Đậm đà ba khía muối

Cập nhật, 17:17, Thứ Ba, 15/12/2020 (GMT+7)

Vào Rằm tháng 10 hàng năm, không hiểu từ đâu ba khía chen chúc hàng triệu con, kéo nhau quần hội cả một vùng U Minh (Cà Mau), nên còn có tên là mùa “ba khía hội”. Sở dĩ loài vật nước mặn này có tên gọi ngộ nghĩnh vì trên mai chúng có 3 gạch sậm màu nên gọi là ba khía.

Ba khía rời nước chỉ vài tiếng là chết. Vì vậy, nếu bán không kịp, người dân phải tranh thủ đem muối. Ba khía chế biến khi còn sống là ngon nhất. Có thể nướng, chiên giòn, nấu canh chua, luộc, chấy tỏi, xào me… đều không mất đi hương vị đặc trưng. Nhưng để ăn dần thì phải mang đi muối.

Ba khía rửa sạch bùn bám trên thân, sau đó chuẩn bị nước muối. Nước muối phải đạt độ mặn nhất định, không lạt quá mà cũng không được mặn quá. Để biết độ vừa của nước muối, người ta lấy đoạn cây mắm thả vô, cây nổi lên là đạt. Ba khía khát nước sẽ uống thật nhiều nước muối mặn mà… đơ. Ba khía muối ăn ngon nhất là sau khi muối từ 5 - 10 ngày, có thể để được khoảng 1 tháng.

Trước tiên là tách thân ba khía ra khỏi mai, xé ba khía thành từng miếng nhỏ, rồi cho chanh, ớt, tỏi, đường (chanh có thể thay bằng khế, khóm). Ớt phải là ớt trái, xắt khoanh, không ăn ớt khô hay ớt xay, ngâm. Hiện nay nhà nhà đều có tủ lạnh nên người nội trợ trộn ba khía đều ít cho chanh vào để giữ ba khía được lâu, khi nào dùng mới vắt chanh, khóm hoặc khế. Dùng cơm với ba khía cần thêm một đĩa rau sống, chuối chát, dưa leo, đậu rồng… Tuy dân dã nhưng chắc rằng nồi cơm sẽ cạn đáy vì món ăn quá hợp khẩu vị. Ngon nhất là càng ba khía, cắn nghe rạo rạo, nước muối và thịt bên trong tứa ra miệng. Mai ba khía nhất định không được bỏ, cho cơm nóng vào, trộn đều lấy phần gạch son, sau đó trộn với cơm trắng, có thể gọi là món “mai ba khía trộn cơm” ăn rất ấn tượng.

Mùa “ba khía hội” náo nhiệt ngày xưa giờ chỉ còn hoài niệm. Ba khía không còn nhiều như trước nữa, có người giỏi lắm cũng chỉ bắt được vài chục ký ba khía trong một buổi hội là cùng. Do thời tiết thất thường và nhiều lý do khác, nên ba khía dần chán… trẩy hội. Đó là lý do giá ba khía được đẩy lên cao, người bắt lại càng đi lùng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”.

Theo NGUYỄN THANH VŨ (BLO)