Cần thái độ tích cực về khởi nghiệp

Cập nhật, 15:46, Thứ Năm, 21/09/2017 (GMT+7)

 

Nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được ban hành.
Nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được ban hành.

Những người thất bại trong khởi nghiệp thường phải đối diện với những đánh giá tiêu cực, do đó xã hội cần có thái độ tích cực về khởi nghiệp, Chính phủ bao dung, thân thiện với doanh nghiệp (DN).

Đây là nguồn động viên, cổ vũ vô cùng lớn đối với những người còn đang ngập ngừng, chưa dám thực sự thử nghiệm đưa các ý tưởng kinh doanh vào thực tế.

Khởi nghiệp độ tuổi trẻ hóa

Khái niệm khởi nghiệp đã dần trở nên quen thuộc với nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh công cuộc cải cách thể chế đang được phát động, Chính phủ đã coi việc phục vụ cho người dân và DN là nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiều chính sách, luật và chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã và đang được xây dựng, ban hành; các DN khởi nghiệp sẽ có được môi trường thuận lợi để “bứt phá”. Với một thế hệ trẻ nhiệt huyết, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành miền đất nuôi dưỡng các đam mê, hoài bão, khát vọng làm giàu.

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức DN mà còn theo hình thức cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, hộ kinh doanh, trang trại hay cá nhân tự kinh doanh.

Năm 2015 có 94.754 DN đăng ký thành lập mới, 64% chủ DN có độ tuổi từ 30 trở lên, phần lớn chủ DN bắt đầu khởi nghiệp trong độ tuổi 30, đa phần chủ các DN đều có bằng đại học.

Phần lớn doanh nhân khởi nghiệp xuất thân từ khu vực tư nhân. Động lực khởi sự của DN khá đa dạng, có 26% đam mê làm điều mới mẻ, 31% tạo công ăn việc làm, 41% muốn độc lập tài chính, 56% muốn tự làm chủ, 13% xây dựng sự nghiệp cho thế hệ sau, 6% lý do khác...

Tuy vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế của VCCI: Trong cộng đồng DN khởi nghiệp, đại đa số các DN có quy mô lao động nhỏ bé (63% dưới 10 lao động, 30% từ 10- 49 lao động, chỉ có khoảng 7% có trên 50 lao động); trong đó hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn (40% có lời chút ít, 19% hòa vốn, 32% thua lỗ chút ít, 5% thua lỗ lớn);…

Đã từng trải nghiệm khởi nghiệp nhưng cũng bao phen thất bại- ông Nguyễn Thanh Duy- Giám đốc Công ty HD Group- cho rằng từ ý tưởng đến thực tế lắm gian nan, ý tưởng kinh doanh tốt nhưng bước vào thực tế không thuận lợi.

Để khởi nghiệp thành công, ông cho rằng DN cần xem trọng vai trò quản trị nhân sự, biết cách giới thiệu các ý tưởng, sự dìu dắt của những DN đi trước đối với thế hệ DN đi sau, từ đó góp phần tạo nên một “hệ sinh thái” khởi nghiệp bền vững.

Hiểu đúng về khởi nghiệp

Không ít người mới bắt đầu khởi nghiệp sợ bị ăn cắp ý tưởng trong quá trình kinh doanh. Tuy vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, thành công đến từ nhiều yếu tố và ý tưởng chỉ là một trong số đó.

Ông Lê Duy Bình- Giám đốc Công ty Tư vấn Economica- cho rằng muốn khởi nghiệp thành công phải chiến thắng được nỗi sợ hãi của bản thân. Các bạn trẻ có tâm thái tìm một DN, đơn vị nào đó để làm thuê, để người ta nuôi mình; thay vì tìm một công việc để kinh doanh, có thể nuôi mình và nuôi người khác.

Cần xã hội có thái độ tích cực về khởi nghiệp.
Cần xã hội có thái độ tích cực về khởi nghiệp.

Ở góc nhìn bao quát hơn, ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra hạn chế khởi nghiệp từ nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nổi lên là nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa hiểu đúng và giá trị của khởi nghiệp; ở nhiều địa phương, chính quyền vẫn chưa tích cực tạo ra cơ chế, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp.

Ngoài ra, hầu hết các DN khởi nghiệp đều gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng; ở vùng nông thôn- gặp khó khăn trong hoạt động do hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, khó đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước; nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu tính thiết thực;…

Phải hiểu đúng về khởi nghiệp và giá trị của khởi nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đối tượng và mục tiêu của các chương trình và chính sách khởi nghiệp nhằm tạo tiền đề để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Thực tế, những người thất bại thường phải đối diện với những đánh giá tiêu cực, do đó ông Tuấn cũng cho rằng, cần xã hội có thái độ tích cực về khởi nghiệp, Chính phủ bao dung, thân thiện với DN và hành động vì DN.

Đây là nguồn động viên, cổ vũ vô cùng lớn đối với những người còn đang ngập ngừng, chưa dám thực sự thử nghiệm đưa các ý tưởng kinh doanh vào thực tế.

 

VCCI đã thực hiện nghiên cứu về khởi nghiệp tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng đề án khởi nghiệp hoàn thành mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL nhằm liên kết các địa phương, các đơn vị để tạo nên sức mạnh tổng thể hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

 
  • Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG