Mở rộng thị trường về nông thôn

Cập nhật, 06:14, Thứ Sáu, 30/11/2012 (GMT+7)

Thời điểm này- khi một số doanh nghiệp đang ngắc ngoải bởi lượng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm… thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở nhỏ đẩy mạnh khai thác thị trường nông thôn bằng cách tham gia các hội chợ nông nghiệp, thương mại… quy mô nhỏ. Ở đó, họ có những cách riêng để tạo sự chú ý đối với người tiêu dùng (NTD), nâng doanh số bán ra.


Hàng gia dụng với nhiều ưu đãi tạo được sự chú ý của NTD.

Một cách nắm bắt nhu cầu thị trường

Chị Thu Thùy có một cơ sở sản xuất quần áo may mặc ở TP Hồ Chí Minh quyết định tham gia hội chợ với mong muốn được giới thiệu sản phẩm đến NTD nông thôn, mở rộng thị trường thay vì chỉ bỏ mối cho những cơ sở nhỏ lẻ khác.

Những lần tham gia hội chợ, Công ty TNHH Phân bón Tư Thạch (An Phước- Mang Thít) thường mang đến sản phẩm mới và tư vấn cách sử dụng sản phẩm phù hợp. Anh Châu Văn Chiến- nhân viên công ty cho biết: Những kiến thức thực tế và những sản phẩm mới chất lượng sẽ tạo sự chú ý, giúp sử dụng hiệu quả. Từ đó sẽ nâng cao uy tín của công ty”.

Tại Hội chợ Thương mại, giống và vật tư nông nghiệp Vũng Liêm 2012, chị Trần Thị Thanh Thảo- chủ quầy bán hàng gia dụng cho biết: “Thời buổi khó khăn, mình là cơ sở nhỏ phải chủ động tìm đầu ra, nắm bắt thị hiếu, không thể ngồi một chỗ chờ NTD tìm đến được. Bởi vậy, tham gia hội chợ tuy giá bán rẻ hơn vài ngàn đồng/sản phẩm nhưng bù lại bán được nhiều hơn.

Còn anh Đặng Thanh Trung- chủ cơ sở cây giống Mười Tùng ở Hòa Ninh (Long Hồ) chia sẻ: “Không chỉ bán chạy mà tham gia hội chợ còn là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn. Thời buổi thị trường, nông dân cũng linh động để có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý”.

Xâm nhập sâu hơn thị trường nông thôn, nhãn hàng Biti’s (Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên) cũng góp mặt tại các hội chợ quy mô nhỏ.

Anh Phan Văn Tý- Trưởng khu vực Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho biết: Thời gian gần đây, Biti’s tham gia nhiều hội chợ đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa vì “Biti’s là nhãn hàng quen thuộc, được ưa chuộng. Mặt khác, hiện mẫu mã cũng đa dạng hơn trước, giá cả lại khá bình dân nên phù hợp với NTD nông thôn”. Anh Tý cho biết thêm, nhờ vậy mà có thêm kênh phân phối và doanh thu tăng hơn trước.

Là người chuyên bán quần áo theo các hội chợ, cô Nguyễn Thị Mỹ quê TP Cà Mau (Cà Mau) vui vẻ: “Tui chuyên theo hội chợ vì về nông thôn bán đắt hơn”. Cô cho biết thêm, đã tham gia khoảng 6 hội chợ nông thôn ở Vĩnh Long và “bán được nên lần này mới về nữa”. Trừ các chi phí, mỗi hội chợ bán được từ 10 triệu đồng trở lên sẽ có lời. Nhờ vậy, từ số vốn ban đầu chừng 30 triệu đồng, hiện đã nâng lên thành 60 triệu đồng và có thêm mặt hàng áo thun nam “tự sản xuất”.

Anh Vương Bảo Tuấn– đại diện Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo Thúy An- một trong 2 đơn vị tổ chức hội chợ nông nghiệp thương mại đang diễn ra ở thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) chia sẻ: 100% các mặt hàng tham gia hội chợ lần này là hàng Việt, gồm hàng thiết yếu, cây giống… và nhiều nhất là quần áo.

Anh cũng cho biết thêm, để tạo lòng tin đối với NTD thì mỗi nơi đi qua, cứ khoảng vài tháng hoặc 1 năm lại đáo lại để người mua quen mặt.

Tạo chú ý

Để tạo sự chú ý và thu hút khách hàng, các hội chợ nông thôn thường kèm theo các chương trình ca nhạc, rút thăm trúng thưởng hàng đêm... Các cơ sở cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như: mua 1 tặng 1, giảm giá từ 10- 30%...

Tại hội chợ ở thị trấn Trà Ôn, giày dép của hãng Biti’s tấp nập người mua. “Tậu” liền 2 đôi dép với giá 85.000 đ/đôi, cô Phạm Thị Cúc (Lục Sĩ Thành) hồ hởi: “Ở hội chợ giá mềm hơn nên tranh thủ mua, cả nhà tui đều xài dép của hãng này”. Anh Phan Văn Tý nói: “Ngoài những sản phẩm bán đúng giá thì mỗi khi về nông thôn như vầy, chúng tôi đều có những sản phẩm giảm từ 20- 30% tùy loại”.

Ngoài các sản phẩm giá bình dân như: áo thun nữ 100.000 đ/4 cái, quần sọt kaki 75.000 đ/cái, quầy quần áo của cô Nguyễn Thị Mỹ còn giảm giá từ 20.000- 30.000 đ/sản phẩm vào những ngày cuối. Cô cho biết: “Mấy ngày giảm giá, sức mua tăng nhiều lắm!”


Anh Bảo giới thiệu sản phẩm tự may sau nhiều lần tham gia “đưa hàng về nông thôn”.

Anh Vương Bảo Tuấn nói: Cần phải hiểu NTD nông thôn thì mới tạo chú ý và kích thích được sức mua của họ như cần có những ưu đãi phù hợp để tạo thiện cảm. Ngoài ra, sản phẩm mới lạ, kiểu dáng phong phú cần đi kèm chất lượng đảm bảo và… giá cả phải chăng.

Mặt khác, nông thôn cũng thiếu các điểm vui chơi nên “cần có chương trình ca nhạc, gameshow, rút thăm trúng thưởng (tivi, quạt máy, nồi cơm điện…) để NTD đến hội chợ vừa mua sắm, vừa giải trí”. Anh Tuấn cũng cho biết thêm, sẽ tham gia và tổ chức thêm nhiều hội chợ về nông thôn nữa vì tiềm năng của thị trường này còn rất lớn.

Cũng như anh Tuấn, nhiều chủ cơ sở rất tin tưởng vào thị trường nông thôn. Cô Nguyễn Thị Mỹ nói: “Xong ở đây cũng sẽ qua hội chợ ở Óc Eo. Nông thôn đang phát triển, người dân ngày càng biết cách mua sắm nên tui còn bán tiếp”. Chị Thu Thùy thừa nhận: “Bước đầu bán chưa lời nhiều nhưng nông thôn là nơi có tiềm năng lớn nên tôi không lo. Bước đầu chủ yếu giới thiệu và bán các sản phẩm bình dân (từ 70.000- 150.000 đ/sản phẩm) cũng vui rồi”.

Lần đầu giới thiệu sản phẩm tại thị trường tỉnh Vĩnh Long, nhân viên cơ sở sản xuất cơ khí Phan Tấn (Tháp Mười- Đồng Tháp) phấn khởi: “Nhiều bà con ghé tham quan và dò hỏi giá cả, chất lượng chứng tỏ sản phẩm mình đã tạo được chú ý. Đây là một bước khởi đầu đáng mừng cho cơ sở khi tiếp cận thị trường nông thôn”.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- THẢO LY