Lo nguồn lao động hội nhập

Cập nhật, 06:51, Thứ Ba, 29/12/2015 (GMT+7)

Vấn đề cạnh tranh nguồn lao động (LĐ) được dự báo sẽ trở nên gay gắt khi Việt Nam mở cửa hội nhập, nhất là các ngành sử dụng nhiều LĐ, đòi hỏi chuyên môn cao. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) một mặt đòi hỏi LĐ phải đáp ứng được nhu cầu mình, mặt khác cũng phải lo giữ chân LĐ bằng các chính sách lương bổng, điều kiện làm việc tốt hơn.

Trong hoạt động của một số DN đã có “yếu tố nước ngoài”, đòi hỏi LĐ phải giỏi tiếng Anh, thích nghi môi trường làm việc đa văn hóa.
Trong hoạt động của một số DN đã có “yếu tố nước ngoài”, đòi hỏi LĐ phải giỏi tiếng Anh, thích nghi môi trường làm việc đa văn hóa.

Lo thiếu lao động từ chuyên môn đến phổ thông

Giám đốc một công ty xây dựng ở TP Vĩnh Long cho biết khó khăn hiện nay của DN là thiếu LĐ có chuyên môn xây dựng. Trước nay, ngành xây dựng (công trình nhà dân dụng) thường tận dụng lực lượng chính là nông dân tại địa phương, chủ yếu nghề dạy nghề, từ phụ hồ lên thợ ép rồi trở thành thợ chính. Lực lượng thợ xây dựng qua đào tạo tại các trường nghề không thiếu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Vị giám đốc này kể, vừa qua nhận 10 học viên của một trường dạy nghề nhưng chưa có kinh nghiệm lại không đáp ứng được yêu cầu về thời gian, tiến độ, khối lượng công việc, nhưng đã “đòi” lương thợ và đứng xây chính. Vì DN không đáp ứng được, nên sau 2 tháng làm việc cả nhóm đã bỏ đi. Thường thì LĐ xây dựng muốn lên thợ chính phải có quá trình làm việc từ thấp đến cao để tích lũy kinh nghiệm.

Anh Bảo Quốc- quản lý một công trình giao thông khá quy mô ở Vĩnh Long- cũng cho biết, hiện nguồn LĐ cầu đường được các trường CĐ, ĐH đào tạo rất nhiều, nhưng kiếm người “đứng” được công trình không dễ. Bởi theo anh Quốc, ngoài bằng cấp cần phải có kinh nghiệm ít nhất 3 năm.

DN luôn ưu tiên những ứng viên làm việc nhiều vị trí, công ty, công trình khác nhau vì họ có điều kiện cọ xát thực tế nhiều hơn. Vì đặc thù công trình giao thông có nhiều đơn vị thi công, phải có người đủ kinh nghiệm để theo sát quá trình thi công đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng…

Trong khi những DN sử dụng LĐ có chuyên môn đã lo thu hút, giữ chân “người của mình”, thì các DN sử dụng nhiều LĐ như ngành dệt may dự báo nguồn LĐ sẽ phải cạnh tranh gay gắt. Ngay cả phạm vi nhỏ như Vĩnh Long cũng đã “đứng ngồi không yên”, khi hàng loạt dự án đã và đang đầu tư vào tỉnh, dự kiến sử dụng hàng chục ngàn LĐ.

Công ty TNHH Tỷ Xuân đến nay là DN sử dụng nhiều LĐ nhất tỉnh, với hơn 18.000 công nhân viên. Một số DN dệt may khác như Vĩnh Tiến, Khang Thịnh, Boshing, Neobags,… cũng có từ 1.200- 2.000 LĐ/DN. Mới đây, vào tháng 9/2015, Công ty TNHH 1TV Thành Công- Vĩnh Long đã đưa dự án đi vào hoạt động, thu 1.400 LĐ.

Dự kiến trong tháng 2/2016, dự án sản xuất và gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH May Mặc Leader (Việt Nam) đi vào hoạt động giai đoạn 1 sẽ cần nguồn LĐ lớn…

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Thành Công- Vĩnh Long, tới đây khó khăn nhất của dệt may vẫn là cạnh tranh về LĐ: công nhân lành nghề, đội ngũ kỹ thuật và đội ngũ lãnh đạo các cấp trên thị trường Việt Nam do các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư mạnh vào Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Điều này được dự báo gây biến động lớn về LĐ trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dệt may. Vì thế, ông cho rằng: “DN nào muốn cạnh tranh để tồn tại được thì phải chuẩn bị cho việc cạnh tranh thông qua chính sách lương thưởng, điều kiện làm việc tốt và chế độ phúc lợi chăm lo cho người LĐ của đơn vị mình”.

Cạnh tranh để tồn tại

Nhiều DN khẳng định cạnh tranh nguồn LĐ không chỉ cơ hội để DN đổi mới công nghệ, trang thiết bị, nâng cao năng lực quản lý đội ngũ CB-CNV, mà người LĐ cũng được hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn về việc làm, thu nhập.

Trong lĩnh vực cơ khí, thợ lành nghề là yếu tố rất quan trọng đem lại lợi nhuận, tiết kiệm chi phí cho DN, bởi theo ông Huỳnh Dân Tâm- Giám đốc DNTN Tâm Hữu Tín, trong kinh doanh có những mặt hàng giá không lên mà còn giảm xuống, nên thợ giỏi tiện chính xác, nhanh lẹ, không hao hụt vật tư, ít hao điện và phải luôn đạt tiến đội thời gian.

Theo ông Tâm, hiện nay sự cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm và cả cạnh tranh LĐ trong ngành rất lớn. Nhiều DN chèo kéo thợ giỏi với mức lương cao hơn, nên DN phải tạo cuộc sống tốt, tạo sự gắn bó với người LĐ, đồng thời, cơ chế của DN là “quản lý nhân viên uyển chuyển, lương công khai, làm giỏi thì lương cao. Lương nhân công 3 tháng lên 1 lần, năng lực sản xuất thực tế của người LĐ.

Hiện thợ giỏi có lương tùy thuộc tay nghề, cao nhất 350.000 đ/ngày, hỗ trợ cơm trưa. Thợ làm 10 năm, nhưng tay nghề không tới thì lương vẫn thấp hơn thợ vào nghề vài ba năm nhưng tay nghề cao”.

“Trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngày nay, DN quan tâm nhiều yếu tố, nhưng phải đặt trọng tâm vào người LĐ, xây dựng mối quan hệ giữa người LĐ và người sử dụng LĐ. Vì DN tồn tại phải có con người”- ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến- khẳng định như vậy.

Lao động ngành dệt may dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.
Lao động ngành dệt may dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.

Và để tạo được sự tin tưởng nơi người LĐ với DN, ông cho rằng, phải quan tâm thỏa mãn vấn đề “3T”. Đó là: Thu nhập- lương, thưởng, chính sách với người LĐ; Thân thiện- tạo môi trường, đảm bảo điều kiện làm việc, xây dựng văn hóa DN; Tuân thủ pháp luật- DN phải tuân thủ tốt pháp luật để người LĐ yên tâm gắn bó với mình.

Ông Đặng Quang Tấn- Phó Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh- từng chia sẻ rằng lực lượng LĐ của Vĩnh Long hiện nay đã hình thành tác phong công nghiệp rất rõ nét. Năng suất LĐ không ngừng tăng đã góp phần giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh đạt và vượt kế hoạch năm.

Theo yêu cầu hiện nay, nhiều DN cho rằng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế do các trường ĐH, CĐ, dạy nghề đào tạo nghề và DN- sử dụng LĐ chưa gặp nhau. Dạy nghề chưa theo yêu cầu, địa chỉ của DN nên DN phải đào tạo lại theo công nghệ của mình, nên cần có sự liên kết chặt chẽ hơn.

Ở một góc nhìn khác, giám đốc một DN xuất khẩu “triệu đô” đã thẳng thắn: “Chúng tôi không sợ người bắt đầu dở, chỉ sợ người không tâm huyết trong công việc”.

Và quản lý nhân sự một DN đầu tư nước ngoài (FDI) cũng khuyên người LĐ muốn vào làm việc trong các DN FDI phải thể hiện được sự hứng thú, cầu tiến trong công việc, vị trí ứng cử. Đừng quan tâm lương bổng cao thấp, mà hãy coi trọng chất lượng công ty, có giúp mình phát triển chuyên môn, sự nghiệp hay không.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC