Góc nhìn

Động lực cho kinh tế tư nhân

Cập nhật, 08:39, Thứ Ba, 01/03/2016 (GMT+7)

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trích báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới cho biết, phí và thuế chiếm tới 40,8% trong số tổng lợi nhuận doanh nghiệp (DN) phải chi trả. Trong bối cảnh thuế thu nhập DN chính thức chỉ có 20%, thì mức chi phí trên là quá lớn.

Vì thế, muốn khuyến khích người dân bỏ tiền ra làm ăn, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Nhà nước phải đảm bảo môi trường kinh doanh không những thuận lợi, mà còn an toàn.

Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của DN trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của DN hiện nay. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực DN tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. DN Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của DN. Đó là chưa nói đến nạn phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính...

Bên cạnh đó, khu vực DN nhà nước- khu vực đang đóng góp tới 32,6% GDP- cần phải được tiếp tục cải cách nhanh hơn; phải được đặt vào môi trường cạnh tranh bình đẳng, thay vì hưởng các ưu đãi hiện nay, thì mới tạo thêm không gian sinh tồn và phát triển cho khu vực DN tư nhân.

Một chuyên gia cho rằng, nếu các rào cản chưa được dỡ bỏ, địa vị pháp lý còn chưa được củng cố, thì dù có xác định là “động lực” của nền kinh tế, khu vực DN tư nhân vẫn chỉ là bầu sữa bị khai thác.

LÝ AN