Góc nhìn

Vẫn khó thu hút FDI

Cập nhật, 15:01, Thứ Ba, 21/10/2014 (GMT+7)

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của ĐBSCL vẫn rất thấp. Theo VCCI Cần Thơ, hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL tuy đã được đầu tư hoàn chỉnh nhưng năng lực phục vụ chưa cao. Vị trí xa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khoảng cách đến các cảng biển rất dài mất nhiều thời gian cũng là nguyên nhân khiến thu hút đầu tư còn khó khăn.

BCĐ Tây Nam Bộ cho biết đến nay toàn vùng đã thu hút trên 1.600 dự án FDI với trên 416.000 tỷ đồng, 836 dự án nước ngoài với số vốn 11,8 tỷ USD. Hiện các tỉnh đang mời gọi đầu tư thực hiện 178 dự án trọng điểm với 171.000 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy kết quả thu hút vốn FDI khá tốt, nhưng vốn đầu tư thực hiện chưa cao. Nguyên nhân chính vẫn là bồi thường giải phóng mặt bằng còn kéo dài, một số dự án FDI đầu tư quy mô lớn nên phân kỳ đầu tư kéo dài đến hơn 10 năm. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư FDI giữa các lĩnh vực không đồng đều, tạo chênh lệch và mất cân đối lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của từng địa phương. Mặt khác, vẫn còn tâm lý chạy theo số lượng nên một vài địa phương thiếu sự sàng lọc những dự án FDI thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường.

Tại Vĩnh Long, mặc dù đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhưng 9 tháng của năm 2014 vẫn chưa thu hút được dự án FDI có quy mô lớn, làm “đầu tàu” thúc đẩy phát triển. Một trong những “nút thắt” đó là kết cầu hạ tầng kỹ thuật- xã hội thiếu đồng bộ chưa theo kịp yêu cầu của nhà đầu tư.

Dù vẫn nhiều khó khăn, nhưng sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật đến ĐBSCL gần đây là tín hiệu đáng mừng. Điều nhà đầu tư Nhật kỳ vọng là các tỉnh cần xác định những trọng tâm cần thu hút FDI, với danh mục dự án thể hiện đầy đủ thông tin. Đồng thời, đòi hỏi sự cam kết nhất quán trong điều hành của lãnh đạo địa phương.

LÝ AN