Chuyển đổi số: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài xu thế chung

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 11/11/2021 (GMT+7)

 

Chuyển đổi số là xu thế chung cho các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là xu thế chung cho các doanh nghiệp.

(VLO) Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, doanh nghiệp (DN) cũng gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy trình hoạt động truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN mạnh dạn chuyển đối số, giúp DN có sức chống chịu tốt hơn trong hoàn cảnh và tình hình mới.

Cấp thiết chuyển đổi DN số

Trong hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của DN” do Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, DN cần triển khai chuyển đổi số để có sức chống chịu tốt hơn, giúp DN sẵn sàng “sống chung với dịch” và tận dụng cơ hội để bứt phá.

Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020.

Qua đó, quá trình thay đổi từ mô hình DN, mô hình quản lý truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức.

Theo ông Quang Vinh, nhìn chung, trong bối cảnh đầy thách thức này, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đối số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song, cũng phải nhìn nhận nhiều DN vừa và nhỏ vẫn còn “mơ hồ” khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế số.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên- Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT- IT) cho biết, có trên 80% lãnh đạo DN cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số.

Những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, tự động hóa quy trình…

Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương góp phần tăng cơ hội giao thương, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương góp phần tăng cơ hội giao thương, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Tại Vĩnh Long, tỉnh đã hỗ trợ phát triển 8 website thương mại điện tử cho doanh nghiệp, xây dựng trang “Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công thương” (đã có 150 DN tham gia, giới thiệu hơn 660 sản phẩm).

Qua đó giúp DN giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch qua mạng Internet… Từ đó tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, giúp DN phát huy tối đa năng lực sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các thông tin thương mại, bản tin xuất nhập khẩu…

Theo chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu nền kinh tế số chiếm 10% tổng sản phẩm (GRDP), tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành và lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030, các tỷ số này là 15- 20% và 20%.

Cần chủ động, mạnh dạn chuyển đổi số

Mobifone tỉnh Vĩnh Long từng bước xác lập vai trò nhà cung cấp dịch vụ số.
Mobifone tỉnh Vĩnh Long từng bước xác lập vai trò nhà cung cấp dịch vụ số.

Theo đánh giá, thực tế chuyển đổi số của DN tại Vĩnh Long hiện nay chưa nhiều, nếu có cũng chỉ là một vài DN lớn, tuy nhiên cũng chưa thật sự đi vào chiều sâu.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long từng chia sẻ, để thích ứng sản xuất trong giai đoạn bình thường mới, đòi hỏi DN phải có chiến lược phát triển, có dự trữ về vốn, có kỹ năng về tài chính, mở rộng đối tác cung ứng trong chuỗi sản xuất.

“Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng chính là ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số của cộng đồng DN. Bởi đây là xu hướng đòi hỏi DN phải chủ động. Muốn được như vậy cần có sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành và sự quyết tâm của chính DN”- ông Nam chia sẻ.

Theo Thiếu tá Trương Công Vĩnh- Phó Giám đốc CNTT Viettel Vĩnh Long, đa số DN của tỉnh là vừa và nhỏ, định nghĩa về chuyển đổi số, kinh tế số vẫn còn là khái niệm xa lạ. Bên cạnh đó, sự quyết tâm của lãnh đạo, chi phí chuyển đổi số khá cao… cũng là những nguyên nhân khiến DN còn e dè, thận trọng trong chuyển đổi số.

“Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế số phát triển, DN ở Vĩnh Long cũng không thể đứng ngoài xu thế chung. Chuyển đổi số không chỉ giúp DN đứng vững với nhiều biến cố bất ngờ- như dịch COVID-19 chẳng hạn, mà còn có rất nhiều lợi thế như quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng tiềm năng, quản lý DN, quản lý nhân sự, tài sản… một cách dễ dàng.

Như ở Viettel hiện nay, DN đã từng bước chuyển đổi số với hầu hết hoạt động, tiến tới mô hình văn phòng không giấy…”- ông Trương Công Vĩnh cho biết.

Không chỉ là DN tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, mà hiện nay, Viettel cũng là nhà cung cấp rất nhiều sản phẩm phục vụ cho DN chuyển đổi số. Theo ông Vĩnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, còn lợi thế là chuyện “DN nào đi trước mà thôi”.

“Hiện Viettel Vĩnh Long cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ chuyển đổi số cho DN như Msuite- giải pháp làm việc từ xa, họp và đào tạo trực tuyến, quản lý văn bản, tài sản, nhân sự, chấm công, sản thương mại điện từ, hệ thống chăm sóc khách hàng, giải pháp VESS quản lý DN vận hành nội bộ DN, giải pháp quản lý nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, tem truy xuất nguồn gốc,..”- ông Vĩnh cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Đoàn- Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, Mobifone đã từng bước xác lập vai trò nhà cung cấp dịch vụ số, hạ tầng số trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Mobifone đã và đang thực hiện nhiều chương trình phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh như: đài truyền thanh thông minh, hệ thống quan trắc cảnh báo nhiễm mặn sớm,…

“Đặc biệt là các giải pháp phục vụ công tác chuyển đổi số cho DN như: hệ thống camera ứng dụng AI ứng dụng quản lý an ninh, điều phối giao thông, chấm công, điểm danh, do thân nhiệt; giải pháp Mobifone Meeting và giải pháp E- Offce giúp DN duy trì hoạt động trong khi vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch; giải pháp SMS Brandame hỗ trợ DN tái khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh…”- bà Nguyễn Thị Đoàn cho biết.

Có thể nói, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với DN trong hoàn cảnh và tình hình hiện nay. Do đó, theo chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong DN.

Đồng thời, xây dựng và triển khai đề án Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, DN ngành nghề truyền thống, DN sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY