Truyện ngắn: Lại rời xa xứ

Cập nhật, 06:34, Chủ Nhật, 18/02/2024 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

HOÀNG KHÁNH DUY

Năm nào cũng vậy, khi ba ngày Tết nhanh chóng trôi qua, củ kiệu trong hũ, dưa cải muối chua trong khạp sắp hết, nhìn vào khạp thấy lộ cả đáy... là lúc tôi thấy lòng mình buồn rượi.

Không phải vì bánh chưng, bánh tét đã hết, cũng chẳng phải vì không còn cảnh tiệc tùng rộn rã, anh em sum họp nói đủ mọi chuyện trên đời... mà bởi vì tôi sắp sửa phải rời xa mái nhà nhỏ dấu yêu, rời xa miền quê máu thịt, rời xa bà tôi tuổi đã ngoài tám mươi, như ngọn đèn leo lét trước cơn gió lớn.

Tôi như một đứa trẻ, thấy tim mình hạnh phúc lâng lâng, thậm chí có thể reo lên khi trở về với nguồn cội quê nhà và rồi ứa nước mắt khi phải ra đi. “Nhưng không đi không được, bà ơi!”- Tôi nói vậy. “Bởi con còn phải bươn chải, chạy vạy để sống cho trọn vẹn những năm tháng của tuổi trẻ”. Bà vỗ vai tôi, một hành động biểu lộ sự tin cậy, động viên. Nhưng mắt bà tôi long lanh, đẫm nước.

Người ta thường nói quê nhà là chốn bình yên nhất! Quê nhà trong tâm tưởng của tôi cũng thật bình yên, êm ả. Quê nhà của tôi là nơi có những người hàng xóm hiền lành sống men theo dòng sông nhỏ, có bà tôi mỗi trưa hè lại lom khom ra bờ tre nhặt nhạnh củi khô đem vào xếp lên giàn bếp, chăm sóc dây bí, dây bầu đến ngày đơm hoa kết trái. Món canh thanh đạm, đĩa rau tập tàng luộc chấm tương đã nuôi lớn tôi từ thuở thiếu thời, trở thành món ăn của tuổi thơ, của tâm hồn để tôi đi xa luôn nhớ...

Cơm nước xong xuôi, bà gọi tôi ra mảnh vườn nhỏ sau nhà ngồi cho “xuống cơm”. Trên mảnh vườn có lối nhỏ dẫn ra đồng. Mấy năm nay, bà tôi không còn ra đồng nữa. Việc đồng áng đã có chú tôi coi sóc. Còn bà chỉ quẩn quanh trong nhà, ngoài vườn, trồng mấy luống rau xanh, nuôi vài con gà trên bờ, cặp vịt trắng dưới ao nước nhỏ.

Bà tôi ngồi trên chiếc võng vải mắc giữa hai cây xoài, tôi lót dép ngồi dưới đất, cạnh bà tôi. Thi thoảng bà xoa đầu tôi. Khoảnh khắc đó khiến tôi nhớ vô cùng những ngày nhỏ tôi cun cút theo bà tôi, từ trong nhà ra ngoài vườn, có khi sang tận xóm bên để bán mớ bí bầu vừa thu hoạch.

Giờ thì tôi không còn nằm trên võng lim dim ngủ, còn bà thì giẫy cỏ nữa. Tôi và bà hoán đổi vị trí cho nhau. Lưng bà tôi đã còng đi nhiều, những khớp tay khớp chân thường nhức nhối mỗi lúc trở trời trái gió. Mùi xoài cát Hòa Lộc chín thơm phức, hòa với mùi của luống rau thơm và mùi dầu nước xanh thoảng ra từ bà tôi.

Tay vòng ngược ra sau gối đầu, mắt nhìn lên tán cây xoài rung rinh theo mỗi nhịp võng đưa lúc lắc. Bà tôi thỏ thẻ hỏi:

- Dạo này con có gặp lại má con không, Hai?

“Hai” vốn là cách gọi quen thuộc của bà dành cho tôi. Ở xứ này người lớn hay gọi con cháu là “thằng Hai”, “con Ba”... ít khi gọi tên nhưng đứa nào cũng biết. Nghe bà nhắc đến má, lòng tôi lạnh đi. Tôi thường không hay nghĩ về má mình, không phải vì tôi không thương má mà vì mỗi khi nghĩ về má tim tôi thắt lại.

Xót xa. Bao năm rồi tôi không đón xuân cùng với má. Có lần bà tôi hỏi tôi rằng, “mày có giận má mày không, Hai?”. Tôi ngẫm ngợi thoáng chốc, không biết gật đầu hay là lắc đầu. Nhưng tôi nghĩ mình sẽ trả lời thật với bà. Xưa giờ tôi vẫn chưa giấu bà tôi điều gì, dù là chuyện bé xíu.

Và tôi lắc đầu.

Tôi không giận má. Tôi chỉ buồn má ngày xưa đã bỏ tôi sống bên bà. Bà chăm sóc tôi chu đáo, dành hết mọi thứ bà có cho tôi. Nhưng dẫu thế nào đi nữa cũng không thể bù đắp nổi trái tim người mẹ. Bà chỉ còn biết cố gắng hết sức mình. Tôi cảm nhận được điều đó nên thương bà vô kể.

- Con không gặp má, nội ơi! Má giờ cũng có hạnh phúc riêng của má! Con không muốn má bận bịu thêm chuyện cũ, người xưa...

Bà tôi gật đầu, nét mặt buồn so. Tôi biết bà cũng không oán trách má tôi, dù má đã từng bỏ ba tôi, tức là con trai của bà để rời đi chỉ vì không chấp nhận được cuộc sống tù đọng, buồn tẻ ở xứ này. Có lần bà tôi nói, “má mày là người của thành phố, má mày thuộc về thành phố, xứ này không hợp đâu”.

Tôi cũng nghĩ vậy, bởi có một ký ức xa lắc xa lơ mà tôi cứ nhớ mãi, đó là lần tôi thấy má mình ăn mặc rất đẹp, đi dép guốc, tóc xõa dài ngang lưng đi đi lại lại trước sân nhà, xuống bến sông. Tôi hỏi má ở nhà thì làm gì mặc đồ đẹp vậy. Má tôi không đáp, nhưng má nhìn tôi lâu lắm, rồi mắt má nhìn xa xăm ra dòng sông, ra xóm nhỏ về chiều có ráng trời đỏ tươi bao phủ. Ai đó khe khẽ hát mấy câu dân ca buồn man mác. Má tôi thở dài.

- Lỡ má đi xa thiệt xa, con có nhớ má không? - Má tôi hỏi vậy.

Tôi chưng hửng. Nhìn má.

- Đi xa? Mà má định đi đâu, đi lâu lắm không má?

Má ôm tôi vào lòng xoa đầu, mắt ngấn nước. Tôi chưa hiểu má mình sắp sửa đi đâu, nhưng tôi sợ má đi xa. Tôi khóc ròng.

Rồi má đi thật.           

Ba tôi buồn lắm! Còn bà tôi chỉ nói có một câu, nửa giận hờn, nửa xa xót: “Má mày tệ quá, Hai ơi!”. Rồi từ đó đến nay bà tôi không một lời trách hờn má nữa. Bà tôi cũng từng là phụ nữ, bà hiểu được có những người sống ở đây mà lòng dạ, tâm hồn hướng về một nơi khác thì sớm muộn gì một cuộc rời cũng sẽ diễn ra. Bà hiểu được xứ này còn tù đọng, lạc hậu lắm. Cái xứ xa xôi chợ búa, lọt thỏm giữa sông nước, ruộng đồng. Tôi lớn lên bên bà, từ đất quê hiền lành nhân hậu.

Rồi ba tôi cũng rời đi. Vĩnh viễn. Ba hóa thành đám mây bay trên bầu trời, thành dòng nước trong lành len lỏi giữa muôn vàn con nước trên dòng sông quê hương...

Tôi sống bên bà. Tuổi thơ có bà ấp iu, dạy dỗ, che chở, yêu thương. Tuy nghèo, nhưng chưa bao giờ bà để cho tôi thua thiệt. Hình ảnh má vẫn chập chờn trong trí óc, trong trái tim tôi. Vẫn là một hình ảnh thiêng liêng mà tôi giữ gìn, bảo vệ.

Bà nói với tôi nhất định phải trụ vững trên chính đôi chân của mình, không dựa dẫm vào ai cả. Tôi sống như bà từng mong ước. Những năm tháng lang thang trên thành phố để mưu sinh, học tập và thực hiện giấc mơ của mình, tôi đã nỗ lực rất nhiều.

Tôi tự mình bước qua mọi khó khăn, thách thức, sống nhân hậu, bao dung. Mỗi lần gọi điện thoại về quê, “khoe” với bà một thành tích nào đó của mình, như chuyện tôi vừa “đập ống heo” mua quà tặng người cơ nhỡ, chuyện tôi được sếp tuyên dương, hứa sẽ tăng lương và thăng chức... Bà tôi vui lắm, cười khúc khích bên kia điện thoại.

Út Mầm- con bé hàng xóm nói với tôi bà hạnh phúc vô cùng, bà đi “khoe” khắp xóm. Ai cũng mừng cho bà vì có đứa cháu ngoan ngoãn, thảo hiền. Tự dưng tôi trở thành “idol” của xóm. Những nhà có con cái sắp sửa đi học đều lấy tôi ra làm tấm gương cho bọn trẻ. Tôi nói với Út Mầm: “Ngại quá! Anh có là gì đâu”.

Xóm tôi những ngày Tết đến rộn ràng, nô nức. Nhưng khi Tết đi qua lại chìm vào buồn tẻ, quạnh hiu. Những gia đình tạm biệt con, cháu, anh, em... để họ rời quê hương đi học, đi làm, đi khẳng định bản thân- như tôi.

Bao giờ cũng vậy, cuộc chia ly nào cũng thấm đượm nỗi buồn. Mỗi năm 365 ngày, ai cũng chỉ mong mấy ngày Tết được quây quần bên nhau, cùng nói chuyện, hát ca, ăn uống, nối lại những yêu thương mặc dù những yêu thương ấy chưa bao giờ đứt quãng.

Mùi xoài cát Hòa Lộc chín bói trên cây cứ thoang thoảng đâu đây. Bà tôi nói:

- Đám chim quỷ, nó ăn hết xoài chín trên cây. Hái không kịp thì xác định: chỉ còn cái hột.

Tôi cười xòa:

- Chim cũng thích ăn ngọt mà, nội.

Út Mầm đem cây cù móc sang, hai anh em tôi hí hửng hái xoài đem xuống, trái chín thì ăn ngay tại vườn, trái sống thì đem ủ cho chín, ăn sẽ ngọt ngào hơn nhiều.

Ngày tôi đi xa- ngày không mong muốn đã đến.

Tết đã hết rồi! Tôi lại lên đường. Công việc trên thành phố vẫn đang chờ đón tôi. Bà ngậm ngùi đội nón lá lom khom tiễn tôi đến đầu cầu tre lắt lẻo. Út Mầm vẫy vẫy:

- Khi nào rảnh rỗi, về quê chơi, nghen anh Hai!

Tôi gật đầu. Nước mắt rưng rưng. Tôi thấy mình nghẹn ngào quá đỗi. Tôi không muốn nói lời gì thêm ngoài câu: “Nội giữ sức khỏe, được nghỉ con lại về!”. Tôi sợ mình sẽ nức nở bật khóc.

Qua cầu. Qua sông. Rời quê hương máu thịt.

Không một ai mong muốn một cuộc sống xa khỏi chốn quê nhà yên bình, chỉ vì cuộc mưu sinh, vì những giấc mơ còn dang dở. Bởi ai biết rằng, đằng sau câu nói: “Cứ đi đi, bà vẫn ổn”, “Đi đi, má đợi con về mà!”, “Ba khỏe re, có gì đâu mà lo”... là một niềm ước ao người xa sẽ trở về, sẽ sống dưới mái nhà mà họ từng lớn khôn theo năm tháng.

Và, cũng chẳng ai biết rằng đời người còn bao lần gặp gỡ, bao lần chia xa. Thế nên hãy cứ sống trọn những khoảnh khắc được gần nhau, yêu thương nhiều hơn, sẻ chia thật nhiều. Tất cả sẽ là những kỷ niệm thật đẹp, không bao giờ phai nhòa trong tâm khảm...