Nhập nhằng nguồn gốc trái cây

Cập nhật, 04:52, Thứ Sáu, 04/08/2017 (GMT+7)

Khi người tiêu dùng dần né trái cây Trung Quốc (TQ) thì nó lại được gắn mác là trái cây ngoại từ Mỹ, Úc, Thái Lan... Rồi khi người tiêu dùng chuyển sang ưu tiên dùng trái cây Việt Nam thì trái cây TQ lại được chuyển mác thành trái cây đặc sản vùng miền từ Sa Pa, Hà Nội, Ninh Thuận...

Người tiêu dùng cứ phải chịu cảnh mập mờ, luẩn quẩn bởi hàng tây- hàng ta- hàng tàu.

Tại các chợ, vẫn còn mập mờ nguồn gốc trái cây nội- trái cây ngoại.
Tại các chợ, vẫn còn mập mờ nguồn gốc trái cây nội- trái cây ngoại.

Trái cây TQ thay nhau đội lốt

Từ nhiều thông tin cảnh báo chất lượng không đảm bảo thậm chí gây hại cho sức khỏe của nhiều loại trái cây TQ, nên nhiều người đã có xu hướng chuyển sang dùng trái cây ngoại cho an tâm hơn.

Song cũng chính từ tâm lý sính ngoại, với vẻ ngoài đẹp mắt, lâu hư nên nhiều loại trái cây TQ đã được tiểu thương “hô biến” gắn mác thành trái cây ngoại nhập để bán có giá hơn, nào là táo New Zeland, táo Úc, nho Mỹ...

Và nếu như ở các chợ thành thị, người tiêu dùng có thể nhận biết dễ hơn đâu là hàng made in China đâu là hàng ngoại thì ở nhiều chợ nông thôn, người tiêu dùng vẫn dễ bị đánh lừa.

Một số tiểu thương ở chợ nông thôn còn khẳng định chắc nịch về nguồn gốc trái cây mình đang bán “bảo đảm hàng ngoại”, ngon, rẻ. Đáng chú ý là, sau khi giới thiệu trái cây xuất xứ từ những nơi khác- trừ TQ, người tiêu dùng chấp nhận mua giá cao vì cho rằng an toàn hơn.

Trong vai người mua, ghé một quầy trái cây tại chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) hỏi tiểu thương mua nho để đem tặng, thì chị tiểu thương nhanh tay cầm chùm nho trái to, vỏ đốm trắng giới thiệu: “Nho Mỹ nè em, ngon lắm, có 60.000 đ/kg, tặng là bao sang luôn!”

Khi tôi tỏ vẻ nghi ngờ là nho TQ thì chị này gạt ngang, tỏ thái độ khó chịu. Tại một quầy hàng khác ở gần chợ thị trấn Long Hồ, tiểu thương cũng giới thiệu táo đựng trong bọc xốp rất ngon giòn, chưng được lâu nhưng khi được hỏi nguồn gốc thì cô này lảng tránh câu trả lời.

Chưa hết, khi người tiêu dùng trở nên lo lắng về nguồn gốc của trái cây ngoại, chuyển sang dùng trái cây nội thì trái cây TQ lại một lần nữa được đội lốt “trái cây đặc sản Việt Nam”.

Theo một tiểu thương bán trái cây lâu năm chợ Vĩnh Long, bây giờ người tiêu dùng rất sợ các mặt hàng kém chất lượng, mà thời gian qua, hàng TQ luôn bị phát hiện kém chất lượng, nhiễm độc.

Do đó, tiểu thương phải nói là hàng ngoại hoặc hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được. Thực tế, các loại trái cây TQ giá nhập vào rất rẻ nhưng khi gắn mác Việt Nam hay hàng ngoại nhập khác, sẽ bán với giá cao hơn gấp 2- 3 lần.

Điều đáng nói là tình trạng lừa người tiêu dùng này xảy ra rất nhiều ở các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc được với hàng chất lượng, chỉ có thể tin vào lời giới thiệu của tiểu thương “cái này là của Tây, bảo đảm”.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng dẫu biết “tiền nào của nấy”, biết trái cây TQ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, song so với nhiều loại trái cây ngoại hay trái cây Việt Nam thì trái cây TQ có giá rẻ hơn nên đành nhắm mắt mua đại với suy nghĩ “lâu lâu ăn chắc hổng sao?!”

Cẩn trọng khi chọn lựa

Trái cây ở siêu thị được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Trái cây ở siêu thị được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây ngoại đến từ Mỹ, Úc,… có loại giá rất cao. Song, nhiều người tiêu dùng cho biết rất băn khoăn khi chọn trái cây và nếu theo lời tiểu thương thì có bao nhiêu phần trăm lượng trái cây bán đúng nguồn gốc, nhất là khi trái cây TQ thay phiên nhau đội lốt “tây- ta”.

Tại chợ, trái cây TQ vẫn được bày bán nhiều, nhất là táo, lê, nho... Nhiều người bán hàng cho biết trái cây TQ mặt dù bán chậm nhưng vẫn còn đất sống do giá rẻ, tươi lâu, nhiều người tiêu dùng mua để tặng chứ không dám ăn hoặc đáng sợ hơn là “trái cây TQ bán nhiều cho các nhà hàng, quán karaoke... do những chỗ này cần nguồn hàng giá rẻ, trái cây ở những chỗ này thường được gọt vỏ sẵn nên khó phân biệt”.

Không phải quá khó để nhận biết được đâu là hàng tây- hàng ta- hàng tàu. Song do hàng TQ thường có mẫu mã đẹp, giữ được lâu, giá rẻ nên không ít người tiêu dùng vẫn mua dùng.

Đồng thời, tâm lý “hàng nào cũng được miễn không phải hàng TQ” nhưng không biết cách phân biệt mà chỉ tin vào lời tiểu thương, nên nhiều người tiêu dùng dễ bị dẫn dụ.

Việc trái cây nói riêng hay nông sản TQ nói chung đang gắn mác hàng Việt Nam hoặc hàng ngoại không chỉ khiến nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và uy tín của nhiều mặt hàng trái cây lẫn nông sản trong nước.

Do đó, bên cạnh việc ngành chức năng tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các loại thực phẩm thì người tiêu dùng nên chọn mua tại những cửa hàng, siêu thị uy tín. Hãy tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, biết phân biệt và nhận diện giữa hàng “tốt gỗ” hay “chỉ tốt nước sơn” để lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN