Phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019

Cập nhật, 05:18, Thứ Ba, 12/02/2019 (GMT+7)

Theo ĐCSVN, sáng 10/2/2019 (tức mùng 6 tết), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019, do Bộ Nông nghiệp- PTNT tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức tại xã Việt Cường (huyện Trấn Yên).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng 200 suất quà cho đồng bào nghèo, khó khăn của huyện Trấn Yên. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng 200 suất quà cho đồng bào nghèo, khó khăn của huyện Trấn Yên. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, ngành lâm nghiệp đạt được kết quả cao và toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp- PTNT, có ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc (trồng trên 231 ngàn hecta rừng tập trung, vượt 18,7% kế hoạch; trên 63 triệu cây phân tán, vượt 27,7% kế hoạch; giá trị xuất khẩu lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, xuất siêu 7 tỷ USD; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%.

Phát biểu tại lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cách đây gần 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.

Người chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”; “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.

Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là Tết trồng cây; khuyên nhân dân cần duy trì bền bỉ Tết trồng cây”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị.

Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.

Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề.

Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia- dân tộc. Trong bối cảnh đó, việc trồng cây, gây rừng càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa to lớn.

Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học- công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.

PV