Gồng mình trong bão giá

Cập nhật, 11:00, Thứ Ba, 25/12/2012 (GMT+7)

Giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp và dân nghèo ngày càng “thắt lưng buộc bụng”. Gánh nặng mưu sinh đang oằn trên vai, họ cố gắng lao động để nuôi sống gia đình và mong giá cả cuối năm bình ổn.


“Bão giá” tác động mạnh đến người dân nghèo và thu nhập thấp.

Chật vật cơm áo gạo tiền

Chợ đêm TP Vĩnh Long chiều cuối tuần có khá đông người đi dạo, mua sắm. Bên xe nước ép trái cây, Mai Trinh (công nhân Công ty CP May Vĩnh Tiến) chia sẻ: “Chợ đông, hy vọng bán nước được nhiều hơn. Em ráng làm thêm có tiền lo cho con, cho cha mẹ”.

Ban ngày, Trinh làm công nhân may. Tan ca, vội vàng đẩy xe nước ra ngã tư đường Trưng Nữ Vương và Nguyễn Đình Chiểu bán. Lấy chồng sớm, rồi hạnh phúc cũng vội tan, Trinh vừa lo cho con ăn học, vừa lo cho cha mẹ già.

Cha em sau cơn tai biến, sức khỏe yếu, ngày ngày phải uống thuốc: “Lương công nhân tháng ngoài 2 triệu, tăng ca thì thêm chút đỉnh. Nhờ tiền nước ngày được hơn trăm ngàn, em mới đủ trang trải chi phí cho gia đình đó. Em mần riết cũng quen, bữa nào mưa quá nghỉ bán, em sợ hụt chi tiêu”.
 
Rồi em trải lòng, con gái học lớp 1 nhưng cũng biết tiết kiệm, ngày nào cũng bỏ ống heo 1 ngàn. Tiền bán nước, em cất 20 ngàn để dành đóng điện nước. Phần còn lại em đưa mẹ lo cơm nước và để “bổ đồ” trái cây, đường, sữa cho em bán.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng mất đã lâu, một mình nuôi 3 con đi học với đồng lương giúp việc nhà từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng, cô Trần Thị Xuân Lan (Khóm 1, Phường 5- TP Vĩnh Long) phải chi xài nhín nhút từng chút một.

Tuổi ngoài 50 nhưng cô không từ nan bất cứ việc nào miễn có ai thuê. Con gái lớn sau khi tốt nghiệp đại học đã tìm được việc làm tại TP Hồ Chí Minh. Lương sinh viên mới ra trường, em phải gói ghém chi tiêu song mỗi tháng em gởi về “phụ hợ” mẹ nuôi em.

Cô Lan nhẩm tính: Tiền 2 đứa con đi học khoảng 600.000 đ/tháng (20.000 đ/ngày), tiền chợ khoảng 600.000 đ/tháng, tiền điện nước khoảng 200.000 đ/tháng nữa, chưa kể tiền học thêm, đau ốm… “Tháng nào đủ là mừng, tháng nào phải chi vượt khung như đóng học phí chẳng hạn là hụt tiền, mấy mẹ con phải ăn cực hơn, có khi chỉ còn rau với nước tương”.

Vợ chồng anh Sang và chị Hợp (Thạnh Quới- Long Hồ) khá chật vật bởi anh làm phụ hồ, chị làm công nhân khu công nghiệp, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập đó để trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi 2 con đi học và mẹ già bị bệnh ung thư phải tái khám định kỳ. Anh tâm sự: Mẹ khám bệnh có BHYT thanh gần hết mà cũng còn nặng lo dữ lắm.

Hơn nữa, cuộc sống bây giờ khó khăn quá. Lúc trước ở vườn còn kiếm được con cá, cọng rau chớ bây giờ mỗi thứ đều phải mua, trong khi giá lại ở mức cao nên dù vợ chồng đều làm ra tiền nhiều hơn trước đây mà vẫn thiếu!”

Cắt giảm chi tiêu

“Ngày trước cuối tuần, tôi thường nấu bò kho, lẩu, cháo gà, cánh gà chiên,… bồi dưỡng cho cả nhà. Còn bây giờ, lâu lâu mới nấu món các con thích. Ngay bữa ăn hàng ngày cũng phải tính, kho thịt phải thêm đậu hủ hoặc củ cải cho đỡ hao. Chế biến nhiều món rau xanh ăn hơn”- chị Mỹ Phương (công nhân viên) chia sẻ.

“Chủ trương” của các bà nội trợ bây giờ là cắt giảm chi tiêu ngay từ bữa ăn hàng ngày. Chẳng hạn, “mua ít, ăn bớt” những loại thực phẩm có giá cao như thịt bò, hải sản… thay vào đó là đậu, rau củ...

Chị Thanh Hồng (Phường 8- TP Vĩnh Long) kể: “Mấy chị em tôi có gia đình ra riêng nhưng cũng ở sát nhà ba má. Trước đây, mạnh nhà ai người nấy đi chợ nấu cơm, ngày nào cũng dư, giờ má tôi bảo cả nhà hùn lại ăn chung vừa vui vừa đỡ tốn kém”.


Công nhân phải tính toán tiết kiệm từng bữa ăn với mớ rau, con cá nào giá rẻ hơn.

Giá tăng không chỉ tác động trực tiếp đến dân nghèo mà còn ảnh hưởng đến nhiều thành phần lao động khác. Trần Kiều N.- nhân viên tín dụng ngân hàng nói: “Tình hình kinh tế khó khăn kéo dài dẫn đến việc làm ăn ngày càng gặp khó, nợ xấu chất chồng...
 
Bởi vậy, năm rồi lễ lộc gì cũng có thưởng, năm nay thì “hẻo” lắm. Lễ lớn còn thưởng chút ít chớ lễ nhỏ thì coi như ngày thường. Đã vậy, giá cả chi xài tăng quá, chỉ tính những thứ thiết yếu thôi như ăn uống, tiền xăng, điện thoại… cũng tốn 100.000 đ/ngày như chơi. Tiền lương khoảng 6 triệu đồng/tháng chỉ đủ chi xài thiết yếu, đám tiệc… nên phải tiết kiệm hơn”.

Với “chỉ tiêu” 70.000 đ/ngày để đi chợ, chị Hồng Nhung (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Vợ chồng tui ăn sáng ở nhà, bữa ăn thanh đạm hơn nhường thịt cá cho con vì còn phải ưu tiên chi vào các khoản học phí,
tiền sữa…”.

Cuối năm là thời điểm “nhạy cảm” bởi nhiều mặt hàng thường tăng giá nên nhiều người cho rằng, không dám mong giá cả hạ nhiệt, chỉ mong giá cả bình ổn để có thể lo cái tết bình dân, ấm áp.

Bài, ảnh: SONG ANH