XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ, CHÍNH QUYỀN SỐ

Bước tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ nhu cầu người dân

Cập nhật, 22:08, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung. Trong ảnh: Người dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.
Nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung. Trong ảnh: Người dân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long.

Từ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện việc chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng chính quyền số- không chỉ phục vụ mà còn có khả năng cung cấp dịch vụ mới được cá thể hóa theo nhu cầu, thực hiện nhiều hơn dịch vụ công ích cho người dân.

Tập trung xây dựng chính quyền điện tử

Ông Lê Hữu Phước (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đổi thẻ BHYT. Ông bộc bạch: “Lo lắng dịch COVID- 19, nên tôi cũng hạn chế đi lại nhưng khi đến đây tôi thấy rất yên tâm. Các biện pháp phòng chống dịch như: đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay luôn đảm bảo. Công việc giải quyết rất nhanh gọn, nhưng cũng hiện đại; công chức, viên chức trung tâm rất nhiệt tình, lịch sự”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình- Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin- Truyền thông hoàn chỉnh phần mềm một cửa điện tử từ tỉnh đến xã để đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, chia sẻ, tích hợp với các phần mềm khác theo quy định. Đồng thời tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống lây lan dịch COVID-19.

Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Vĩnh Long Đoàn Hồng Hạnh cho biết, đến nay, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Hiện tỉnh đã triển khai Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử theo hướng tập trung, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu; cung cấp 1.770 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, có 618 dịch vụ công mức độ 4, 366 dịch vụ công mức độ 3, 786 đạt mức độ 2; đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối với VNPost thông qua trục LGSP để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán trực tuyến,…

Bên cạnh, hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ và dùng chung- LGSP giai đoạn 1. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh từng bước hình thành tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Đặc biệt, dịch vụ đô thị thông minh đã tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu từ các hệ thống được triển khai trước đây về trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh xây dựng hệ thống ứng dụng giám sát, điều hành.

Chính quyền số- bước đi cần thiết phục vụ nhu cầu người dân

Với mong muốn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai nhằm tạo nền móng phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ tư từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước năm 2020”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ tư từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước năm 2020”.

Tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước năm 2020" tại Vĩnh Long mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khái quát chính phủ số- đó là chính phủ điện tử có thêm đặc điểm là khả năng cung cấp dịch vụ mới, được cá thể hóa theo nhu cầu của người dân. Nếu chính phủ điện tử cung cấp, người dân cần chủ động tìm đến; còn chính phủ số là cung cấp dịch vụ cho người dân khi có nhu cầu. Và góc độ tỉnh Vĩnh Long nên nhìn vào chuyển đổi số quốc gia, qua đó phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cũng cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, tỉnh khẩn trương hoàn thiện chính quyền điện tử, đẩy mạnh các giải pháp phần mềm phục vụ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, điều hành và đưa vào thí điểm một số dịch vụ đô thị thông minh năm 2020. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa để đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, không lãng phí trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội và đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, trước hết là chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước”.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT-TT- Đoàn Hồng Hạnh cho biết, bên cạnh nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan, người dân và doanh nghiệp, cần tập trung triển khai hạ tầng phục vụ chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, kết nối hệ thống thông tin từ địa phương đến Trung ương. Tiếp tục hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu, vận hành ổn định phục vụ quá trình chuyển đổi số, đặc biệt tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Ứng dụng dành cho công dân (Smart Vĩnh Long) trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.
Ứng dụng dành cho công dân (Smart Vĩnh Long) trong triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Long.

Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đề xuất tỉnh đưa ra định hướng và mục tiêu để chuyển đổi số, định hướng lấy người dân làm trung tâm. Và đặt ra những mục tiêu định lượng, lộ trình thực hiện, đồng thời ban hành chiến lược và kế hoạch hành động đưa ra những mục tiêu cụ thể. Và cam kết của Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: “Bộ Thông tin- Truyền thông cam kết đồng hành cùng với tỉnh Vĩnh Long trong toàn bộ hành trình này. Đây là một hành trình chứ không phải việc làm ngắn hạn nên cần sự nỗ lực và cố gắng dài hạn”.

Bài, ảnh: TẤN ANH