Truyện ngắn: "Cửa sau"

Cập nhật, 20:22, Chủ Nhật, 06/11/2016 (GMT+7)

 

  • ™Nguyễn Linh

Đêm thứ nhất. Đùng! Đùng! Ầm!... Bom nổ. Tiếng người khóc. Tiếng kêu la không thấu nổi màn trời đen kịt màu thuốc nổ.

Đêm thứ hai. Tiếng súng bắn liên thanh. Bệnh viện, trường học,… bị đốt. Ven đường, dưới gốc cây, hốc núi,… xác người ngổn ngang. Nhiều nơi, xác chồng chất lên nhau. Mùi thuốc nổ, mùi tanh của máu xộc vào mũi.

Đêm thứ ba. Nhà cháy. Lửa hung tợn. Từng đoàn người tất tả chạy trốn cuộc truy sát. Người già thất thần, không biết chạy về đâu bằng đôi chân run bần bật sắp ngã quỵ. Trẻ con khóc thét. Đạn bay ngang đầu. Rừng cổ thụ rách bươm.

Đêm thứ tư. Những ngôi chùa bị phá. Tượng phật lăn kềnh ra, nằm chỏng chơ trên nền gạch đầy máu. Vách tường cũng máu, in hằn những dấu tay đỏ chạch cầu cứu trong cơn tuyệt vọng.

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

- Anh Quan! Anh Quan! Ngủ thấy gì mà la lớn dữ vậy?

Quan giật mình, mở mắt nhìn vợ:

- Ờ… ờ… hổng có gì đâu! Em ngủ đi! Anh… không sao.

- Cả tuần nay, em thấy anh… hình như có gì đó… không ổn.

- Đâu có gì, anh… anh cũng… bình thường mà.

- Vậy mà bình thường? Đêm nào anh cũng trằn trọc, tay thì gác lên trán thở dài, tới khuya thì la lớn như gặp ác mộng vậy. Dạo này chắc do áp lực công việc, hay là vợ chồng mình đi du lịch đâu đó cho khuây khỏa, mình ha?

Đi du lịch? Chắc gì đã khuây khỏa! Lại một đêm mất ngủ, Quan uể oải bước ra ban công mong chút gió trời sẽ làm dịu đi những sợi thần kinh đang căng như sợi dây đờn sắp đứt. Không tác dụng, bao hồi ức thời trẻ cứ ùa về, dữ dội như cơn lốc xoáy mới vừa hôm qua.

Cả tuần nay, Quan không dám soi gương vì nhìn vào đó anh không nhận ra bản thân là một giám đốc phong độ, mỗi khi tới công ty bao người phải nở nụ cười thân thiện và cúi đầu chào mà thay vào đó là một gương mặt tựa ác quỷ, xấu đến mức khiến bản thân phải buột miệng kêu lên: “Đồ khốn nạn! Đồ bỉ ổi!”

Một tuần, đúng một tuần anh đã sống dằn vặt trong đau khổ như người mất hồn và ray rứt trong màn đêm ngột ngạt bằng mớ ký ức ngổn ngang.

Hôm ấy, từ công ty bước ra, chợt Quan nhận ra một người, dù xa cách lâu ngày nhưng gương mặt này, ánh mắt này thì không thể quên được. Anh mừng rỡ, gọi lớn:

- Lộc! Lộc! Có phải… Lộc đó không?

Người đàn ông trung niên giật mình quay lại, thoáng chút suy nghĩ rồi ngỡ ngàng:

- Anh là… Quan? Là… Quan? Đúng rồi, thằng Quan A8 đây mà! Mầy… mầy làm việc ở đây hả?

Tình cờ gặp lại thằng bạn chí cốt, Quan bước tới vỗ vào vai Lộc một cái thật mạnh:

- Trời ơi, mấy chục năm rồi tụi mình mới gặp nhau. Mà, bữa nay mầy tới đây làm gì vậy?

- Chuyện đó nói sau. Mầy lúc này khỏe không? Vợ con đề huề hả? Nhìn phong độ, ăn mặc bảnh bao như vầy… xém chút nữa là tao nhìn hổng ra luôn. Tao thì… mầy thấy đó, từ nhỏ tới lớn sống đất phèn, giò cẳng toàn phèn là phèn không mầy ơi! Bữa nay, tao từ dưới quê lên thăm thằng con làm việc ở đây. Tao lên bất ngờ, không điện thoại báo trước. Đợi chút nữa hết giờ con tao ra tới, sẵn dịp giới thiệu để bác cháu biết nhau luôn.

Quan cười:

- Giàu có gì mầy ơi, thì cũng làm việc rồi sống lây lất qua ngày. Ờ mà, con mầy tên gì? Làm ở bộ phận nào?

- Thằng nhỏ tên Liêm, mới nhận việc hơn tháng nay, làm ở bộ phận… kêu bằng tiếng Anh là… ma két gì đó tao hổng rành- Lộc lại nhìn khắp người Quan một lượt rồi khen- Ăn mặc sang trọng như vầy, giữ chức trưởng phòng gì chưa? Có gì mầy dìu dắt, hướng dẫn thằng nhỏ, con tao mà cũng như là con mầy nghen!

Lộc mãi uyên thuyên, không kịp nhận ra gương mặt từ hồng hào chuyển sang trắng bệch của thằng bạn chí thân. Nhưng rồi thấy Quan lảo đảo như sắp ngã quỵ, Lộc giật mình, dìu Quan ngồi xuống băng đá:

- Mầy… mầy bị bệnh hay gì mà…?

Quan ngập ngừng trả lời, giọng khô khốc:

- Không sao đâu. Tao… tao… làm ở công ty… khác, gần đây. Bữa nay, giám đốc… nhờ tao qua bên này giao dịch công việc, hơi căng thẳng nên…

Lộc gật đầu, cười nhẹ:

- Ừ, lớn tuổi rồi, nhớ hồi nào tụi mình… khỏe như trâu và không sợ trời, sợ đất gì hết. Hồi đó, tao bị thương, về nước rồi xuất ngũ trước. Thời buổi không điện thoại nên tụi mình mất liên lạc nhau luôn. Thiệt tình, bữa nay tình cờ gặp mầy tao mừng lắm. Hay là tụi mình kiếm quán làm vài xị ôn chuyện xưa? Rượu đế nghen mậy, bia bọt tao hổng quen.

Trả lời thế nào? Ngay lúc này đây, Quan nghe đất trời đang rung chuyển trong đôi tai lùng bùng. Anh muốn né tránh, trốn chạy nhưng không thể chối từ đành gật nhẹ mà lòng rối như tơ:

- Ờ, ờ… vậy mình đón taxi, chớ nhậu nhẹt chạy xe ra đường nguy hiểm lắm.

Rượu cạn ly. Lộc say sưa ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên thời khoác áo bộ đội tận chiến trường Campuchia.

Còn Quan, anh cảm thấy bất an, một cảm giác đầy tội lỗi khi đối diện với người đồng đội cũ mấy năm trời sống chết có nhau, thân như anh em ruột thịt. Anh không biết phải nói gì, bắt đầu ra sao vì một sự thật cay nghiệt đến không thể ngờ: con của Lộc lại chính là chàng trai trẻ tên Liêm.

Với Lộc, thằng con xin được việc, vợ chồng anh mừng như thể bắt được vàng. Mấy bận anh đòi lên Sài Gòn, vào tận nơi làm việc để thăm con, vợ anh thì định gói bánh tét gửi lên nhưng nó cứ lắc đầu nguầy nguậy: “Công ty là nơi làm việc, ba là người ngoài, tới đó để làm gì?

Một là anh bảo vệ không cho vô, hai là… mấy đứa con gái làm chung cười, chê con là con nít rồi sao?” Nghe thằng con nói, anh mắc cười chứ không giận. Đôi lúc vợ chồng anh quên mất là con mình đã lớn, trong thâm tâm cứ nghĩ rằng nó mãi là đứa bé bỏng, cần được vỗ về, yêu thương.

Nhưng lắm khi con cái dù đã trưởng thành vẫn không hiểu hết tấm lòng của cha mẹ. Cũng như chiều nay, anh rất muốn xin người bảo vệ được vào tận phòng làm việc của thằng con, nhìn nó “oai phong” ngồi làm việc, trên bàn có bảng tên, chức vụ gì đó, dù nhỏ là anh đã mãn nguyện. Biết là không thể nên anh cố tình không điện thoại báo trước và chờ trước cổng để ngắm thằng con trong bộ đồng phục từ công ty bước ra là đủ, là hạnh phúc.

Uống thêm ly rượu, Quan nghe đắng và cay như cả ngàn ly đế. Là sự thật thì không thể che giấu hay trốn chạy, dù gương mặt có trơ ra như một pho tượng để nghe những lời trách mắng nặng nề nhất, thậm tệ nhất từ người bạn, để anh được nhẹ lòng.

Quan nhìn thẳng vào mắt người bạn thân, định nói câu: “Lộc à, thú thiệt với mầy… Tao… tao chính là giám đốc của công ty nơi thằng Liêm đang làm việc… Xin mầy… hãy tha thứ cho tao, tha thứ cho tao!” Nhưng không đủ can đảm, anh chần chừ rồi lại lặng im.

Thấy thằng bạn tâm trí như đang để đâu đâu, Lộc thúc:

- Nè, vô thêm ly nữa! Mầy biết không, để lo cho thằng con có việc làm đàng hoàng như ngày nay, vợ chồng tao phải đành lòng bán đi công ruộng cuối cùng mà trước đây, dù vết thương cũ tái phát, tao cũng cắn răng chịu đựng cố giữ lại cho con.

Như có hàng trăm, hàng ngàn con kiến đang bò, rồi chui sâu cắn miết ruột gan, Quan buột miệng:

- Vậy... à! - câu nói buông ra nhẹ hều như bông gòn bay trong gió để giấu đi lời tự trách “Quan ơi, mầy là thằng khốn nạn!”

Nhìn vào mắt bạn, Lộc bộc bạch:

- Thú thiệt với mầy, từ lúc ra trường, thằng nhỏ đã xin việc tất cả là sáu công ty, mà sáu lần hy vọng là sáu lần thất vọng. Lần này, vợ tao bàn đã không xin “cửa trước” được thì… mình đi… “cửa sau”. Cửa sau?

Trong một thoáng, tao đã hiểu nên cản, làm vậy chẳng khác nào đưa hối lộ. Vợ tao thuyết phục, nghe mấy bà ngoài chợ nói thời buổi này muốn xin được việc, chuyện đó… là bình thường. Trời ơi, là bình thường?

Không lẽ mọi chuyện đều giải quyết bằng cách này hay sao? Con tao còn nhỏ, không hề biết chuyện má nó tới nhà, to nhỏ với vợ ông giám đốc quyền uy nào đó và gửi bao thơ. Mà, tức thiệt mầy, thằng nhỏ tốt nghiệp loại giỏi, vậy mà muốn xin được việc phải đứt cả một công ruộng của ông nội để lại. Thiệt… đau như bò đá!

Lộc vẫn tâm sự, Quan không nghe, đầu óc anh quay cuồng, không điểm tựa, hụt hẫng như vừa rơi xuống vực sâu không đáy trước một sự thật đến phủ phàng. Bạn thân đó sao? Đồng đội sống chết có nhau đó sao? Bất chợt Quan vung tay đập mạnh xuống bàn:

- Khốn nạn!

Tiếng thét như lửa của Quan làm mấy vị khách bàn bên ngơ ngác. Lộc nắm lấy tay bạn:

- Thôi, đừng bức xúc, dù gì thì thằng nhỏ cũng có việc làm ổn định rồi. Từ nay, có mầy, mầy làm việc gần đây chắc quen biết nhiều, mầy sẽ thay tao… Vô một ly mừng cho cháu. Vô!

Rượu mừng? Sao đắng quá, cay quá?

Quan nhớ như in ngày anh và Lộc biết nhau là ở chiến trường tỉnh Kampong Cham khi cả hai đều đang ở tuổi mười chín đôi mươi đầy nhiệt huyết.

Có lần chứng kiến xác những người dân vô tội chất thành đống ở một ngôi chùa, Lộc ôm Quan khóc ngất. Và trong đêm chuẩn bị rút quân sang Kampong Thom, dưới ánh trăng vàng vọt treo vắt vẻo trên tán cây xơ xác, rách bươm vì bom đạn, Lộc tâm sự: “Bên đó, Pol Pot đang “khát máu”, không biết tụi mình, đồng đội mình rồi sẽ ra sao? Sau này, khi hoàn thành nghĩa vụ, tao với mầy về quê nhớ liên lạc nhau, nhất định đẻ một trai, một gái, tụi mình mần sui, mầy ha!”

Quan cười gượng: “Tao bây giờ không mảnh tình vắt vai, sui gia, nghe xa vời quá, ông cụ non!” Lộc vỗ vai Quan, cười tủm tỉm: “Thanh niên gì tới giờ chưa ghệ gộc? Tao… thì tao có rồi, con nhỏ cùng quê, không đẹp nhưng hiền và dễ thương lắm.

Bữa gia đình đưa tiễn tao ngoài huyện, nó chạy theo xe, vẫy tay, biểu bình an mà nước mắt rớt lộp độp, xíu nữa là tao không kiềm lòng được, khóc theo nó luôn rồi…” Để minh chứng, Lộc còn mở bóp đưa Quan xem tấm hình đen trắng, một cô gái có nụ cười dễ mến với hàm răng trắng như gạo Nàng Thơm chợ Đào.

Đêm nay, Quan lại không ngủ được. Một mình trên sân thượng, nghe gió đang lướt qua, nhẹ nhàng, lòng anh chợt run lên mà không phải vì lạnh. Nhuệ khí của người lính năm xưa làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn thoát khỏi cảnh diệt chủng đâu rồi để giờ đây anh không đủ can đảm đối diện với sự thật, để phải ray rứt mãi trong lòng, để phải sống không giống “người đang sống”.

Đạo Phật có câu chuyện “Mục Liên- Thanh Đề”, bà Thanh Đề vì tội lỗi gây ra, khi chết phải nhận hình phạt đớn đau về thể xác. Con trai bà là Mục Liên hiếu thảo, xuống tận âm phủ xin Diêm Vương mang cho mẹ chút thức ăn. Cơm đó, canh đó nhưng bà vừa đưa vào miệng đều hóa thành lửa nóng. Đúng là luật nhân quả tuần hoàn, có vay ắt có trả.

“Vợ chồng tao phải đành lòng bán đi công ruộng cuối cùng, dù vết thương cũ tái phát, tao cũng đành cắn răng chịu đựng cố giữ lại cho con”. Câu nói của thằng bạn như mũi dao nhọn, từng chút, từng chút một cứa vào tim Quan, rỉ máu.

Lộc ơi, tao phải làm gì để trả hết cho những tội lỗi do mình gây ra, để lòng được nhẹ hơn. Tao cũng có đứa con gái, lời nói năm xưa, làm sui, tao không xứng đáng, mầy không thể ngồi sui với thằng đốn mạt như tao.

Vết thương cũ tái phát, mầy đã cắn răng chịu đựng cố giữ lại công đất cuối cùng cho con, đau quá! Mầy vì tao, cứu tao nên bị thương, giờ tao lại trả ơn cho thằng bạn, ân nhân của mình như vầy đây sao? Trời ơi!

Quan từ từ mở điện thoại… 21 giờ 48 phút… có thể giờ này Lộc chưa ngủ. Tay run rẩy, anh mở danh bạ tìm “Lộc”- cái tên thân quen mà anh chỉ mới lưu vào máy hơn một tuần- chần chừ thật lâu rồi quyết định bấm, một cái ấn tay thôi, nhẹ lắm, nhưng anh lại nghe khó thở như có hàng ngàn tảng đá khổng lồ đang đè nặng khiến tim thoi thóp rồi bất chợt vùng vẫy lung lung như sắp rời khỏi lồng ngực.

Tiếng chuông đổ… một hồi… hai hồi… ba hồi… không người bắt máy. Trời ơi, hổng lẽ ông bắt con phải vác gương mặt “không giống người” này gặp trực tiếp thằng bạn, để nói những lời cũng “không giống người” với vị ân nhân của mình hay sao?

Với sự quyết tâm, Quan lại bấm điện thoại. Chuông lại đổ… và… Lộc bắt máy:

- A lô! Quan hả? Giờ này gọi tao có gì hông mậy?

Chỉ nghe bấy nhiêu mà khiến tay chân Quan bủn rủn, miệng lặp bặp:

- Ờ… ờ… tao… tao…

Lộc cười:

- Thằng này, nói chuyện với tao mà cứ ấp a ấp úng như trai gái hẹn hò vậy?

Im lặng một lúc, Quan mím chặt môi rồi lấy hết can đảm bật lên thành lời, nghẹn ngào như tiếng khóc:

- Tao… tao không tiện… hay nói khác hơn là… không dám gặp mầy để… nói lên và nhận bao lỗi lầm về một sự thật. Tao… tao… sẽ thú thật với mầy một chuyện… chuyện về “cửa sau”…

Bên ngoài gió thổi mạnh, trời bắt đầu mưa lất phất. Quan áp điện thoại sát vào tai, người co rúm lại, bao đau khổ hằn sâu nơi khóe mắt. Rồi bỗng nhiên anh hu hu khóc như một đứa con nít.