Nhãn: Chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ

Cập nhật, 13:15, Thứ Ba, 30/09/2014 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho nhãn, vải của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua phương pháp chiếu xạ. Theo ông Hoàng Trung- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện Cục BVTV đang phối hợp với các địa phương kiểm tra, cấp mã số và chuyển danh sách các mã số cho phía Bộ Nông nghiệp Mỹ để có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Cơ hội cho trái cây đặc sản


Theo Tiến sĩ Võ Mai, nhãn xuồng rất có tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu.

Quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép cho nhãn, vải của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ có hiệu lực từ ngày 6/10 tới. Dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn. Đây là cơ hội lớn cho trái cây đặc sản Việt Nam, nhất là trái nhãn của ĐBSCL, tiếp bước thanh long và chôm chôm bước vào thị trường được cho là khó tính này.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, với thị trường Mỹ, lợi thế của ta là các mặt hàng nông sản rất được ưa chuộng. Do đó khả năng tăng trưởng xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa.

Trong số 2 loại trái cây được nhập khẩu vào thị trường Mỹ thời gian tới, vải thiều tập trung ở phía Bắc, còn nhãn nằm trong số 12 loại quả chủ lực của Nam Bộ đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT quy hoạch phát triển đến năm 2020. Từ thị trường Mỹ mở cửa, trái cây được kỳ vọng mở rộng được thêm nhiều thị trường và xuất khẩu thêm nhiều chủng loại.

Ông Hoàng Trung- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật:

Hiện bệnh chổi rồng trên nhãn đang gây thiệt hại lớn cho các hộ trồng nhãn. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành chức năng đang tích cực xác định nguyên nhân, nhanh chóng tìm ra giải pháp quản lý tốt bệnh này để không làm ảnh hưởng sản lượng, thu nhập của người nông dân. Đồng thời, sớm đưa ra quy trình, giải pháp quản lý hiệu quả nhất hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng.

Nhãn, vải có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ là một niềm vui mới cho loại trái cây đặc sản của Việt Nam, nhưng cũng là thách thức lớn. Bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định rõ: nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh- an toàn thực phẩm như: phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục BVTV theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh, trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng, mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan Việt Nam và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ... mới được phép xuất khẩu vào Mỹ.

Đặc biệt, các loại nông sản cũng phải chịu các quy định ngặt nghèo liên quan đến dư lượng thuốc BVTV. Đây là một trong những quy định rất ngặt nghèo nhất của Mỹ đặt ra đối với các hàng hóa nông sản của các nước vào thị trường này.

Hơn nữa, trái cây nói riêng và  nông sản nói chung muốn vào thị trường Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, vào Châu Âu phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện ở Việt Nam, diện tích cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP chưa nhiều và nông dân chưa có nhận thức đầy đủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Để có thể phát huy tối đa cơ hội khi các thị trường lớn mở cửa cần có sự liên kết phối hợp  chặt chẽ giữa 4 nhà. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quản lý, ngoài việc hỗ trợ nông dân làm VietGAP, GlobalGAP cần có định hướng cho doanh nghiệp không để xuất khẩu cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật thị trường…

Cấp mã số vùng sản xuất trái cây

Theo ông Hoàng Trung, việc cấp mã số vùng trồng các loại trái cây để phù hợp với các hệ thống, phần mềm kiểm tra và truy xuất nguồn gốc tại Mỹ được Cục BVTV chỉ đạo các địa phương tiến hành song song với nghiên cứu thống nhất bản đồ chiếu xạ.

Hiện tại, các địa phương sẽ kiểm tra và xem xét cấp mã số cho các vùng đang trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGap ở các tỉnh khu vực phía Nam. Diện tích trồng tối thiểu 10ha trở lên được cấp một mã số vùng trồng, trong trường hợp không đủ diện tích thì khuyến khích người nông dân liên kết với nhau.

Thanh long chuẩn bị xuất khẩu trải qua quá trình tuyển chọn, chiếu xạ chống ký sinh trùng.

Theo ông Trung, diện tích, sản lượng nhãn, vải, chôm chôm hiện có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt là vùng trồng nhãn cả hai miền Nam- Bắc có tới trên 60.000ha. Tất nhiên với điều kiện phải đáp ứng đầy đủ các quy định theo yêu cầu kỹ thuật kiểm dịch BVTV phía Mỹ đưa ra.

Để làm được điều đó, “Cục BVTV đang tích cực cùng địa phương và các doanh nghiệp tập trung hoàn thiện theo yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu để có thể đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ xuất đợt nhãn trái vụ đầu tiên sang Mỹ”- ông Hoàng Trung nói.

Theo số liệu Cục BVTV, Việt Nam xuất chôm chôm qua Mỹ khoảng 300 tấn/năm. Để tăng sản lượng xuất khẩu, về phía các cơ quan chức năng trong nước và Cục BVTV đã hướng dẫn tương đối đầy đủ theo quy trình phía Mỹ đưa ra.

Với trái chôm chôm hay các loại trái cây khác như thanh long muốn tăng sản lượng xuất vào thị trường này, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp và tăng cường ký kết hợp đồng với phía Mỹ.

Đồng thời phối hợp với đại diện thương mại của nước ta tại Mỹ tăng cường quảng bá hình ảnh sản phẩm trái tươi nhiệt đới, đảm bảo chất lượng tốt. Thêm nữa là cần có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các loại quả đã được Mỹ cho phép.

 Tiến sĩ Võ Mai- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: Tôi tiếp xúc thị trường Úc, họ sẵn sàng nhập chôm chôm và nhãn thời gian tới cũng sẽ nhập. Tôi từng tham gia một hội chợ quốc tế về rau quả có báo cáo cho thấy thị hiếu của người tiêu dùng đang dần thay đổi, nhất là những nước giàu, như thị trường Úc giá cả không quan trọng, họ quan tâm nhất là phải đẹp, hấp dẫn và thuận tiện khi ăn. Chẳng hạn chôm chôm bốc hết vỏ bỏ vào hộp, ăn ngay, nên thị trường của trái cây này rất có tiềm năng. Một trái nhãn xuồng to gấp đôi nhãn thường, người ta rất khoái. Theo tôi, nhãn xuồng vẫn có thể phát triển thị trường cao cấp. Người ta không quan tâm giống nhãn gì, mà quan trọng là ngon, đẹp, thuận tiện khi ăn. Nên chúng ta yên tâm phát triển nhãn, nhất là cần nghiên cứu, tạo giống mới kháng được bệnh.


Bài, ảnh: LÝ AN