Quyền sở hữu trí tuệ trong thời kỳ hội nhập

Cập nhật, 05:40, Chủ Nhật, 23/04/2017 (GMT+7)

Vừa qua, Sở Khoa học- Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức lớp tập huấn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thực tế, vấn đề quan tâm về SHTT vẫn còn nhiều hạn chế…

Sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Minh” cho sản phẩm bưởi Năm Roi.
Sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bình Minh” cho sản phẩm bưởi Năm Roi.

Tài sản trí tuệ gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… là một trong những đối tượng đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định trình độ phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.

Tài sản trí tuệ ngày càng có xu hướng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn lực và tổng giá trị của doanh nghiệp.

Do đó, nâng cao năng lực, trình độ và vị thế trong quá trình hội nhập quốc tế, việc tăng cường bảo hộ SHTT đối với doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết.

Những năm gần đây, doanh nghiệp của tỉnh đã quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở đó, một số đơn vị đã bước đầu tích cực xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ.

Qua đó, Sở Khoa học- Công nghệ cũng đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện chương trình tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Từ đó, đã có nhiều kết quả, chính sách cụ thể từ phía Nhà nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo bà Huỳnh Thị Thu Vân- Trưởng Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học- Công nghệ), sở đã phối hợp với Cục SHTT tổ chức tập huấn về vai trò của nhãn hiệu, một số vấn đề pháp lý cơ bản về bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng, bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu.

Trong năm 2016, đã tổ chức hội thảo về xây dựng nhãn hiệu và quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi Năm Roi Bình Minh.

Qua đó, đã trình UBND tỉnh giao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý và phê duyệt quy chế quản lý, sử dụng và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Bình Minh” dùng cho sản phẩm bưởi Năm Roi.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, cũng đã tổ chức hướng dẫn thủ tục hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể Bình Tân ra nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc); hướng dẫn tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký lập quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế.

Theo Phòng Quản lý công nghiệp, hiện nay, toàn tỉnh có 939 văn bằng bảo hộ độc quyền của tỉnh Vĩnh Long còn hiệu lực. Trong đó có 830 văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, 101 văn bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 8 văn bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích, sáng chế.

Mới đây nhất, Sở KH- CN đã phối hợp với Trường Quản lý KH-CN (Bộ KH-CN) tổ chức lớp tập huấn bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp.

Lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm về tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, một số điều ước quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ, kỹ năng đăng ký bảo hộ quốc tế, kỹ năng xác lập và quản trị tài sản trí tuệ, kỹ năng xây dựng và thực hiện các thủ tục tranh chấp, bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,…

 Qua đó sẽ góp phần nâng cao giá trị tài sản của doanh nghiệp, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh về hoạt động quản lý và bảo vệ quyền SHTT của doanh nghiệp.

Bằng những kết quả đạt được, theo bà Huỳnh Thị Thu Vân, chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020 sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về xây dựng, quản lý và phát triển nguồn lực tài sản trí tuệ của tỉnh, giữ gìn và phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa và danh tiếng của Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng và nhu cầu xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn nhằm xác định tính cần thiết phải bảo hộ, xác định chủ thể quyền sử dụng, xác định tính đặc thù của sản phẩm mang địa danh, lựa chọn hình thức bảo hộ và hướng dẫn các thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT.

Đồng thời hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, đặc sản, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương…

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020 sẽ hỗ trợ 100 tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký bảo hộ quyền SHTT; hỗ trợ 30 tổ chức có nhu cầu xây dựng và triển khai mô hình quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, chiến lược phát triển tài sản trí tuệ…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

TIN LIÊN QUAN