của tỉnh, Vĩnh Long sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, công nghệ tiên tiến.

Trong quy hoạch, cũng định hướng phát triển CN sẽ theo vùng, lãnh thổ. Khu vực 1 dọc sông Tiền và khu vực 2 dọc sông Hậu, tập trung với một số ngành chủ yếu như: khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, giày.

Đặc biệt, thu hút đầu tư phát triển một số ngành, sản phẩm CN hỗ trợ có cơ hội và điều kiện phát triển để tạo nền tảng và gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao lợi thế cạnh tranh, từng bước đưa CN phát triển hướng hiện đại.

“Các cụm CN này phát triển theo hướng cụm CN làng nghề, chuyên ngành và đa ngành.Ngoài ra sẽ thu hút CN công nghệ cao, đặc biệt chú trọng CN hỗ trợ. Đây là lĩnh vực rất cần thiết nhưng không riêng Vĩnh Long mà hiện rất nhiều tỉnh khác rất yếu.”- ông Lâm Thanh Vũ cho biết thêm.

Hỗ trợ “đặc biệt” thu hút đầu tư

Ngày 7/7/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định thí điểm chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Lâm Thanh Vũ cho rằng, nghị quyết này được xem là đột phá, một trong những chính sách có khả năng thu hút mạnh đầu tư về chính sách ưu đãi khi hỗ trợ 80% chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư, theo định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng ban hành theo từng thời điểm, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Riêng đối với các dự án không lập quy hoạch chi tiết xây dựng thì mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ 20% trên tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án, giá trị hỗ trợ được áp dụng theo khung giá do Nhà nước quy định và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn hiện hành nhưng không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Thời gian qua, tỉnh luôn xác định quy hoạch phải đi trước một bước để thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội 10 năm tới, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương, hạn chế lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách về đầu tư, đất đai, xây dựng còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ; ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng được kinh phí đầu tư hạ tầng cho phát triển các quy hoạch chất lượng chưa cao.

Trong đó, theo ông Lâm Thanh Vũ, khó khăn lớn nhất hiện vẫn là hệ thống giao thông, đường không đáp ứng tải trọng nên khó thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư.

Vì vậy, trong quy hoạch phát triển CN- tiểu thủ CN tỉnh đến năm 2020, ông cho biết Sở Công thương sẽ làm đầu mối phối hợp Sở Giao thông Vận tải huy động các nguồn vốn đầu tư để nâng cấp các tuyến đường đến khu- cụm CN; xây dựng các đầu mối giao thông trong hàng rào khu- cụm phù hợp quy hoạch phát triển từng thời kỳ.

Trong định hướng quy hoạch sẽ tập trung vào 4 nhóm ngành CN trọng điểm, mục tiêu giai đoạn 2016- 2020 phấn đấu giá trị sản xuất CN đạt tăng trưởng khoảng 13,75%/năm, dự kiến tỷ trọng CN trong cơ cấu kinh tế sẽ chiếm khoảng 22,7%; giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu tăng trưởng giá trị tăng thêm CN từ 10,8- 11,6%/năm, tập trung hoàn thiện hạ tầng khu- cụm CN, tạo các điều kiện thuận lợi và cần thiết thu hút phát triển CN; đến năm 2030, tỉnh sẽ có các ngành CN với quy mô, cơ cấu hợp lý, phát triển bền vững phù hợp với điều kiện, tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH