Đánh địch trên sóng vô tuyến

Cập nhật, 15:21, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Chuyện đánh địch trên sóng vô tuyến của Đội Trinh sát kỹ thuật mà tiền thân là Đội Mã thám của Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ là chuyện ngày ấy ít người biết!

Các chiến sĩ thông tin vô tuyến làm nhiệm vụ.Ảnh: Tư liệu BVL
Các chiến sĩ thông tin vô tuyến làm nhiệm vụ.Ảnh: Tư liệu BVL

Từ Đội Mã thám đến Đội Trinh sát kỹ thuật

Từ những cán bộ kỹ thuật được cài lại trên địa bàn và các kinh nghiệm có được trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nên trước cuộc Đồng khởi 1960 trên toàn miền Nam hồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược kế tiếp, Tỉnh ủy Vĩnh Long có thuận lợi trong tái lập hoạt động thông tin vô tuyến. Ban đầu đơn vị điện đài chỉ có đồng chí Tư Trực (Nguyễn Văn Đông) và đồng chí Út Bá (Lê Côn Tòng), cuối năm 1963 có thêm đồng chí Năm Hưng (Nguyễn Thái On) được bổ sung tập sự ở bộ phận cơ công dưới sự hướng dẫn của đồng chí Tám Liễng.

Trong giai đoạn 1960- 1964, do thiếu người và phương tiện làm việc chỉ là các máy thu phát tín hiệu morse tự lắp ráp nên công việc của tổ lúc đó chủ yếu là giữ liên lạc 2 chiều giữa tỉnh với khu. Tháng 7/1964, trong một lần tò mò, Tư Trực ghi lại một bức điện của địch trên sóng vô tuyến rồi đưa cho đồng chí Năm Hưng thử giải mật. Bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, Năm Hưng đã giải được nội dung bức điện này là: Bộ Chỉ huy Sư đoàn 9 ngụy yêu cầu Trung đoàn 15 trực thuộc báo cáo về tình hình quân số và quân trang quân dụng. Nội dung bức điện rõ ràng không có gì quan trọng, nhưng với tầm nhìn của một người lãnh đạo như đồng chí Tư Cẩn (Trịnh Văn Lâu)- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc đó, thì đây là một khả năng mới của tổ để thâm nhập vào hệ thống thông tin của địch. Năm Hưng được đưa về khu để dự khóa học chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật trên ngay sau đó.

Cuối năm 1964, Tỉnh ủy quyết định rút đồng chí Út Bá ở bộ phận điện đài về cùng với Năm Hưng thành lập bộ phận chuyên theo dõi các hoạt động của địch trên các sóng vô tuyến điện và đặt tên là “Tổ Mã thám”. Phương tiện hoạt động của tổ ngày ấy tuy rất đơn giản, như đồng chí Út Bá chỉ được trang bị một chiếc radio hiệu Philip để theo dõi các sóng, nhưng họ hoạt động rất hiệu quả nên được Tỉnh ủy tin tưởng liên tục cho bổ sung người, đặc biệt do chính Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo. Đến cuối năm 1966, đơn vị tuy gọi là tổ nhưng quân số đã hơn 10 người và nhận thấy với tên gọi “mã thám” có thể gây sự chú ý của địch nên từ tháng 9/1967 tổ được đổi tên thành “Tổ Trinh sát kỹ thuật”, tổ trưởng là đồng chí Năm Hưng. Từ yêu cầu tình hình cuối năm 1969, quân số của tổ được tăng lên 15 người, các chiến sĩ ở đây ngoài nhiệm vụ chính của mình còn đột xuất đi phục vụ cho các hoạt động vũ trang, binh vận trong tỉnh.

Những chiến công thầm lặng

Tổ Mã thám hay sau đó là Tổ Trinh sát kỹ thuật hoạt động rất hiệu quả nhưng những việc liên quan đến tổ đều được giữ bí mật. Ngay cả chiến công lớn này của tổ cũng ít người biết đến: Gần một năm sau kể từ ngày lập được chiến công lớn đầu tiên từ sự phát hiện kịp thời một âm mưu đánh phá lớn của địch qua việc giải được một bức điện mật của chúng vào ngày 24/5/1965 giúp Tỉnh ủy Vĩnh Long tránh được thiệt hại lớn, thì đầu năm 1966, tổ có tiếp một chiến công rất ấn tượng.

Lần đó, Năm Hưng giải mật được một bức điện có nội dung là sáng 18/2/1966, địch sẽ đổ quân đánh vào một cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy tại khu vực Xẻo Mát (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành). Thực tế là trước đó 2 ngày, Tỉnh ủy dự định mở cuộc họp này tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình), nhưng cơ sở binh vận của ta trong lòng địch báo cho biết địa điểm này đã bị lộ, nên đồng chí Tư Cẩn quyết định cho dời cuộc họp về Xẻo Mát thì nhận được báo cáo đó của đồng chí Năm Hưng. Cuộc họp buộc phải dời tiếp về xã Tân Nhuận Đông ở cùng huyện. Ngay trong đêm, Tỉnh ủy di chuyển về địa điểm mới thì tiếp tục được Năm Hưng khẩn cấp báo cáo vừa giải mật một bức điện mới nhất của địch cho thấy địa điểm này cũng bị lộ. Lần thứ ba cuộc họp này phải di dời.

Sáng hôm sau, đúng như sự báo động của Tổ Mã thám, địch dùng trực thăng đổ một lực lượng hùng hậu đánh úp vào căn cứ bỏ trống của ta ở xã Tân Nhuận Đông. Rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn địch đã 2 lần “vồ” hụt các con mồi to đang trong tầm tay! Phát hiện có sự bất thường sau các lần địch đánh hụt vào căn cứ ta, tổ đặc biệt theo dõi bọn địch ở Tiểu khu Vĩnh Long và đã bắt được một bức điện của bọn này báo cáo về Ban Chỉ huy Sư đoàn 9 có nội dung rất đặc biệt: “Cần kiểm tra lại Nguyễn Văn X. vì nguồn tin báo của người này không có thật…” Tên gián điệp lợi hại có biệt danh X. mà địch khổ công cài sâu vào nội bộ ta ngay sau đó bị tóm cổ. Thật khó có thể hình dung về sức làm việc bền bỉ và hiệu quả của Tổ Mã thám cho dù đến lúc đó họ chỉ vỏn vẹn 2 nhân sự!

Một bước ngoặt đến với Tổ Trinh sát kỹ thuật bắt đầu từ sau năm 1967. Đây là lúc các đơn vị quân Mỹ và ngụy bắt đầu sử dụng các máy thông tin có tầng sóng ngắn PRC 10 và PRC 25 để liên lạc nhau trên chiến trường. Đáp ứng với tình hình, tổ kịp thời được trang bị các phương tiện tương tự bằng những máy thông tin chiến lợi phẩm, nhưng cách theo dõi địch thì vẫn như trước là từng người theo dõi sát từng làn sóng điện của địch suốt ngày đêm, chỉ có khác là số người theo dõi các sóng dần dần có thể bớt đi để đến các bộ phận khác vì điều kiện làm việc đã dễ dàng hơn. Vào những năm gần ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổ chỉ còn 2 đồng chí là Hai Khởi (Lê Hoàng Khởi) và Quốc Tiến (Võ Quốc Tiến) nhưng vẫn quán xuyến tốt các làn sóng điện của địch cần theo dõi.

Trong công tác trinh sát kỹ thuật, điều có tính quyết định để thành công là giải được bảng quy ước mật mã của đối phương, nhất là càng về sau địch càng cảnh giác với ta nên mỗi ngày từ 4 hay 5 giờ sáng chúng đổi ca trực thì đổi luôn một bảng luật quy ước mật mã mới. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, với cách phân công chặt chẽ như nói trên, các chiến sĩ trong tổ có cơ hội phát huy hết kinh nghiệm và đua nhau mày mò giải mật từng chữ cái. Có người chỉ giải được một vài chữ nhưng sau đó nhiều người ráp lại thành kết quả khả quan hơn. Đến chiều hội ý chung thì tổ có trong tay bảng quy ước trong ngày của địch. Ngày hôm sau cũng vậy, cuối cùng các bảng mật mã của địch gần như đều bị tổ khám phá. Từ kinh nghiệm này, bảng quy ước mật mã của ta không làm theo một quy luật nào nên địch tuy có thể bắt được nhiều bức điện của ta nhưng đối với chúng đó là mớ lộn xộn chẳng thế nào hiểu được.

Theo các chiến sĩ trinh sát kỹ thuật, so với giai đoạn địch và ta đều dùng các máy nhận và phát tín hiệu morse thì giai đoạn địch và ta đều dùng các máy PRC 10 hay PRC 25, việc giải mật của tổ có vẻ dễ dàng hơn. Lúc đó, địch cũng luôn thay đổi mật mã nhưng anh em ta có thể đoán ra theo các quy luật dùng từ của chúng, ví dụ như kêu pháo có lúc dùng từ “phở”, xe GMC thì dùng “gái muốn chồng”… Có chuyện buồn cười là có những tên sĩ quan võ biền như đại úy Thạch Mốc ở Chi khu Minh Đức (Cái Nhum ngày nay) có lần đi càn bị quân giải phóng vây đánh rát quá, chẳng cần mật mã lên máy chửi thề ỏm tỏi rồi nói trắng ra các lệnh với các thuộc hạ của mình… Nhiều khi địch cũng lên máy làm động tác giả nên nếu thiếu kinh nghiệm là mắc mưu chúng. Chẳng hạn như hàng ngày lúc 22 giờ đêm, Bộ chỉ huy tiểu khu đều lên máy thông báo kế hoạch hoạt động ngày hôm sau cho các đơn vị trực thuộc, nhưng đó thường là kế hoạch giả, phải theo dõi đến khoảng 2- 3 giờ sáng hôm sau chúng mới truyền đạt kế hoạch thật.

Nắm được các bộ mật mã của địch trên các sóng vô tuyến, Tổ Trinh sát kỹ thuật nhiều phen lập những chiến công ngoạn mục. Như trường hợp xảy ra tại xã Bình Ninh (Tam Bình) vào đầu năm 1968. Qua bắt sóng máy PRC 25 của địch, đồng chí Hai Khởi biết được chúng sắp bắn pháo. Giải mật mã tọa độ và thời gian cho kết quả thật bất ngờ: điểm bắn pháo đúng ngay nơi Thường trực Tỉnh ủy đang đóng, xem đồng hồ thì chỉ còn 10 giây nữa địch sẽ điểm hỏa. Hoảng quá, Hai Khởi chỉ kịp chạy ra sân hô lớn: “Pháo bắn mấy chú ơi!” Nghe trinh sát kỹ thuật báo bất thường, đồng chí Nguyễn Ký Ức- Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí La Lâm Gia (Bảy Máy)- Khu ủy viên, đang bàn bạc công việc lập tức vào công sự. Vài giây sau, pháo địch bắn thật. Một quả rớt ngay nhà của 2 đồng chí lãnh đạo. Nếu không có sự lanh trí của Hai Khởi thì chẳng biết chuyện gì đã xảy ra!

Hay như trường hợp “ngon ăn” của đồng chí Quốc Tiến: Tháng 10/1972, bọn lính đồn Cây Điều tại xã Mỹ Lộc (Tam Bình) bị du kích bao vây nhiều ngày đang hoang mang cực độ, lên máy liên tục kêu cứu. Nhận biết thời cơ đã chín muồi, Quốc Tiến được phép của lãnh đạo đã cùng 2 chiến sĩ dùng xuồng đến trước cửa đồn kêu chúng ra hàng, vậy là lấy được đồn không tốn một viên đạn. Đó là chưa kể nhiều lần trinh sát kỹ thuật ta mưu trí đánh lừa địch, bẻ gãy một số trận càn trong lúc chúng đang chiếm ưu thế so với lực lượng ta. Trong các trận như thế, đồng chí Quốc Tiến ấn tượng nhất là khi Tiểu đoàn 1 của tỉnh về đứng chân ở vùng ven TX Vĩnh Long là tại xã Tân Hạnh vào cuối năm 1974. Địch đánh hơi được liền điều 3 tiểu đoàn bảo an mở 3 mũi quyết đánh tiêu diệt lực lượng ta. Rõ ràng so với địch, lực lượng ta hoàn toàn yếu thế do quân ta ít hơn lại vừa đứng chân trên địa bàn mới mà chưa được bổ sung hậu cần sau một thời gian dài hỗ trợ huyện Bình Minh mở rộng vùng giải phóng. Thế nên Ban Chỉ huy tiểu đoàn quyết định đưa lực lượng trinh sát kỹ thuật đang phục vụ tại tiểu đoàn ra “đánh giặc mồm” với địch: Các máy PRC 25 khẩn trương triển khai, qua các thuật ngữ mật mã, cố ý cho địch đoán biết ta thổi phồng lực lượng mình rồi kẻ tung người hứng đan xen với các loạt đạn của trọng liên 12,8 ly khiến địch hoàn toàn mất phương hướng chẳng còn dám tiến quân, mạnh mũi nào nấy trụ, chờ đến chiều mạnh ai nấy rút êm!

Theo tư liệu từ quyển sơ thảo “Bưu điện tỉnh Vĩnh Long những chặng đường lịch sử (1930- 2003)” do Bưu điện Vĩnh Long phát hành, trong quá trình phục vụ từ năm 1964 đến năm 1975, Tổ Mã thám sau đó là Tổ Trinh sát kỹ thuật đã mở trên 3.000 bức điện mật của địch, trong đó có trên 300 bức điện tối mật. Đó là các kế hoạch hành quân, tọa độ đánh phá, ném bom, biệt kích… Trong đó, có hơn 20 lần báo chính xác ngày giờ và địa điểm địch đổ quân đánh phá các cuộc họp của tỉnh. Một điểm son nữa của tổ là suốt quá trình công tác, không có cá nhân nào để sai sót gây hậu quả xấu về mặt chuyên môn, không đồng chí nào vi phạm kỷ luật hay phản bội.

Hồng Vân (TP Vĩnh Long)