Người khá giàu thì giàu thêm

Cập nhật, 06:29, Thứ Sáu, 10/03/2017 (GMT+7)

Các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào nông dân (ND) thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội ND tỉnh phát động đã thật sự có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu.

Đoàn khách nước ngoài đến tham quan mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.
Đoàn khách nước ngoài đến tham quan mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

Học theo Bác, tăng gia sản xuất

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đã kiến lập, đặt nền móng tư tưởng “xóa đói, giảm nghèo” với mục tiêu “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”. Nhận thức được vấn đề trên, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với làm theo lời Bác.

Thấm nhuần lời dạy Bác, nhiều năm liền anh Võ Văn Tước- Chi hội trưởng ND ấp Tân Dương (xã Tân Thành- Bình Tân) luôn phấn đấu tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm, ứng dụng trên 3ha đất trồng khoai lang và rau màu, thu lời gần 1,4 tỷ đồng/năm.

Theo anh Tước, để bán khoai có giá, anh thường xuống giống sớm và canh thu hoạch vào cuối tháng 6 và rằm tháng Chạp hàng năm. Thu hoạch xong vụ 1 thì anh cho nước vào ruộng ngâm xử lý đất khoảng 10 ngày.

Sau đó rút nước rồi rải vôi bột, phơi đất khoảng 10 ngày là tiếp tục xuống giống vụ kế tiếp. Sau vụ 2, anh lại sạ lúa để đổi đất và hạn chế dịch hại. Bên cạnh, anh còn tận dụng diện tích đất còn lại là mặt nước mương và đất bờ bao trồng rau màu để thêm thu nhập theo hình thức “lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Tước đúc kết: “Để làm nông đạt hiệu quả, tui rất chú trọng đến khâu tiêu thụ sản phẩm, nghĩa là quan tâm sản xuất mặt hàng thị trường cần theo mẫu mã, chủng loại, kích cỡ và sản phẩm làm ra phải sạch. Khâu chọn giống và kỹ thuật canh tác cũng góp phần đáng kể cho giá trị sản phẩm, phải đảm bảo đê bao an toàn để không ngập úng và chủ động khi thu hoạch.

Bên cạnh, cần luân canh các loại rau màu khác nhau như: bắp, lúa, mè... để tránh dịch hại, giảm bệnh và có đủ thời gian để phục hồi độ phì nhiêu của đất.

Mô hình trồng màu của anh Tước đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương. Anh cho biết, sắp tới sẽ vận động thêm nhiều hộ tham gia mô hình liên kết bờ vùng để chủ động trong khâu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm bớt chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm.

Mỗi nông dân một việc làm cụ thể

Qua phát động, toàn tỉnh có 108 cơ sở hội và trên 80.000 ND đăng ký thực hiện làm theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể.

Trong đó, anh Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Mỹ 1, xã Đồng Phú- Long Hồ) với 5 công đất, anh đầu tư nuôi heo- cá, kết hợp dây chuyền nhà máy sản xuất thức ăn viên nén, lời 1,5 tỷ đồng/năm. Mô hình lúa- khoai kết hợp dịch vụ đưa đò của anh Nguyễn Văn Nhanh (ấp Thành Phú, xã Thành Lợi- Bình Tân) thu lời trên 800 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng bưởi da xanh kết hợp trồng chuối cau theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” của anh Nguyễn Văn Nhựt (ấp Thanh Tân, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) lời hơn 790 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều ND còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, anh Nhựt đã hiến 250m2 để làm đường giao thông, cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác đã cùng đóng góp trên 90.200m2 đất và gần 7.500 ngày công lao động để nâng cấp, sửa chữa và nhựa hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh.

Bên cạnh việc chăm sóc vườn cây, anh Nhựt cũng như nhiều ND khác còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp hộ khó khăn nhiều cây giống và cho mượn tiền để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giả.

 

Từ phong trào thi đua, nhiều nông dân tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vượt qua thử thách, vươn lên làm giàu.
Từ phong trào thi đua, nhiều nông dân tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vượt qua thử thách, vươn lên làm giàu.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 912 hộ ND nhận được sự trợ giúp với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, trên 1 triệu cây giống các loại và hơn 12.300 ngày công lao động. Từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ ND”, đã triển khai 46 dự án với số vốn gần 15,8 tỷ đồng giúp cho 566 hộ vay sản xuất.

Nhìn chung, phong trào đã tác động tích cực đến hội viên, ND trong tỉnh, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của ND.

Bên cạnh, phong trào phát triển chưa đều khắp, còn nhiều kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả chưa thật sự được nhân rộng hoặc một số ND sản xuất kinh doanh giỏi nhưng chưa thật sự phổ biến để mọi người rút kinh nghiệm học tập và làm theo.

Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh nhận định: Từ thực tiễn sinh động của các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm mới rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh và đất nước.

Nắm vững và vận động các kinh nghiệm đó và kết hợp với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ là điều kiện cần thiết để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Song, các cấp hội cần thường xuyên chăm lo phát hiện những nhân tố mới, xây dựng và mở rộng mô hình làm ăn có hiệu quả, những điển hình xuất sắc vì sự giàu có của gia đình và sự phồn vinh của giai cấp ND.

 

Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 76.600 hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp trung ương 5.550 hộ, cấp tỉnh gần 10.500 hộ. Phong trào thi đua đã khắc phục dần tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết. Trong đó, coi trọng kinh tế tự chủ hộ gia đình, nhiều hộ cũng đã phát huy nội lực cùng sự hỗ trợ cộng đồng mà vươn lên làm giàu.

 

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI