Màu xanh Bình Hòa Phước

Cập nhật, 13:31, Thứ Ba, 11/08/2015 (GMT+7)

1. Đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi trở lại Bình Hòa Phước (Long Hồ) khi địa phương đang bộn bề công việc, vừa xong đại hội Đảng bộ, liền tập trung thực hiện các tiêu chí còn lại, củng cố, giữ vững những tiêu chí đã đạt được trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để kịp tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Xã Bình Hòa Phước phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới.Ảnh: THANH BÌNH
Xã Bình Hòa Phước phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới.Ảnh: THANH BÌNH

Chúng tôi ngỏ ý có cuộc phỏng vấn anh Trần Minh Cảnh- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã và anh Nguyễn Văn Nghĩa- Phó Bí thư Đảng ủy về vai trò đầu tàu của cán bộ trong cuộc vận động, thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng vì quá bận việc nên các anh hẹn lại và giới thiệu chúng tôi xuống các ấp, các đoàn thể, nơi trực tiếp tiếp xúc nhân dân thực hiện cuộc vận động. Anh Nghĩa chỉ nói một ý là “Vận động làm sao, thực hiện làm sao cho người dân thấy được xây dựng nông thôn mới thì người dân chính là người được thụ hưởng thành quả”.

2. Bình Hòa Phước trong kháng chiến là vùng bị địch kềm kẹp nặng nề, nhưng nhân dân có nhiều đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến- nhất là vùng Rạch Đôi ở gần vàm rạch Cái Muối. Chúng tôi ngỏ ý với anh Đệ giới thiệu gia đình có công tiêu biểu trong kháng chiến cho chúng tôi. Anh giới thiệu gia đình mẹ Trần Thị Sảnh. Toàn xã có hơn 80 liệt sĩ, trong đó gia đình mẹ Trần Thị Sảnh có đến 4 người con ruột là liệt sĩ. Mẹ vừa được Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tặng tấm khánh. Chúng tôi đến thăm nhà mẹ.

Nhà mẹ là căn nhà tình nghĩa được xây dựng khá khang trang nằm bên bờ kinh ven trục đường nối từ Đồng Phú qua Cái Muối xuống QL 57. Đây là đoạn nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã với tên gọi đường D3. Đoạn đường này được rải nhựa xong và xã đạt tiêu chí về giao thông.

Nhà mẹ hiện nay do người con gái thứ tám tên Trương Thị Mưa ở và thờ cúng mẹ, ba cùng các anh liệt sĩ. Trong lời kể ngắt quãng, khi nhớ, khi quên, chị Tám kể về những tháng ngày cơ cực của mẹ để có cơm gạo nuôi đàn con thơ dại. Ba mẹ có 8 người con (4 trai, 4 gái). Ba và mẹ phải làm đủ mọi việc trong nghề làm mướn, ai mướn gì thì làm nấy kể cả đào đất, làm cỏ, tưới cây, khi rảnh thì xuống sông bắt tôm, bắt cá, cốt sao lo đủ cái ăn cho cả nhà. Tuy nhà nghèo, khó khăn nhưng gia đình ba mẹ là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng ở khu vực đầu cù lao Minh, kể cả cán bộ của Chợ Lách về hoạt động ở vùng Vĩnh Bình, Phú Phụng.

Tháng 4/1962, anh Trương Văn Hào (sinh năm Giáp Thân)- người con trai thứ tư của mẹ vừa 18 tuổi, tình nguyện lên đường tham gia cách mạng. Với ý chí trai trẻ quyết tâm cầm súng ra chiến trường, anh được biên chế vào một đơn vị chủ lực Quân khu. Không đầy năm sau, vào tháng 1/1963, người con thứ ba Trương Văn Hùng (sinh năm Nhâm Ngọ) khi ấy vừa tròn 21 tuổi, từ giã ba mẹ tiếp tục lên đường tham gia bộ đội địa phương tỉnh Bến Tre. Tháng 11/1965, anh Trương Văn Ngài- người con trai thứ sáu- mới 16 tuổi, tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị bộ đội chủ lực Miền. Chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, bom đạn càng lúc càng nhiều. Mẹ chỉ biết cầu mong cho con mình được bình yên giữa chốn làn tên mũi đạn.

Tháng 12/1965, mẹ nhận được tin dữ, con trai của mẹ- Trương Văn Hào- anh dũng hy sinh tận chiến trường Rạch Giá xa xôi. 2 năm sau, vào tháng 11/1965, mẹ lại nhận được tin người con thứ sáu Trương Văn Ngài hy sinh ở chiến trường Mỹ Thiện (Cái Bè). Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Mẹ chỉ biết khóc thầm trong đêm, thương các con còn quá trẻ, các anh đền xong nợ nước nhưng đối với mẹ, các anh chưa để lại cho mẹ nàng dâu, đứa cháu nội nào.

Anh Trương Văn Nhựt bấy giờ đã được 21 tuổi. Ba mẹ muốn anh lập gia đình, nhưng anh chưa đồng ý vì còn lo làm giúp ba mẹ nuôi đàn em nhỏ. Nhưng thực ra là vì anh không muốn vướng bận chuyện tình cảm khi đang nung nấu ý chí quyết tâm ra đi vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và thời cơ đến, chuẩn bị vào Tết Mậu Thân 1968, anh tình nguyện vào bộ đội địa phương tỉnh Bến Tre.

Như vậy, khi đó cả 4 người con trai của mẹ đều trở thành bộ đội và chỉ còn lại 2 người. Nỗi lo của mẹ ngày lớn hơn khi sau Tết Mậu Thân binh lính đến đóng bót dày đặc khắp vùng. Trên trời, hàng đàn máy bay thi nhau đổ bom đạn xuống khắp các vùng quê. Rồi chỉ trong 3 tháng cuối năm 1969, mẹ nhận liền 2 tin dữ. Mẹ như lặng đi trước cái bàn thờ nhỏ xíu lại xếp một loạt 4 cái lư hương bằng lon chao chưa kịp rỉ sét.

Cái tàn bạo của chiến tranh lại tiếp tục ập xuống gia đình bất hạnh của mẹ. Sau Tết năm Nhâm Tý 1972, binh lính ở Chợ Lách hành quân càn quét qua nhà. Chúng bắt ba, tra tấn đánh đập vì cho rằng gia đình ba nuôi chứa “Việt cộng” và ba phải biết Việt cộng ở đâu mới cho hết mấy người con trai đi theo. Chúng buộc ba phải khai. Nhưng dù địch tra tấn tàn bạo cỡ nào, ba cũng không hề hé môi khai lời nào có hại cho cách mạng. Không khai thác được gì, chúng tiếp tục đưa về Chợ Lách để tra tấn tiếp. Ở tuổi 60, sức khỏe kém, không chịu nổi đòn tra tấn tàn bạo trong gần một tháng trời, nên sau khi chúng thả ra, về đến nhà thì ba bị thổ huyết, ói, ỉa ra toàn máu và từ trần.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ lần lượt nhận các Bằng Tổ quốc ghi công, các Bằng Huân chương kháng chiến của các con. Tổ quốc ghi nhận công lao đóng góp của các con của mẹ cho cuộc kháng chiến. Đó là niềm an ủi lớn nhất của mẹ. Nhưng mẹ vẫn mong sao có người con gái nào đó tìm đến và nhận là vợ hay người yêu của một trong các con của mẹ thì quý biết bao và càng quý hơn khi có giọt máu của con mẹ còn gởi lại. Nhưng, đó chỉ là mơ ước…

Ghi nhớ công lao của mẹ, ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Trần Thị Sảnh. Đảng, Nhà nước và nhân dân dành những ưu ái chăm sóc cho mẹ lúc tuổi già. Năm 1996, mẹ từ trần, thọ 78 tuổi.

Tục ngữ có câu “Công làm, công bỏ; công làm cỏ công ăn” cho nên mặc dù nhà hiện nay có 4 công vườn nhưng chị Tám vẫn gặp khó khăn kinh tế vì không có người lao động. Công việc làm vườn hiện nay ngoài sức lực, còn có cả trí lực, tài lực; phải biết nhìn xa, trông rộng, trồng cây gì, nuôi con gì, đầu tư ra sao, vào thời điểm nào, để khi có sản phẩm được thị trường chấp nhận, sản phẩm có giá mới có thu nhập cao. Mấy năm nay, cây nhãn bị bệnh “chổi rồng”, nhà neo đơn, không thể xử lý được nên thu nhập không cao. Hoàn cảnh của chị hiện quá neo đơn, chồng bị bệnh mới mất, đứa con gái lớn đi làm công nhân, lấy tiền nuôi em đang còn đi học. Cộng đồng xã hội vẫn tiếp tục hỗ trợ theo chính sách nhưng không thể giúp đỡ toàn diện được.

Chiếc cầu từ đường D3 qua nhà mẹ đã được anh em dân quân, du kích giúp sửa chữa khá chắc chắn, người đi bộ có thể mang dép qua được, không còn là chiếc cầu khỉ lắt lẻo như xưa nhưng vẫn chưa được “cứng”. Theo gợi ý của anh Đệ, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi thống nhất góp một số tiền nhỏ để mua vật tư, anh em dân quân, du kích địa phương sẽ góp công để làm chiếc cầu xi măng, xe 2 bánh có thể qua nhà mẹ được. Đây là tấm lòng thể hiện sự tri ân của anh em chúng tôi với gia đình mẹ.

2. Cuộc chiến tranh giải phóng giành độc lập cho dân tộc hòa bình, tự do hạnh phúc cho nhân dân đã kết thúc được 40 năm. Hơn ai hết, người Việt Nam ta hiểu rõ giá trị của hòa bình. Chúng ta yêu chuộng hòa bình nên không tiếc máu xương để gìn giữ. Chúng ta yêu chuộng hòa bình nên không tiếc công sức để xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn, ấm no hạnh phúc hơn. Những ký ức về chiến tranh ở khía cạnh chứng tích lịch sử, nhắc nhở mỗi con người Việt Nam về một thời đau thương, một thời anh dũng để mỗi người chúng ta hiểu rằng: Dân tộc Việt Nam đã chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ để có được nền độc lập tự do, để đất nước thống nhất, hòa bình, xây dựng và phát triển. Chúng ta phải sống xứng đáng với những sự hy sinh của lớp lớp cha anh và phải biết trân trọng, yêu quý giá trị của hòa bình, độc lập. Vùng đầu cù lao Minh đã qua nhiều thăng trầm biến đổi đang từng ngày, từng phút đổi thay vươn tới. Căn nhà của mẹ Trần Thị Sảnh tuy chưa được to đẹp lắm, đời sống con cháu của mẹ chưa được khá giả nhưng luôn có sự giang tay giúp đỡ của cộng đồng.

Theo anh Nguyễn Văn Nghĩa, để đạt được xã nông thôn mới, Bình Hòa Phước còn phải cố gắng rất lớn để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Nhân dân Bình Hòa Phước có truyền thống yêu nước nồng nàn. Trong 2 cuộc kháng chiến đã đóng góp nhiều máu xương, công sức, của cải và cả những giọt nước mắt của các bà mẹ, có tình đoàn kết keo sơn và có lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng ta và người dân ngày càng nhận ra rằng người thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới chính là người dân. Đó là yếu tố chắc chắn để đi đến thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.

ĐẶNG VĂN